Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng

B.Phúc (tổng hợp) 15/06/2022 10:00

Đây là một trong các nội dung Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện để quản lý thị trường vàng, ghi nhận trong Nghị quyết số 77/NQ-CP của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022.

Cụ thể, Chính phủ đã bàn hành Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành tăng cường biện pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh các nội dung yêu cầu các cơ quan quản lý tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu; và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một trong các yêu cầu được Chính phủ đưa ra lần này là quản lý chặt chẽ thị trường vàng.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định 24/2012 của Chính phủ. Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm trên thị trường vàng, Chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, NHNN cũng được yêu cầu nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) liên quan việc quản lý và vận hành thị trường vàng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Yêu cầu quản lý chặt chẽ thị trường và tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh giá vàng trong nước và quốc tế đang biến động mạnh. Trong đó, giá vàng miếng SJC đã duy trì xu hướng giảm liên tục trong hơn một tháng qua, tuy nhiên, giá bán ra vẫn cao hơn hàng chục triệu đồng so với giá thế giới quy đổi.

Cụ thể, trong các phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng thế giới đã giảm gần 3%, hiện phổ biến dao động quanh mức 1.825 USD/ounce, tương đương 51,4 triệu đồng/lượng quy đổi ra tiền Việt. Trong khi đó, dù đã giảm xấp xỉ 1,5 triệu/lượng từ đầu tuần này, giá vàng miếng SJC trong nước vẫn giao dịch ở mức 67,5 - 68,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, chênh lệch giữa 2 thị trường này hiện lên tới gần 17 triệu đồng/lượng.

Trước đó, trong giai đoạn tháng 3, chênh lệch giá bán vàng miếng SJC trong nước so với giá vàng thế giới quy đổi còn lên tới 20 triệu đồng/lượng.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng bị nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn vấn đề giá vàng miếng SJC cao hơn quá nhiều so với thế giới. Các đại biểu Quốc hội cho rằng diễn biến này mang tính bất hợp lý và NHNN cần thanh tra việc thao túng giá vàng miếng SJC trong nước.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC đắt hơn hàng chục triệu đồng so với thế giới do thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế từ năm 2012, khi thực hiện Nghị định 24 và đặc biệt là từ năm 2014, khi NHNN không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng. Điều này khiến nguồn cung vàng miếng trong nước giảm đi.

Thống đốc cho biết qua tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng, chênh lệch giá mua - bán vàng miếng chủ yếu vào khoảng 1-1,5 triệu/lượng, giá bán cao nhưng giá mua vào vàng miếng cũng ở mức cao, vì vậy, không có dấu hiệu bất thường trong giao dịch vàng miếng.

Thống đốc Hồng cho biết hiện NHNN có đầy đủ công cụ để can thiệp vào thị trường vàng khi cần thiết, tuy nhiên với tình hình hiện nay, cơ quan quản lý chưa có kế hoạch can thiệp thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO