Chiến lược cán bộ và cán bộ cấp chiến lược

Nam Việt 11/05/2020 07:30

Kể từ đầu Đại hội XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã tổ chức 11 Hội nghị. Tới thời điểm này, việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng thông qua các hội nghị kế tiếp đang dần hoàn thiện; trong đó công tác cán bộ cấp chiến lược được xác định là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Nhiệm vụ đó được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập, nhấn mạnh.

Gần đây nhất, trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ. Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sau 35 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ nước ta có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực được nâng lên. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh; có một bộ phận phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật; một số còn bị xử lý hình sự.

“Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho rằng: “Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?”.

Hội nghị Trung ương 12 (Khóa XII) của Đảng sẽ bàn bạc, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là công tác cán bộ cấp chiến lược. Đây là điều được toàn xã hội quan tâm, kỳ vọng. Trong thực tế, suốt thời gian qua Đảng ta mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm sâu sát đến chiến lược cán bộ để có được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đúng tầm cỡ, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới với những nhiệm vụ rất nặng nề. Mà muốn làm được điều đó thì không được bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; bảo thủ, trì trệ… Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vì thế phải có “con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn. Nếu không, khi đã để người xấu lọt vào vị trí lãnh đạo là gây họa cho Đảng, họ càng hại Nước, hại Dân nhiều hơn.

Cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm” hết sức quyết liệt thời gian qua cho thấy sự kiên quyết của Đảng làm trong sạch đội ngũ; đồng thời cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc trong chiến lược cán bộ, lựa chọn cán bộ cấp chiến lược cho Đảng, cho Nước, cho Dân. Chỉ thiếu công tâm, thiếu sáng suốt một chút thôi thì sẽ “sai một li đi một dặm”, di họa không biết đến bao giờ mới khắc phục được.

Ngày 23/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 205 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đây là động thái quyết liệt và cứng rắn của Đảng trong việc lựa chọn cán bộ cấp chiến lược, không để lọt vào cơ quan Đảng, Nhà nước những cán bộ xấu với những thủ đoạn tiến thân không trong sáng.

Đất nước trông chờ và hy vọng vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sắp tới khi Đảng đã có chiến lược rất rõ ràng về cán bộ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005).

Lời căn dặn đó của Người không lúc nào được quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiến lược cán bộ và cán bộ cấp chiến lược

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO