Đẩy nhanh Chính phủ điện tử để giảm thủ tục hành chính

H.Vũ (thực hiện) 24/06/2019 08:00

Triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Nhưng việc triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số vẫn đang có sự chậm trễ. Ông Trần Văn Lâm – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Đẩy nhanh Chính phủ điện tử để giảm thủ tục hành chính

Ông Trần Văn Lâm.

PV:Thưa ông, mặc dù trong thời gian qua chúng ta đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân; nhưng DN và người dân vẫn than phiền vì cắt giảm chưa thực chất, vẫn còn nhiều rào cản. Theo ông nguyên nhân chính là do đâu?

Ông Trần Văn Lâm: Thời gian qua, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước chuyển. Nhiều bộ, ngành đã cắt giảm tương đối các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Tuy nhiên so với mong muốn của DN thì rõ ràng họ chưa thỏa mãn. Nhưng so với yêu cầu quản lý, cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa yên tâm nếu cắt giảm quá nhiều. Vì đối tượng bị quản lý mong muốn càng ít thủ tục, càng đơn giản gọn nhẹ càng đỡ phiền hà. Song nhà quản lý lại yêu cầu phải làm sao chặt chẽ, nếu không sẽ tạo ra các lỗ hổng pháp lý, lúc đó lại trở thành buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Do đó vấn đề này cần giải quyết hài hòa. Có lẽ hai bên phải từng bước tiệm cận dần dần. Khi hai bên cùng “gặp nhau” mới hết nảy sinh mâu thuẫn, một bên là nhu cầu của DN, đòi hỏi của xã hội, và một bên là yêu cầu của nhà quản lý.

Nhưng để tránh nhiêu khê, phiền hà chúng ta đã đặt ra vấn đề thay “tiền kiểm” bằng “hậu kiểm”. Vậy, tại sao vấn đề “hậu kiểm” lại ít được thực hiện, thưa ông?

- Hậu kiểm là một trong những phương án để giải quyết cho vấn đề đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các đăng ký ban đầu. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Ví dụ hiện nay hậu kiểm của quản lý thuế chẳng hạn, một năm chỉ kiểm tra được 20% số đối tượng nộp thuế phải kiểm tra, còn 80% không biết họ khai đúng hay sai. Có khi cả đời DN tồn tại được 4-5 năm nhưng cơ quan thuế không kiểm tra được hoạt động kinh doanh của họ, việc khai đúng khai sai thế nào không biết vì tự DN tự khai. Vậy có đảm bảo, có ai tin cậy số liệu mà đối tượng kê khai thuế đưa ra là hoàn toàn là chính xác? Ai cũng nghi ngờ có trốn thuế nhưng không kiểm tra nên không kết luận, như vậy là không rõ ràng minh bạch. Cho nên cái gì cũng có hai mặt của nó, vấn đề là áp dụng trong từng điều kiện cụ thể để sử dụng cho phù hợp. Chúng ta không nên tuyệt đối hóa vấn đề này, hoặc xem nhẹ vấn đề kia.

Hiện chúng ta đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu áp dụng công nghệ thông tin sẽ vừa kiểm soát được hoạt động của bộ máy, cũng như cắt giảm được các điều kiện kinh doanh, hay thủ tục hành chính, thưa ông?

- Công nghệ thông tin là một công cụ hữu hiệu trong quản lý và cải cách hành chính, tiến tới giảm phiền hà cho người dân. Vì các thủ tục hành chính thực hiện trên mạng thì thủ tục không giảm, các nội dung khai báo đối chiếu cũng không giảm nhưng nó thuận tiện trong quản lý hơn. Nếu sử dụng sẽ giải quyết được các mâu thuẫn hiện nay giữa yêu cầu của quản lý và giảm được phiền hà cho đối tượng bị quản lý, đảm bảo tính minh bạch công khai. Áp dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý điều hành của Chính phủ chính là quản lý chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW,xác định đến năm 2020 sẽ triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực. Vậy theo ông làm sao để năm 2020 có thể đạt mục tiêu?

- Muốn làm được thì đầu tiên tất cả các quy trình quản lý, thủ tục quản lý hành chính phải được chuẩn hóa. Sau khi chuẩn hóa rồi mới mã hóa thành các phần mềm công nghệ thông tin. Các cán bộ vận hành theo các quy trình thủ tục, còn đối tượng bị quản lý vào đó để khai báo các thông tin cập nhật và nhận lại các kết quả dịch vụ được xử lý tự động trên hệ thống mạng. Song cái này đòi hỏi chuẩn hóa các quy trình thủ tục của nhà quản lý, nhưng không phải một sớm một chiều có thể làm được vì luật pháp của ta hiện nay vẫn còn chưa thực sự ổn định, vẫn đang biến động, việc quy chuẩn các quy trình không thể cập nhật được ngay vào các phần mềm và đó là khó khăn thách thức.

Thứ hai, việc cập nhật phản ánh đúng quy trình đó, mã hóa thành các lệnh công nghệ thông tin lại có thách thức. Vì người làm chuyên môn và người làm công nghệ thông tin phải thống nhất được với nhau. Thứ ba, khi vận hành rồi, nền tảng công nghệ phải hiện đại, chúng ta tuy có bước tiến về công nghệ thông tin nhưng so về nền tảng kỹ thuật cũng chưa theo kịp được với thế giới. Thứ tư, con người vận hành hệ thống là những nhân viên hành chính trong bộ máy hành chính phải biết cách vận hành hệ thống trên mạng thông tin, làm sao cho nó trơn tru, đúng các quy trình kỹ thuật. Thứ năm, các đối tượng bị quản lý gồm người dân, DN phải biết được, hiểu được khi vào phần mềm các bước trình tự sẽ thế nào? khai báo thông tin ra sao? để đảm bảo nhận được các kết quả xử lý của hệ thống trả lại, và đó cũng đang là cái thách thức. Cho nên xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số chúng ta phải đồng bộ cả hệ thống từ xây dựng hoàn thiện luật pháp, hoàn thiện các quy trình thủ tục hành chính, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hoàn thiện các phần mềm và hoàn thiện cả đối tượng bị quản lý nữa. Do đó người dân và DN cũng phải nâng lên về nhận thức và trình độ. Lúc bấy giờ Chính phủ điện tử mới phát huy được hiệu quả thực sự trong quản lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy nhanh Chính phủ điện tử để giảm thủ tục hành chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO