Chính sách ngành chăn nuôi: Hỗ trợ hay rào cản?

Minh Phương 14/09/2015 09:10

Sản xuất manh mún, tự phát đang khiến cho ngành chăn nuôi khó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, dường như các chính sách hỗ trợ ngành này lại đang quá xa vời, khiến người nông dân không thể tiếp cận được. Thêm nữa, lãi suất quá cao cũng là một trong những nguyên nhân đẩy người nông dân đến thua lỗ, phá sản.

Chính sách ngành chăn nuôi: Hỗ trợ hay rào cản?

Ngành chăn nuôi chới với trước hội nhập.

Lãi suất vay cao chót vót

Nếu so với các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, lãi suất vay đối với ngành chăn nuôi ở Việt Nam đang ở mức cách biệt. Cụ thể, tại Thái Lan, nông dân vay với lãi suất 5%, tại Trung Quốc, chỉ 3% thì ở Việt Nam, người nông dân phải vay vốn ngân hàng với lãi suất lên tới 7%, đây còn đang là mức lãi suất ưu đãi.

Với việc nhận nguồn vốn vay lãi suất cao, cộng với hàng loạt các chi phí phải đội lên như giá thức ăn chăn nuôi cao (do chủ yếu là nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi) rồi hàng loạt các loại phí, lệ phí… đó là những khoản phí tất yếu đẩy giá thành sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân Việt Nam lên mức cao. Đương nhiên, khi giá thành cao thì các sản phẩm nông sản khó có thể cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại ngoại nhập.

Và điều này sẽ thực sự nguy hại đối với ngành chăn nuôi khi Việt Nam đang dần tiến tới kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do khác. Bởi khi các FTA được ký kết, đồng nghĩa với việc nhiều dòng thuế bằng 0, đó là thời điểm người tiêu dùng tha hồ được lựa chọn các sản phẩm ngoại nhập giá rẻ. Đối với các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam lúc đó, giá cao sẽ không thể tồn tại được.

Thời gian qua, dư luận đã được chứng kiến việc thịt gà Mỹ tràn vào Việt Nam với giá chỉ từ 18.000 – 20.000 đồng/kg thịt đùi. Trong khi đó, thịt đùi gà Việt Nam giá thấp nhất cũng phải ở mức trên 40.000 đồng/ kg. Với việc có giá quá cạnh tranh như vậy, tất nhiên người tiêu dùng sẽ lựa chọn những sản phẩm có giá phù hợp với thu nhập, chi tiêu của họ.

Nhiều chính sách đang trở thành bất lợi

Câu chuyện chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi vẫn luôn là câu chuyện gây đau đầu. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, với mức lãi suất cho vay ở Việt Nam hiện nay là 7% - là mức được ưu đãi - thì làm sao các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có thể cạnh tranh được với các sản phẩm chăn nuôi của Mỹ, vì ở nước này, lãi suất cho vay ngành này chỉ là 0,5%.

Trên thực tế, hiện nay người nông dân Việt Nam thường chăn nuôi theo mô hình nông hộ, quy mô nhỏ, vốn ít… nên vấn đề lớn với bà con nông dân là thiếu vốn. Do vậy, kể cả muốn mở rộng quy mô, mở trang trại lớn thì cũng là một vấn đề rất khó đối với nông dân Việt Nam. Khi mà lãi suất vẫn cao, các thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay vẫn khó.

Bà Đàm Thị Thu Nga, chủ một trại gà ở Việt Trì, Phú Thọ cho biết, chẳng dễ dàng gì để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi như chính sách mà Nhà nước đưa ra.

“Vì muốn vay được, bà con nông dân chúng tôi phải trình đủ thứ thủ tục, giấy tờ, rồi các cam kết trả nợ, chứng minh tài sản, phương án kinh doanh khả thi… có khi chứng minh được cái này thì là không đạt được điểm kia. Như nông dân chúng tôi thì có gì làm tài sản thế chấp?” – bà Nga giãi bày.

Bởi vậy, theo bà Nga, tiếng là chính sách lãi suất vay ưu đãi nhưng các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ là khó có thể tiếp cận được.

Cũng có nhiều hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp với lãi suất 7% do chứng minh được tính khả thi của dự án, có tài sản thế chấp đủ để vay một khoản tiền nhất định, cam kết trả nợ đúng hạn… tuy nhiên, hầu hết các hộ nông dân cho rằng, vốn vay chủ yếu là vốn lưu động, ngắn hạn trong khi chăn nuôi cần phải có thời gian, vốn vay cần dài hạn số tiền lớn… nên có vay được cũng vô cùng gian nan.

Câu chuyện nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay không còn là chuyện mới, mà nó đã tồn tại nhiều năm qua. Song đến thời điểm này, nó vẫn còn là điểm tắc nghẽn, là một phần nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản Việt.

Nói như ông Lê Bá Lịch, chính lãi suất cho vay đối với ngành chăn nuôi nước ta sẽ trở thành rào cản, mang lại bất lợi cho ngành này so với các nước khác. Và vô hình trung, nhiều chính sách tiếng là hỗ trợ nhưng lại trở thành rào cản kìm chân sự phát triển của ngành chăn nuôi hiện nay. Điều này sẽ trở nên vô cùng nguy hại đối với chăn nuôi Việt Nam khi cánh cửa hội nhập kinh tế đã mở rất rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách ngành chăn nuôi: Hỗ trợ hay rào cản?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO