Chính phủ liêm chính

Hữu Nguyên 06/05/2016 09:24

Sau nhiều năm, khái niệm “liêm chính” lại được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định như một yêu cầu hàng đầu và phải luôn song hành cùng mọi hoạt động của hệ thống hành pháp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây trong cuộc họp Chính phủ đã nhấn mạnh cá nhân Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ cần phải làm gương cho xã hội để phấn đấu xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, nói không với tham nhũng và tiêu cực.

Ảnh minh họa.

Lịch sử ghi nhận, một ngày sau khi tuyên bố độc lập (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trình bày nhiều nhiệm vụ cấp bách. Mục tiêu cuối cùng của những nhiệm vụ cấp bách đó là phải làm cho dân tộc ta trở thành một dân tộc xứng đáng với một nước Việt Nam độc lập. Để làm được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần phải mở một chiến dịch giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta thực hiện “cần-kiệm-liêm-chính”. Người cũng khẳng định, Chính phủ Hồ Chí Minh cam kết sẽ là chính phủ “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu bộc lộ nhiều điểm yếu và trở thành những rào cản ngáng chân sự phát triển. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là sự chậm chạp trong quá trình hoàn thiện thể chế hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư, làm ăn của mọi thành phần trong xã hội. Sự chậm trễ đó có phần của nhiều lý do chủ quan và khách quan, song về cơ bản là do hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh và bộ máy tổ chức hành chính còn chưa thoát ra khỏi tư duy “quản lý, kiểm soát” hành vi thay vì phải là tư duy “quản trị, kiến tạo” sự phát triển.

Về bản chất của Nhà nước ta, ngay từ những ngày đầu tiên đã được khẳng định đó là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả các mục tiêu và hoạt động của Nhà nước là nhằm phục vu lợi ích của đất nước, của nhân dân. Hiến pháp và luật pháp cũng khẳng định và ghi nhận các quyền làm chủ của dân đối với mọi hoạt động, mọi cơ quan tổ chức nhà nước. Do vậy, Chính phủ là cơ quan hành pháp trung ương có mục tiêu “hành động vì dân” là tư tưởng xuyên suốt của bản chất Nhà nước ta ngay từ những ngày đầu tiên độc lập. Một nền hành chính từ dân, vì dân và gần dân chính là bản chất sống còn của chế độ, là sự khác biệt giữa chế độ dân chủ và chế độ thực dân, đế quốc, phản dân chủ.

Đặc biệt, trong thời hiện đại, “trong sạch, liêm chính”, càng phải là một trong các yêu cầu hàng đầu và phải luôn đồng hành với một chính phủ hành động vì dân, đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho tới các làng, đều là công bộc của dân. Nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Nguyên tắc xây dựng và vận hành bộ máy trong sạch, liêm chính là cơ sở để những người chủ của đất nước có điều kiện giám sát, kiểm tra và tham gia xây dựng chính quyền nhân dân, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyên tắc này không chỉ là phạm trù chính trị, đạo đức mà trong thế giới hiện đại còn phải được hiến định và luật hóa một cách cụ thể với tinh thần “công chức nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép”. Hệ thống luật pháp điều chỉnh các hoạt động và vận hành của bộ máy hành pháp, cán bộ công chức được xây dựng trên tinh thần phục vụ dân, kiến tạo phát triển sẽ góp phần tạo điều kiện cho người dân, các cơ quan dân cử giám sát, kiểm soát quyền lực và định hướng sự vận hành của hệ thống công quyền vào các mục tiêu ích nước lợi dân.

Không phải ngẫu nhiên trong phát biểu có liên quan tới mục tiêu phấn đấu xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới và nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải coi trọng MTTQVN bởi đây là tổ chức liên minh chính trị, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận chính là nơi tập hợp sức mạnh của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân. Thủ tướng khẳng định: “Muốn đảm bảo kỷ cương phép nước cần phát huy, đảm bảo quyền dân chủ của người dân trên tinh thần có dân là có tất cả, không có dân sẽ không có thành công”.

Vai trò của MTTQVN trong xã hội và đảm bảo cho việc giám sát các hoạt động công quyền vì lợi ích dân tộc đã được khẳng định từ lâu trong các văn kiện chính thức của hệ thống chính trị, đã được hiến định và luật hóa. Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách và đòi hỏi gay gắt hơn khi đất nước đang cần sự thay đổi toàn diện trong tư duy quản trị và kiến tạo phát triển của bộ máy hành chính. Trong đó, vai trò giám sát, phản biện và sự tham gia tích cực của mọi người dân, mọi thành phần trong xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Coi trọng vai trò của MTTQVN, chứng tỏ người đứng đầu Chính phủ thực sự quán triệt sâu sắc tinh thần “đổi mới tư duy để xây dựng một nền hành chính công phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân”. Tổ chức MTTQ từ trung ương tới khu dân cư hiện là một trong những mạng lưới tai mắt của nhân dân sâu rộng và hiệu quả nhất để các cơ quan công quyền nắm bắt ý nguyện, tâm tư của dân. Hơn nữa, tổ chức này có cơ sở pháp lý và bộ máy để thực thi việc giám sát trách nhiệm giải trình của chính quyền.

Với sự thay đổi trong nhận thức và quyết tâm thực thi sự đổi mới của những người có trách nhiệm hàng đầu, toàn bộ máy dù muốn hay không cũng sẽ phải vận hành theo đúng định hướng. Một chính phủ liêm chính do vậy, có thể trông đợi từ hôm nay, trước hết với tuyên bố và lộ trình hành động xóa bỏ cơ chế “xin – cho” cơ chế vốn đã góp phần tạo ra những nhóm lợi ích kéo lùi sự phát triển và xâm hại không nhỏ tới các lợi ích chính đáng của người dân trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ liêm chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO