Làm rõ trách nhiệm cơ quan phòng chống tội phạm và gian lận thương mại

N.Khánh 02/01/2020 22:40

Chiều 2/1, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, hay còn gọi là Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (hay còn gọi là Ban Chỉ đạo 389), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần kịp thời đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che, phải xử lý nghiêm, dù đó là ai. Nếu địa bàn nào, hàng hóa thẩm lậu xảy ra nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu.

Làm rõ trách nhiệm cơ quan phòng chống  tội phạm và gian lận thương mại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hai Ban chịu trách nhiệm trong việc phối hợp giữa 5 lực lượng là Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường trong phòng chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong cả nước.

Thủ tướng đánh giá các lực lượng đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, Thủ tướng cũng rất gay gắt khi chỉ ra tình trạng các băng nhóm tội phạm lộng hành ở Đồng Nai, hay hàng tấn ma túy bị công an thu giữ ở TP Hồ Chí Minh, hàng chục tấn pháo nổ thẩm lậu qua biên giới ở Lạng Sơn, cùng với hàng chục triệu tấn xăng bị làm giả ở Đắk Nông. Đó là chưa kể tình trạng xâm hại trẻ em, lừa phỉnh trên môi trường mạng, đưa người trốn đi nước ngoài, đánh bạc trực tuyến, hay tín dụng đen, đòi nợ thuê, khai thác cát trái phép và làm giả xuất xứ hàng hóa, hay vật tư nông nghiệp giả được bày bán công khai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tình trạng này không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống bình yên của nhân dân, phát triển kinh tế, đe dọa sức khỏe cộng đồng, còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, việc để tội phạm lộng hành và tình trạng buôn lậu, làm hàng giả gia tăng ở một số địa phương là do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, và chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình, ngay tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc này, có 3 đồng chí Bộ Chính trị tham dự, nhưng lãnh đạo các địa phương và Trưởng các Ban Chỉ đạo có mặt không đủ. Thậm chí một tỉnh phía Nam có tình trạng băng nhóm tội phạm lộng hành, khi Thủ tướng phê bình đích danh thì lãnh đạo tỉnh mới tham dự Hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu lãnh đạo các địa phương còn coi nhẹ các nhiệm vụ này thì sẽ để lại hậu quả xấu.

Sáng cùng ngày, dự Hội nghị tổng kết năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đất nước phải phát triển với tốc độ cao liên tục, “chứ không phải bàn chuyện đã phát triển 6-7% rồi thì dừng lại mà phải phát triển cao trong những thập niên tới thì đất nước mới thịnh vượng, hùng cường”. Muốn vậy thì các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành ngân hàng phải tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng, hùng cường ấy bằng cách là phải tăng trưởng cao.

Thủ tướng nêu rõ, ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ vừa ký ban hành và chủ động theo dõi sát tình hình để tham mưu kịp thời cho Chính phủ các biến động vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng đề nghị NHNN tính toán, đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp trên tinh thần “đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng”. Do đó, điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường là một yêu cầu. Hiện quy mô tín dụng đạt 8,2 triệu tỷ đồng. “Vậy thì năm nay tăng trưởng tín dụng đạt bao nhiêu phần trăm để bảo đảm kênh vốn quan trọng cho tăng trưởng?”. Đây là câu hỏi lớn đối với NHNN và ngành ngân hàng.

Thủ tướng nêu ra mục tiêu kép là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh khu vực và quốc tế và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với phương châm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ trách nhiệm cơ quan phòng chống tội phạm và gian lận thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO