Chính quyền Tây Ban Nha tuyên bố sẽ tước quyền tự trị của Catalonia

20/10/2017 07:20

Chính phủ trung ương của Tây Ban Nha trong hôm 19/10 đã tuyên bố rằng họ sẽ khởi động tiến trình áp đặt quyền điều hành trực tiếp đối với vùng tự trị Catalonia, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, nhằm đập tan nỗ lực tách ra độc lập của khu vực này.

Chính quyền Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố sẽ tước quyền tự trị của Catalonia. (Nguồn: UPI).

Trong một tuyên bố mà chính quyền Madrid vừa đưa ra, chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã khẳng định họ sẽ kích hoạt Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, một điều khoản cho phép chính phủ trung ương ngừng trạng thái tự trị của chính quyền khu vực xứ Catalan.

Nội các của ông Rajoy sẽ tổ chức một cuộc họp trong hôm 20/10 nhằm thống nhất về một số biện pháp để "khôi phục trật tự Hiến pháp" ở Catalonia, nơi mà một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập đã được tổ chức vào hồi đầu tháng này. Các biện pháp này sau đó sẽ được trình trước Thượng viện, nơi mà đảng của ông Rajoy đang nắm đa số ghế, để thông qua.

Tuyên bố của chính quyền trung ương Tây Ban Nha không nêu chi tiết về những biện pháp sẽ được đưa ra chiếu theo Điều 155, nhưng điều khoản này cho phép chính quyền Madrid có đủ quyền lực để chiếm quyền kiểm soát các thể chế của Catalonia và kêu gọi các cuộc bầu cử mới. Trước đây trong lịch sử Tây Ban Nha, Điều 155 chưa từng được kích hoạt.

Tuyên bố được đưa ra chỉ vài phút sau khi Thủ hiến xứ Catalan, ông Carles Puigdemont, đe dọa rằng khu vực này có thể chính thức tuyên bố độc lập nếu như chính phủ Tây Ban Nha không chịu tổ chức đối thoại với họ để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra sâu rộng.

Ông Puigdemont cũng yêu cầu Tây Ban Nha chấm dứt "sự đàn áp" của họ đối với các lãnh đạo ly khai của Catalan, trong một bức thư gửi đến chính quyền Madrid ngay trước khi họ đưa ra thời hạn chót để khu vực này từ bỏ nỗ lực ly khai. 2 lãnh đạo của phong trào độc lập xứ Catalan đã bị bắt giữ vì cáo buộc xúi giục nổi loạn trong tuần này.

"Bất chấp mọi nỗ lực của chúng tôi và sự sẵn lòng để đối thoại, thực tế rằng câu trả lời duy nhất mà các bạn đưa ra là hủy quyền tự trị của chúng tôi đã cho thấy các bạn không hiểu vấn đề ở đây và cũng không muốn đối thoại" - ông Puigdemont viết trong bức thư gửi chính quyền Madrid.

Nếu chính quyền Madrid "một mực đòi tránh đối thoại và tiếp tục các biện pháp đàn áp", Nghị viện Catalan có quyền được tuyên bố chính thức độc lập, động thái đã bị trì hoãn từ ngày 10/10, ông Puigdemont nói.

Trong tuyên bố trước nghị viện xứ Catalan vào hôm 10/10, ông Puigdemont đã nói rằng Catalonia "có quyền" để trở thành một nhà nước Cộng hòa độc lập kể từ sau cuộc trưng cầu tổ chức hôm 1/10, vốn bị Tòa Hiến pháp Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông Puigdemont đã trì hoãn hiệu lực của việc tuyên bố độc lập để dọn đường cho các cuộc đối thoại với chính quyền trung ương.

Hơn 2,25 triệu người dân xứ Catalonia đã tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi, trong đó chính quyền tự trị khu vực này đã tuyên bố rằng 90% cử tri ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên tỷ lệ đi bỏ phiếu khá thấp - chỉ khoảng 43% số cử tri hợp lệ - điều mà chính quyền xứ Catalan đổ lỗi cho các nỗ lực ngăn chặn bỏ phiếu của chính quyền trung ương.

Một số hình ảnh bạo lực cũng diễn ra khi lực lượng cảnh sát quốc gia ngăn cản cử tri đi bỏ lá phiếu của họ, khiến cho hàng trăm người bị thương.

Chính phủ Tây Ban Nha hiện nay đã mở ra nhiều cuộc điều tra về cáo buộc xúi giục nổi loạn đối với 2 lãnh đạo của xứ Catalan, gồm Jordi Sanchez và Jordi Cuixart, và người đứng đầu lực lượng cảnh sát xứ Catalan, ông Josep Lluis Trapero. Ông Sanchez và Cuixart đã bị bắt giữ để thẩm vấn trong đầu tuần này, trong khi hộ chiếu của ông Trapero đã bị thu hồi.

Đầu tuần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khuyến cáo Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy rằng Madrid nên đối thoại với lãnh đạo Catalonia để tìm ra một giải pháp chung sống, vì sự thống nhất Tây Ban Nha sẽ giúp kinh tế Tây Ban Nha phát triển bền vững. Ngày 10/10, Bộ trưởng phụ trách đối ngoại châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau cũng nói thẳng thắn rằng, khi Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha, nghiễm nhiên đã rời khỏi EU.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng việc Catalonia sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả xứ Catalan và Tây Ban Nha. Do lo ngại về khả năng tách độc lập của xứ Catalan, một số ngân hàng lớn, tập đoàn tài chính đã rục rịch chuyển trụ sở làm việc ra khỏi Barcelona, thủ phủ của Catalonia.

Tập đoàn bất động sản Inmobiliaria Colonial và công ty cung cấp hạ tầng Abertis của Tây Ban Nha trong tuần này đã đồng loạt quyết định chuyển văn phòng đến Madrid. Trong khi hãng công nghệ Cellnex cảnh báo cũng sẽ làm như vậy nếu tình hình căng thẳng chính trị ở Catalonia tiếp diễn. Grupo Planeta, nhà xuất bản ở thành phố Barcelona, cũng khẳng định sẽ dời văn phòng đến Madrid nếu chính quyền Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính quyền Tây Ban Nha tuyên bố sẽ tước quyền tự trị của Catalonia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO