100 năm Cách mạng tháng Mười Nga: Còn mãi giá trị thời đại

Điền Bắc 03/11/2017 09:10

Sáng ngày 2/11, Tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cách mạng Tháng Mười Nga – tầm vóc lịch sử, giá trị thời đại, bài học đối với cách mạng Việt Nam và tỉnh Nghệ An hiện nay”.


Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, hơn 10 bài tham luận của các nhà nghiên cứu đã đánh giá, phân tích ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười (CMTM) Nga. Và qua đây, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều bài học sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam cũng như việc vận dụng những bài học đó trong thời đại mới. Tại Hội thảo, tham luận với chủ đề “Từ Cách mạng Tháng Mười đến triển vọng của Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của PGS TS Bùi Thị Ngọc Lan - Viện trưởng Viện Chủ nghĩa Xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cuộc cách mạng 4.0 chính là sự đổi mới sáng tạo, tuy nhiên chính yếu tố dân chủ là điều kiện đầu tiên cho sự đổi mới sáng tạo.

Do đó, theo PGS TS Bùi Thị Ngọc Lan, để hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thiết lập một cách vững chắc thể chế chính trị dân chủ, trí tuệ, trọng dân để tạo điều kiện cho cuộc cách mạng này phát triển không ngừng ở trình độ ngày càng cao, tiếp tục tạo ra những tiền đề cho triển vọng của Chủ nghĩa xã hội hiện thực với các mô hình xã hội chủ nghĩa mới trong tương lai.

Đối với công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay, bài học từ cuộc CMTM Nga vẫn giữ nguyên giá trị. Theo ông Nguyễn Mạnh Khôi – Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An: Đó là phải công khai, dân chủ, minh bạch các chủ trương, chính sách, các khoản đóng góp xây dựng của nhân dân. Đồng thời, đưa ra các chủ trương, chương trình, mô hình… phù hợp với từng khu vực dân cư, dân tộc phát huy hiệu quả những thế mạnh của từng vùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Bởi đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực để tạo sự phát triển, lấy lợi ích tối cao của đất nước, của quê hương và quyền lợi cơ bản của người dân làm nền tảng để tập hợp nhân dân tạo ra nhiều thắng lợi.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đánh giá, sự khủng hoảng của Chủ nghĩa xã hội hiện thực và sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan như tình trạng quan liêu, xa dân, tham ô, tham nhũng; yếu kém trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, kể cả sai lầm về đường lối và sách lược cách mạng hay sự phản bội mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của một số nhà lãnh đạo. Thậm chí liên quan đến vấn đề kiên định, trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước này.

Một vấn đề nóng hổi trong thời gian qua là công tác cán bộ, tại Hội thảo, ThS Lê Quốc Khánh – Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An nhận định, việc Liên Xô sụp đổ vào thập niên cuối thể kỷ 20 là do Đảng Cộng sản Liên Xô đã có những sai lầm từ đường lối đến tư tưởng, xa rời nhân dân, buông lỏng vai trò lãnh đạo, cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, nội bộ Đảng có dấu hiệu suy thoái, tự diễn biến, trong đó có lãnh đạo cao cấp của Đảng. Do đó, chăm lo công tác cán bộ là những nhân tố quyết định, sống còn đối với sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là vấn đề rất được Đảng, Nhà nước ta quan tâm trong thời gian qua với những quy định cụ thể về công tác cán bộ, ngăn ngừa những kẻ cơ hội, suy thoái vào trong hàng ngũ của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    100 năm Cách mạng tháng Mười Nga: Còn mãi giá trị thời đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO