Chính sách trọng dụng và đãi ngộ với người có tài

H.Vũ 16/07/2019 07:30

Ngày 15/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Chính sách trọng dụng và đãi ngộ với người có tài

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 35 Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.

Kiểm soát quyền lực thế nào?

Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, liên quan đến việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Đối với HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến ĐBQH đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành gồm 2 Phó Chủ tịch HĐND, hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như luật hiện hành gồm 2 Phó Trưởng ban, hoặc quy định linh hoạt hơn.

Trước vấn đề trên, không đồng tình với việc giảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, hiện chúng ta đang tiến hành Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND. Nếu giảm sẽ khó tăng cường chất lượng HĐND, bởi hiệu quả HĐND chính là dựa vào hoạt động của các Ban của HĐND. “Giảm ở chỗ nào chứ không nên giảm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Phó các Ban HĐND tỉnh” – ông Chiến bày tỏ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong tình hình hiện nay phải tăng cường vai trò của các cơ quan dân cử trong quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương và giám sát, nên không thể tinh giản bộ máy của cơ quan dân cử, nếu giảm là đi ngược xu thế chung hiện nay. Do đó Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có ý kiến với cấp có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, muốn nâng cao chất lượng cơ quan dân cử cần tăng cường đại biểu chuyên trách cả Quốc hội lẫn HĐND. Nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan dân cử cũng là để kiểm soát quyền lực, do đó cần cụ thể hóa để báo cáo lại Trung ương. Theo Chủ tịch Quốc hội, ý kiến cho rằng 2 Phó Chủ tịch HĐND làm tăng biên chế là không đúng. “Các anh ngồi đây đều đã từng làm Bí thư nên biết rõ HĐND tỉnh có Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, và 1 Ủy viên thường trực. Tuy nhiên về sau muốn HĐND mạnh lên nên mới đưa 1 Ủy viên thường trực lên thành Phó Chủ tịch để họp thường trực HĐND bao giờ cũng có 3 người. Bây giờ nói giảm là không có cơ sở, và khi họp HĐND các tỉnh đều đề nghị không giảm. Do đó cấp huyện có thể giảm nhưng ở cấp tỉnh cần cân nhắc” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trên cương vị Phó Ban Tổ chức Trung ương, ông Trần Văn Túy – Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho rằng, chưa thấy ai nói vướng khi có 2 Phó Chủ tịch HĐND cho nên cần xem xét việc đề nghị giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND. Nếu giờ giảm còn 2 người là vô lý, trong khi xu thế chung đang muốn tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên.

Sử dụng người tài đúng sở trường

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, vấn đề nhận được sự quan tâm của các ĐB là chính sách đối với người có tài. Nhưng để chọn được người có tài, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, phải quan tâm đến vấn đề liên thông từ viên chức lên công chức. Bởi theo ông đó là điều quan trọng để chọn được người tốt, người tài, người có đạo đức vào làm việc cho bộ máy nhà nước.

“Hiệu trưởng 1 trường là viên chức có chuyển sang làm Giám đốc 1 sở, ngành được không? Nếu chúng ta không liên thông thì không thu hút được người tài” – ông Dũng cho hay đồng thời nhấn mạnh: “Đất nước muốn phát triển phải chọn được người làm được việc. Lãnh đạo 1 đất nước như Mỹ là công chức, viên chức hay doanh nghiệp? Là doanh nghiệp đấy chứ. Vậy chọn người làm lãnh đạo không nên cứng nhắc là công chức, viên chức hay bất kỳ ai. Do đó cần liên thông giữa viên chức với công chức. Như vậy mới chọn được người tài”.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện, muốn thu hút người tài cần quan tâm có chính sách thỏa đáng đối với người tài, nhưng thời gian qua chính sách của ta chung chung nên không thu hút được người tài. Dẫn chứng 1 giáo viên tại một trường đại học là PGS khi mới 35 tuổi và Vinfast đã trả lương 200 triệu đồng để thu hút về làm việc. Còn tại Đà Nẵng, dù có hẳn 1 đề án phát hiện, đào tạo bố trí người tài nhưng sau khi phát hiện cho đi bồi dưỡng tại ĐH Fulbright về lại cho làm ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ ở Sở Tư pháp, bà Hải đề nghị đối với người có tài cần bố trí công việc đúng với chuyên môn của họ chứ sau khi phát hiện ra rồi, cho đi đào tạo mà khi về lại cho làm việc khác là lãng phí.

Cho rằng “cả luật không nêu trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong thu hút người tài”, bà Hải đề nghị cần quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong tuyển chọn người tài, bố trí sử dụng người tài. Liên quan đến vấn đề liên thông viên chức lên công chức, bà Hải cho rằng phát hiện ra 1 hiệu trưởng tại trường đại học và muốn đưa vào một bộ để làm việc thì phải thi tuyển công chức phức tạp trong khi người tài có khí chất và rất ngại. Do đó cần phải “mềm dẻo” chứ không nên ràng buộc với quá nhiều quy định.

Quy định rõ các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm tập trung xoay quanh quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, liên quan đến đối tượng chưa được cấp giấy tờ xuất cảnh thì cần làm rõ ai quyết định chưa cấp giấy xuất cảnh, nhập cảnh? Vì vi phạm có thể là vi phạm hành chính, dân sự, ví như người chưa đóng bảo hiểm xã hội thì không nên tạm hoãn xuất cảnh. Bởi vậy, trường hợp chưa nộp thuế và nợ đọng bảo hiểm xã hội mà đưa vào dạng không cho phép xuất cảnh, nhập cảnh thì quá rộng. Theo bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc hoãn xuất cảnh/nhập cảnh liên quan đến quyền công dân, do đó cần rà soát để tránh hạn chế quyền con người, quyền công dân. Cần quy định chặt chẽ vấn đề này để tránh việc tùy tiện hạn chế quyền công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách trọng dụng và đãi ngộ với người có tài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO