Cần các đối sách phù hợp cho tiến trình hội nhập

H.Vũ 04/12/2018 23:00

Ngày 4/12, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam lần thứ 2 năm 2018 với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - Chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng dự.

Cần các đối sách phù hợp cho tiến trình hội nhập

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: V. Thắng.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết: Hiện nay trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc… Trong khi đó, Việt Nam đã có bước tiến trong chuẩn bị thực thi các FTA thế hệ mới, gồm cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào tháng 3/2018 đã được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực thực thi vào ngày 14/1/2019.

Đồng thời, theo ông Hải, Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất tách Hiệp định bảo hộ đầu tư ra khỏi FTA vào tháng 6/2018 để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định này. “Do đó Việt Nam cần sớm có những phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, chủ động đưa ra các giải pháp cho giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo”-ông Hải bày tỏ.

Đưa ra những phân tích về tình hình kinh tế, chính trị thế giới và tác động tới tiến trình hội nhập của Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cho rằng: Việt Nam đang ngày càng gắn kết sâu rộng hơn với thế giới, là nền kinh tế có độ mở cao, nhất nhì khu vực Đông Nam Á, là một mắt xích trong các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực quan trọng, đồng thời là thành viên của nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu lớn. Do đó, những biến động trong tình hình kinh tế và chính trị thế giới hiện nay sẽ có tác động lớn và ngay lập tức đối với tiến trình hội nhập của đất nước ta. Trong các diễn biến ấy, chúng ta cần có cái nhìn tỉnh táo, cân bằng để nắm rõ các hiện tượng và bản chất của các sự kiện, từ đó có các đối sách phù hợp cho tiến trình hội nhập.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc tổ chức thành công Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế lần thứ nhất năm 2017 đã tạo ra cơ sở quan trọng để lãnh đạo Chính phủ đưa ra các định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế 2018. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, có khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhấn mạnh trong vòng một năm trở lại đây, kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu thay đổi, theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn, Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ cần phải sớm có những phân tích, dự báo và động thái chính sách để giảm thiểu những tác động tiêu cực và chủ động có những giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần các đối sách phù hợp cho tiến trình hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO