Chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch Covid-19: Cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng yếu thế

Lê Bảo 02/08/2021 08:30

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại đã khiến nhiều phụ nữ là lao động di cư, nhập cư gặp khó khăn. Để phụ nữ di cư và nhóm lao động yếu thế tiếp cận được gói hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng, các chính sách được ban hành cần hướng dẫn cụ thể.

Lao động di cư là nhóm chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuần qua, TP Hà Nội thực hiện giãn cách là trọn một tuần hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Trang không có việc. Không có việc đồng nghĩa với việc không có tiền, để tiết kiệm chi phí, bữa sáng dọn ra chỉ có hai bát mì tôm cho 2 đứa con, còn hai vợ chồng uống nước lọc cho qua bữa.

Lên Hà Nội lập nghiệp được 5 năm, chồng làm thợ hồ, vợ đi thu mua đồng nát và làm giúp việc theo giờ, Trang bảo thứ quý giá nhất tích cóp được là cậu con lớn 16 tuổi bị tự kỷ đã nói chuyện được với bố mẹ đôi ba câu và tự vệ sinh cá nhân.

“Sau 5 năm lên Hà Nội, kiên trì trị liệu, con đã biết gọi bố mẹ và kìm chế hành vi thiếu tự chủ. Cứ nghĩ chỉ cần cố gắng, chăm chỉ sẽ ổn, ai ngờ dịch Covid-19 ập đến từ cuối năm 2020 đã phải cho con nghỉ học ở trung tâm vì chồng không có việc, mọi chi tiêu chỉ biết trông chờ vào tiền làm giúp việc theo giờ và thu mua đồng nát của mình tôi. Đến giờ thì lo cái ăn không biết có đủ cầm cự đến khi hết giãn cách không”, chị Trang bộc bạch.

Dưới tác động của dịch Covid-19, câu chuyện của vợ chồng chị Trang không còn là câu chuyện cá biệt mà đã là nỗi lo của nhiều lao động di cư hiện nay. Theo báo cáo nghiên cứu “Đánh giá nhanh các chương trình tái thiết cứu trợ của nhà nước ứng phó với đại dịch Covid-19 từ lăng kính giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Oxfam thực hiện cho thấy, các chính sách hỗ trợ, giảm thiểu tác hại của Đại dịch Covid-19 của Chính phủ (cập nhật tới tháng 5/2021) đã kịp thời bao phủ được nhiều nhóm, kể cả các nhóm vốn ít được hỗ trợ trước đây.

Tuy nhiên, các chương trình cứu trợ của Chính phủ chưa đề cập cụ thể về giới để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với những tác động của dịch bệnh đến nam, nữ và các nhóm giới khác.

Theo nhóm nghiên cứu, lao động di cư trong khu vực phi chính thức là nhóm khó khăn nhất trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ của chính phủ. Đại dịch Covid-19 cũng gây ra các tác động tiêu cực đến nhóm dễ bị tổn thương khác như nhóm LGBTI+, nhóm lao động tình dục, và các hộ gia đình mẹ đơn thân.

Từ thực trạng trên theo nhóm nghiên cứu cần có những giải pháp trước mắt nhằm xoá bỏ những khoảng trống về giới và các rào cản đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó là các giải pháp mang tính hệ thống và lâu dài nhằm tăng cường hiệu quả của việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và các tình huống khẩn cấp tương tự trong tương lai.

“Đại diện của phụ nữ và của các nhóm dễ bị tổn thương cần được tham gia quá trình thực hiện chính sách để loại trừ sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận hỗ trợ của nhà nước, xoá bỏ các rào cản và khó khăn khiến các nhóm này không được nhìn nhận và hỗ trợ. Như vậy, tất cả những người bị tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hoặc các sự kiện y tế khẩn cấp khác có thể xảy ra trong tương lai đều có thể tiếp cận một cách bình đẳng và công bằng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ”, ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch Covid-19: Cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng yếu thế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO