Chính phủ- Mặt trận: Đồng hành vì dân

Dạ Yến Ảnh: Thành Trung 10/02/2017 11:30

Ngày 10/2, phát biểu tại Hội nghị kiểm điểm thực hiện quy chế phối hợp công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 của Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong bất cứ thành công nào của Chính phủ đều có sự đóng góp quan trọng của Mặt trận. Đây chính là tiền đề thúc đẩy cho công tác phối hợp trong thời gian tới hiệu quả hơn góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động.

Quang cảnh hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các Bộ trường, đại diện các bộ, các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam…

Chưa khi nào việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng lại được triển khai đồng bộ như lần này, điều này thể hiện cao độ cho tinh thần đại đoàn kết, là mục tiêu, là tiền đề thúc đẩy cho công tác phối hợp trong thời gian tới hiệu quả hơn, theo đúng tinh thần Chính phủ - Mặt trận: Đồng hành vì dân.

Ngay khi sự cố môi trường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 về hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thì Mặt trận là một trong những cơ quan đầu tiên chủ động có nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo cho người dân vùng bị thiệt hại môi trường biển.

Mặt trận đã ký kết một chương trình Phối hợp với 8 cơ quan, tổ chức là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam để hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt trong 2 tháng đồng thời giám sát các tổ chức, địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 772 của Thủ tướng về hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Khi tiến hành ký kết, các bên xác định còn gần nửa triệu hộ dân bị ảnh hưởng nên phấn đấu có ít nhất 10% số hộ sẽ được hỗ trợ. Có thể nói chỉ tiêu 45 nghìn hộ được hỗ trợ là một chỉ tiêu rất dũng cảm. Bởi lâu nay không có chuyện hỗ trợ theo chỉ tiêu cụ thể. Cùng với đó, trong vòng 2 tháng phải vận động khoảng 80 tỷ đồng để hỗ trợ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận và 8 tổ chức những tấm lòng nhân ái được nhân lên và chương trình đã đạt được kết quả rất tốt đẹp.

Qua tổng kết không phải 45 nghìn hộ mà 1.193 nghìn hộ đã được hỗ trợ, gấp 5 lần chỉ tiêu và số tiền không phải 80 tỷ đồng mà là 204 tỷ đồng. Điều này là một minh chứng rõ nét cho hoạt động phối hợp giữa Mặt trận và 8 tổ chức khi dựa vào lòng dân kịp thời.

Cũng trong những ngày cuối năm, tình hình lũ lụt lại tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh Nam Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngành, các cấp, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng nêu cao tinh thần tương thân tương ái, không được để cho dân bị thiếu đói, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.

Cùng với đó, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi nhân dân ủng hộ đồng bào Nam Trung Bộ bị lũ lụt với lời khẳng định của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Không để người dân nào rơi vào hoàn cảnh cùng cực mà Mặt trận không biết. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, rất nhiều địa phương, tổ chức, cơ quan bộ ngành đã đến đóng góp tích cực, những đóng góp này đã được chuyển đến đồng bào kịp thời, góp phần ổn định đời sống cho bà con vùng lũ.

Theo ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hoá - Xã hội, cái được lớn nhất trong công tác phối hợp giữa hai bên trong năm qua là đã góp phần lấy lại được niềm tin của nhân dân. Bởi sau một thời gian dài, niềm tin của nhân dân bị suy giảm, thậm chí một bộ phận suy giảm nghiêm trọng nhưng với tinh thần nói đi đôi với làm, ở đâu dân cần thì có Chính phủ và Mặt trận, ở đâu khó thì có Mặt trận và Chính phủ, những vấn đề bức xúc nhất đều được hai bên tìm đến tận nơi và giải quyết kịp thời… đã góp phần quan trọng để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Ông Túc cũng cho rằng, hoạt động của Mặt trận và Chính phủ đã trở nên đồng bộ. Từ Thủ tướng đến các Phó Thủ tưởng, từ Chủ tịch Mặt trận đến các Phó Chủ tịch Mặt trận. Nhờ đó, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận và Chính phủ ngày càng thể hiện rõ nét đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.

“Quyết định không bắn pháo hoa để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt thiên tai là một quyết định hoàn toàn đúng đắn và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hay việc Thủ tướng yêu cầu các tỉnh không lên trung ương để chúc tết, không đi lễ chùa trong giờ hành chính và nhất là việc chăm lo cho những gia đình chính sách, người nghèo… chính là điều mà chúng ta cần tiếp tục phát huy trong những năm tới”, ông Nguyễn Túc khẳng định.

Tuy nhiên, ông Túc cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn phải đối mặt vì ngoài thiên tai là “nhân tai”, đó chính là “một bộ phận không nhỏ” một nhóm lợi ích đang cản trợ đến sự phát triển của đất nước.

Vì vậy, trong năm 2017, ông Túc cho rằng, trong công tác phối hợp hai bên cần chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp.

“Chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là chăm lo đời sống cho chính cán bộ chúng ta để họ không vì những áp lực cuộc sống mà vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hoá- xã hội, Chính phủ cần xây dựng tốt hơn chính sách.

“Chính sách có vai trò quyết định đến sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Chính sách tốt nhân dân mới ủng hộ như vậy Mặt trận mới vận động tốt hơn”, ông Túc khẳng định và cũng cho rằng, đối với những chính sách mà Chính phủ sắp ban hành nên chuyển sớm cho Mặt trận để các hội đồng tư vấn có thời gian góp ý, phản biện với chất lượng tốt hơn.

Triển khai tốt những nhiệm vụ trên cũng sẽ góp phần thực hiện quả Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII.

Đồng tình với những ý kiến của ông Nguyễn Túc, Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong năm 2016 việc phối hợp giữa Chính phủ với Mặt trận đạt được nhiều thành công trong đó những khởi xướng của Chính phủ được các tổ chức chính trị xã hội vận động hiệu quả.

“Việc phối hợp hiệu quả của hai bên thực hiện đến đâu thì hiệu quả trong nhân dân được phát huy đến đó”, ông Trần Ngọc Đường khẳng định.

Ông Trần Ngọc Đường phát biểu.

Chính phủ là cơ quan kiến tạo, vì thế Chính phủ phải là người đề xuất, tổ chức, soạn thảo và tự mình thông qua các chính sách quốc gia, với vai trò như vậy, ông Trần Ngọc Đường mong muốn Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng chính sách quốc gia ở hai cấp độ: Thể hiện trong các dự án luật và pháp lệnh; thể hiện trong Nghị định, Nghị quyết thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Nhưng để nâng cao hơn nữa chất lượng của chính sách quốc gia mà chính sách quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào ban soạn thảo thì Chính phủ phải chủ động thu hút thêm các lực lượng hội đồng tư vấn của Mặt trận tham gia vào việc ban hành, soạn thảo đồng thời phối hợp với Mặt trận tham gia vào việc hoạch định, đóng góp ý kiến.

Giáo sư Đường cũng cho rằng, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách tham gia vào việc xây dựng, soạn thảo, ban hành chính sách quốc gia nhằm đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn của người dân.

Năm 2016 là năm hai bên đã ký kết nhiều chương trình phối hợp quan trọng. Bên cạnh những chương trình giám sát lớn, Mặt trận triển khai một giám sát mới bắt đầu từ Chương trình phối hợp số 90 với Chính phủ về vận động nhân dân giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra còn những vấn đề nhân dân quan tâm như ô nhiễm môi trường do nguy cơ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện. Mặt trận giám sát và phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đưa vào chương trình trong 2 năm tới khắc phục vấn đề này. Đồng thời, Mặt trận cũng phối hợp với Bộ Nội vụ khảo sát để đánh giá sự hài lòng của người dân.

Tất cả những hoạt động này để thấy, bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của từng khu vực, từng nhóm, đến từng gia đình và chạm đến mong mỏi của mỗi một cá nhân con người.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao tinh thần kiến tạo, liêm chính, hành động của Chính phủ trong năm qua. Đặc biệt, việc tổ chức thành công sự kiện Hội nghị Thủ tướng lắng nghe các ý kiến tôn giáo đánh dấu việc Việt Nam có thể thành lập một Hội đồng tư vấn về tôn giáo quốc gia vì chỉ có hội đồng này mới đủ tầm cỡ giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược của tôn giáo.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng phát biểu.

Cũng theo Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo của Mặt trận, hiện nay cộng đồng tôn giáo Việt Nam chiếm 25 triệu người. Các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam mong muốn được tham gia các hoạt động xã hội như giáo dục, từ thiện, nhân đạo.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quang Hưng, Thông báo 64 của Chính phủ về việc kết luận Hội nghị kiểm điểm quy chế phối hợp giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam vẫn chưa được thực hiện sâu rộng trong các tổ chức tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được thông qua nhưng các tổ chức tôn giáo chưa có vai trò pháp lý cụ thể, chưa có con dấu để tham gia trực tiếp vào việc phối hợp nghiên cứu khảo sát các mô hình tốt về hoạt động khám chữa bệnh của các tôn giáo cho người nghèo, người bệnh tâm thần, bệnh phong, HIV/AIDS; trường dạy nghề, cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS của các tôn giáo.

Chính vì vậy, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo của Mặt trận thẳng thắn cho rằng, cùng với việc giải quyết vấn đề tư tưởng về tôn giáo thì phải giải quyết việc “lập lờ” về chính sách cho tôn giáo.

Trước thực trạng như vậy, Giáo sư Đỗ Quang Hưng kiến nghị, cần có khảo sát quy mô hơn, kết hợp tốt hơn giữa Chính phủ và Mặt trận để tìm ra thực lực của mỗi tổ chức tôn giáo để phát huy mặt mạnh ở điểm nào, như việc chữa bệnh, dạy nghề…

“Trong ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường, Mặt trận đã làm được việc huy động 40 tổ chức tôn giáo tham gia, nhưng đây là vấn đề thời đại nên Chính phủ có thể tạo điều kiện để mở rộng ra đối với quốc tế”, Giáo sư Hưng đề nghị.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Chia sẻ đồng tình với những ý kiến của Giáo sư Đỗ Quang Hưng, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cho rằng, Mặt trận đang đi theo hướng “chăm lo” các tổ chức tôn giáo nhưng nhà nước đang đi theo hướng quản lý.

“Giữa chăm lo và quản lý cần phải được phối hợp hài hòa vì trong những năm gần đây, trên cơ sở Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần phải có sự phối hợp giữa Mặt trận và Chính phủ trong việc chăm lo và vận động nhân dân tham gia các nhiệm vụ”, ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Mặt trận vì những nỗ lực, đồng hành trong việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, nhất là việc phối hợp chủ động giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên xử lý vụ những hệ quả sau sự cố ô nhiễm 4 tỉnh miền Trung do Công ty Formosa ở Hà Tĩnh gây ra cũng như việc hợp tác giữa các tổ chức tôn giáo tham gia vào ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Trần Hồng Hà, trong thời gian qua, việc thực hiện tốt vai trò giám sát của Mặt trận trong giám sát tài nguyên môi trường góp phần thể chế hóa vai trò của Mặt trận trong giám sát tài nguyên môi trường.

Ông Trần Hồng Hà cho rằng, Mặt trận cần chỉ định cơ quan đầu mối cụ thể để có sự phối hợp hiệu quả.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu cao trách nhiệm vận động người dân của Mặt trận trong việc xử lý rác thải, thu gom rác thải trong nhân dân, đồng thời giải quyết các vấn đề bức xúc về Môi trường trong xã hội.

“Đặc biệt cần có khảo sát, đánh giá các mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường từ đó tôn vinh, biểu dương các các nhân tiêu biểu và duy trì hoạt động đó”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị.

Đề cao sự tham gia của các tôn giáo đối với lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong sự thành công này có vai trò vận động của Mặt trận từ đó góp phần cùng ngành y tế trong khám chữa bệnh cho nhân dân.

Ngành y tế rất muốn kiểm tra, đánh giá cụ thể các tổ chức tôn giáo tham gia việc khám chữa bệnh cho nhân dân nhưng theo ông Nguyễn Viết Tiến, Bộ Y tế lại gặp phải nhiều rào cản vì vậy ông mong mỏi Mặt trận và các tổ chức tiếp tục vận động các cơ sở y tế của tổ chức tôn giáo nhằm tạo điều kiện để Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra để từ đó biết được cơ sở y tế của các tổ chức tôn giáo yếu ở mặt nào để tiếp tục đào tạo, hoặc trang bị thêm cho cơ sở y tế đó thiết bị, dụng cụ y tế...

“Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” là phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Trước đó, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch số 88 ngày 7/10/2016 về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Để đổi mới công tác vận động trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ngay trong năm 2017, Mặt trận các thành phố trực thuộc trung ương phấn đấu mỗi hộ nghèo, mỗi gia đình chính sách phải có một tổ chức, đoàn thể đứng ra hỗ trợ để người dân không bị rơi vào hoàn cảnh cùng cực, không để tình trạng “trong kinh tế thị trường có rủi ro mà người dân không biết dựa vào ai”.

Vì người nghèo, vì người yếu thế không chỉ đơn thuần là một cuộc vận động kêu gọi ủng hộ người nghèo mà Mặt trận đã thực hiện trong nhiều năm qua mà đang là đích đến để Mặt trận góp phần cùng Chính phủ lo cho người nghèo với mục đích là tạo điều kiện để người nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo.

Với tinh thần đó, hai bên đã phối hợp tham mưu để Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chỉ thị số 10 của Đảng ra đời như một luồng gió mới mang đến quyết tâm chính trị, tinh thần lãnh đạo chỉ đạo mới đối với cuộc vận động này.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khẳng định, nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Chính phủ và Mặt trận thì việc xây dựng Chính phủ kiến tạo khó có thể thành công vì Mặt trận có vai trò trong việc giám sát, phản biện là đại diện của quần chúng nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, một số điểm cần tập trung phối hợp tiếp trong thời gian tới là việc Mặt trận phối hợp với Chính phủ trong việc Toàn dân xây dựng văn hóa giao thông, cùng với cả hệ thống chính trị đưa con số tai nạn giao thông đến năm 2020 bằng 0. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này cần có quyết tâm hành động và phối hợp giữa Mặt trận và Chính phủ.

“Đặc biệt là các mô hình khu dân cư 5 không. Chính việc vận động nhân dân xây dựng văn hoá giao thông từ chính khu dân cư nơi mình sinh sống để từ đó giảm được tai nạn giao thông và đảm bảo được sinh mạng con người”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, thông qua vai trò xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập trung giải quyết được các vụ việc khiếu nại, tố cáo, những vụ việc giữa các tôn giáo, dân tộc; giải quyết sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung...

Đây chính là những tiền đề cần tiếp tục phối hợp để giữ được ổn định chính trị ở cơ sở và giảm thiểu việc hình thành các điểm nóng trong nhân dân, quyết liệt giải quyết các khiếu nại đông người.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, năm 2016 là năm có nhiều nét mới, nhất là việc Mặt trận và Chính phủ đã chọn ra một số việc và cam kết, phối hợp, bắt tay vào hành động. Tuy vậy, sự phối hợp giữa hai bên mới chỉ tập trung vào xóa đói giảm nghèo nhưng chưa tập trung vào các phong trào thi đua, khơi dậy sáng tạo, đổi mới khoa học công nghệ quốc gia, chính vì vậy nên đưa vào chương trình phối hợp để tập trung toàn diện hơn nữa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu.

Đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có một Hội nghị toàn quốc về phong trào này vì đây là phong trào mới đã có sự khởi động mới và đi vào thực chất nên cần phải rà lại các tiêu chí mới trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Mặt trận phối hợp với Chính phủ trong việc giám sát y tế, minh bạch những vấn đề liên quan đến kinh tế, thu chi, đặc biệt trong vấn đề bảo hiểm y tế.

“Thành công của năm 2016 là có sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ nên đã kết nối được internet của 12 nghìn cơ sở y tế trong việc chi trả bảo hiểm. Trung bình một năm có 150 triệu lượt khám bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, chỉ trên 30% các cơ sở khám chữa bệnh y tế đưa dữ liệu khám chữa bệnh hàng ngày chính vì vậy Mặt trận cần huy động tất cả các cấp tham gia giám sát vấn đề này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.

Thủ tướng Chính chủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội nghị.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị cần phát động chiến dịch “tất cả người dân Việt Nam được khám chữa bệnh hàng năm như cán bộ”, đây chính là cuộc vận động rất lớn nhằm mở rộng độ bao phủ của Bảo hiểm y tế trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ- Mặt trận: Đồng hành vì dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO