6 bài học kinh nghiệm, 8 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng

M.Loan 20/01/2018 09:00

Phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 chiều 19/1, nói về công tác cán bộ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng: Thiếu lãnh đạo cộng với thiếu thông tin thì đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc

6 bài học kinh nghiệm, 8 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu bế mạc Hội nghị.

6 bài học kinh nghiệm sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 12

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu 6 bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, theo ông Phạm Minh Chính, cần tiếp tục bám sát cương lĩnh, điều lệ, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng… để trên cơ sở thực tế khách quan, đặc điểm từng bộ ngành địa phương triển khai công tác.

Bám chủ trương đường lối sát với tình hình để thực hiện có hiệu quả.

Nguồn lực có hạn, công việc nhiều, vậy giải quyết mâu thuẫn này bằng cách bám sát đường lối chủ trương nhưng căn cứ tình hình thực tế để xác định cái gì cần làm và cái nào làm trước, làm sau, làm cái gì dứt điểm cái đó.

Thường xuyên tranh thủ ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của thường vụ cấp uỷ, đặc biệt là của bí thư cấp ủy.

“Các cụ nói không thày đố mày làm nên, tôi thấy qua thực tiễn công tác bám sát để nhắc nhỡ bí thư cấp uỷ quan tâm đến công tác tổ chức xây dựng Đảng”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thứ 2 là vai trò của người đứng đầu, mối quan hệ của cấp uỷ hết sức quan trọng.

Song song xin chủ trương, xin định hướng là đề xuất chính kiến của mình, lập trường quan điểm của mình.

Liên quan tổ chức, nhân sự là rất nhạy cảm mà không có sự tranh thủ, không có sự lãnh đạo, không làm việc đầy đủ thì thiếu thông tin.

“Thiếu lãnh đạo cộng với thiếu thông tin thì đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc”, ông Phạm Minh Chính lưu ý.

2 năm qua, ngoài quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí đã định hình rồi, công việc thường xuyên hay làm phải tham khảo ý kiến để có nhiều kênh thông tin để đánh gía xem đồng thuận đến đâu, nhất là các vị trí nhạy cảm, then chốt.

“Làm nhân sự cấp Bộ chính trị, Ban Bí thư quản lý từ đầu khoá đến giờ hơn 400 đồng chí, các cấp uỷ cấp dưới làm rất nhiều. Đặc biệt bố trí lại các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng phải tham khảo ý kiến rất nhiều kênh. Từ cách làm như vậy cộng công khai minh bạch dân chủ và tạo ra không khí dân chủ nhưng không tạo ra cái chạy. Ta đưa ra quy trình 5 bước cải tiến quy trình 3 bước, cộng thông tin, cách làm đổi mới sáng tạo, tôi nghĩ từ đầu khoá đến giờ việc bố trí không biết đồng chí dưới thế nào nhưng tôi thấy là ở Trung ương không có cái chạy. Kết quả của các đồng chí bố trí chứng minh điều này”, ông Chính nhấn mạnh.

Thứ 3, cần tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tăng cường ở đây là quan tâm trực tiếp đến công tác cán bộ, xây dựng bộ máy, cơ chế vận hành của nó. Cả 3 vấn đề này đặt trong chỉnh thể của nó không thể tách ra.

Chúng ta xây dựng bộ máy tinh gọn, hệ thống vận hành thông suốt nhưng chúng ta phải bố trí đúng con người. 3 cái này làm hệ thống chính trị phát triển bền vững, ổn định và có hiệu quả.

"Tất cả việc này đều dưới sự chỉ đạo cấp uỷ mà cấp uỷ lơ là thì bộ máy rệu rạo, cơ chế vận hành cũng không phù hợp, trục trặc, bố trí con người sai. Cả 3 cái này kéo theo hệ luỵ rất lớn", ông Phạm Minh Chính nói.

Trên thực tế Đảng bộ nào không quan tâm đầy đủ 3 vấn đề này thì đều có trục trặc cả.

Cách làm của chúng tôi vừa qua là kể cả nơi làm tốt và chưa tốt cử lãnh đạo của ban gặp gỡ riêng từng đồng chí thường vụ để nắm xem phản ánh trung thực, khách quan, đúng vấn đề. Sau đó tổng hợp lại nhưng không nói nguồn.

Thứ 4 là tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, tôn trọng và bám sát thực tiễn, dám nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật để tham mưu và tổ chức thực hiện.

Trung ương chỉ làm cấp trực thuộc Trung ương, cấp trực thuộc Trung ương làm xuống cấp huyện, cấp huyện làm xuống cấp cơ sở.

Như thế mới phân cấp, mới quy định trách nhiệm rõ ràng, sát thực tế. “Phấn cấp phân quyền chính là chỗ này, kiểm soát quyền lực cũng chính là chỗ này”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thứ 5 phải thường xuyên chăm lo tinh thần, vật chất của cán bộ, công chức, người lao động, quan tâm đến môi trường làm việc, nhiều đảng bộ ngột ngạt vì môi trường làm việc không công bằng.

Thứ 6 chuẩn hoá siết chặc kỷ luật, kỷ cương nhưng phải đi đôi với giải phóng nguồn lực, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và tính tích cực chủ động của mọi người, mọi lúc.

“Cứ loay hoay lúc này cũng dung kỷ luật, kỷ cương bó hết cả lại khoanh lại vòng kim cô không có không gian cho phát triển”, ông Phạm Minh Chính ương lưu ý.

Tám nhiệm vụ năm 2018

Nói về nhiệm vụ của ngành tổ chức Đảng năm 2018, ông Chính cho rằng, cần tiếp tục công tác xây dựng đảng về đạo đức, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng đảng.

Tổng kết 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ đạt nhiều thành tựu, có nhiều tiến bộ vượt bậc, đột phá.

Bên cạnh đó bộc lộ nhiều vấn đề mà Đại hội Đảng đã chỉ ra như bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả; một bộ phận cán bộ không nhỏ suy thoái; MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội nhà nước hoá, hành chính hoá, công chức hoá…

“Đây chính là những cái Trung ương 3 khoá 8 ta chưa làm được, đề nghị đi sâu phân tích vì sao không làm được, vì sao có những cái tồn đọng mang tính chi phối hoạt động của Đảng như vấn đề suy thoái, vấn đề bộ máy… cũng là do cán bộ.”, ông Phạm Minh Chính nói.

Từ trung ương 3 khoá 8 ta xây dựng đội ngũ mới như thế nào. Hướng là, xây dựng đảng về đạo đức, xây dựng ra đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng, phẩm chất đạo đức, kế thừa văn hoá đạo đức người Việt Nam, có lý tưởng cách mạng, có sự sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc.

Bên cạnh đó, cần siết chặt kỷ cương để khắc phục hạn chế, xây dựng được đội ngũ sáng tạo, tôn trọng quy luật khách quan, tạo cơ chế cho họ sáng tạo.

Chuẩn bị cho trung ương 7 đang làm, nay mai xin ý kiến các đồng chí. Đội ngũ cán bộ phải vững vàng kiên định, đội ngũ cán bộ này, làm sao xây dựng cơ chế phát huy tối đa nguồn lực…

Nhiệm vụ thứ 2 là xây dựng chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 Khoá 12, ngăn chặn đẩy lùi được suy thoái, Nghị quyết Trung ương 6 là cái gì đã rõ, đã chính thì phải cương quyết làm, cái gì luật pháp chưa tới hoặc vượt qua thì mạnh dạn thí điểm, cái gì còn có những ý kiến khác nhau thì tiếp tục bàn và tìm ra giải pháp phù hợp. Ví dụ nhiều cấp phó, đầu mối, cứ thế tinh giản.

Thứ 3 là bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác tổ chức xây dựng đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu sẽ được hoàn thiện, những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí bị xử lý trách nhiệm, cho thôi, miễn nhiệm cán bộ làm việc kém hiệu quả.

Về cơ chế kiểm soát quyền lực, vừa qua không đầy đủ công cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hoá, biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho.

Thì bây giờ phải xây dựng quy chế, quy định của đảng, luật pháp hoá, đồng thời công khai, minh bạch. Còn nếu để một vài người sử dụng quyền lực sẽ tha hoá.

Có công cụ rồi thì phải tìm đối tượng phòng chống, có biện pháp phù hợp đối với người chạy và người được chạy, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Thứ 4 là coi trọng công tác cán bộ thường xuyên, đột xuất, tham mưu, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ và quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo chủ chốt.

Phải rà soát kỹ lưỡng, căn cứ tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình chặt chẽ, đúng nguyên tắc.

Ốm đau là đột xuất, vừa rồi chúng tôi xây dựng quy chế khám bệnh, giờ nhiều người ngại đi khám bệnh hoặc chủ quan.

Sắp tới 6 tháng cán bộ phải kiểm tra sức khoẻ 1 lần. Lấy phiếu tín nhiệm phải khách quan, trung thực. Quy hoạch cũng phải làm 5 bước nên khó chạy.

Việc luân chuyển cán bộ, quy chế 98 nói rất rõ, muốn chạy không chạy được. Trước đây chạy được vì không có quy chế công khai minh bạch, còn bây giờ làm đúng không chạy được.

Tinh thần của Ban Tổ chức Trung ương đợt này sẽ căn cứ vào con người cụ thể, sắp tới một số người đủ điều kiện luân chuyển phải căn cứ vào tình hình thực tế, có thể là thường xuyên, vì nếu quy thành từng đợt thì lại có chuyện chạy.

Hiện Bộ Chính trị đang luân chuyển, điều động, vừa rồi hơn 10 người, trung ương, uỷ viên từ chỗ này sang chỗ kia. Đã ngắm nghía để trao chức vụ cao hơn dứt khoát phải là cấp trưởng.

Vì cấp phó rất khó thể hiện vì trên còn cấp trưởng, nên tinh thần thấy ai có năng lực phẩm chất tốt có khả năng phát triển, còn khả năng thay thế ở nhiệm kỳ tới là rất nhiều.

Thay phải hơn 50% như quy định hiện hành. Nhưng mình cũng phải chuẩn bị cả 2 phương án. Phải làm từ bây giờ. Cần linh hoạt cho việc chuẩn bị cán bộ, vừa thường xuyên, vừa cấp bách.

Thứ 5 là chuẩn bị cho Đại hội 13 của Đảng. Công tác cán bộ phải chuẩn bị từ bây giờ, như có sửa đổi Điều lệ Đảng không.

Nếu sửa thì năm nay phải chuẩn bị, sang năm là đề án để 2019 thảo luận. Vì tháng 4/2020 là đại hội các cấp.

Thứ 6 là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức.

"Ngành tổ chức xây dựng Đảng phải nêu gương, vì muốn người khác làm trước hết anh phải làm đã, muốn người khác không làm trước hết anh phải cương quyết không làm", ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Các văn phòng Ban Tổ chức trong quý 1 chuyển hết về văn phòng Tỉnh uỷ. Đây là vấn đề đã rõ phải làm ngay.

Thực hiện người cán bộ gương mẫu, trong sáng, tinh thông, đừng có quấy nhiễu, sách nhiễu, và phải có hiểu biết.

Kết hợp với 4 hoá, lãnh đạo là hạt nhân, chuẩn hoá, đơn giản hoá, tự động hoá. Bộ thông minh, ngành thông minh thì cả nước mới thông minh.

Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ đang kém so với các nước. Israel có triết lí mọi thứ đều có thể ăn cắp trừ tri thức nên tất cả họ bỏ vào trong đầu, người Nhật có triết lý làm ra tiền là đẳng cấp thấp, làm ra công việc là đẳng cấp trung bình, làm ra con người biết làm việc mới là đẳng cấp cao. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng rất quan trọng.

Xây cầu, công viên hàng trăm triệu đô rất nhanh, nhưng 100 triệu đô để đào tạo cho 1 tỉnh chưa ai dám nghĩ. Vì vậy cần thay đổi tư duy.

Cầu đường hạ tầng rất cần, nhưng hạ tầng mềm là con người và cơ chế chính sách trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng.

Không lấy bằng cấp mà lấy sản phẩm, sự công nhận của mọi người để đo. Cứ định tính là không ổn, cần định lượng, góp phần bỏ chạy chức chạy quyền.

Thứ 7 là coi trọng nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận, đẩy mạnh tuyên truyền, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng.

Tổ chức và con người vừa là chủ thể vừa là đối tượng nghiên cứu của khoa học nhưng chưa có nghiên cứu nào về điều này.

Khoá 8 manh nha, nhưng đến nay không có phân tích, đánh giá định lượng, nên phải sản xuất ra sản phẩm mang tính định tính.

Thứ 8 là thực hiện tốt các nhiệm vụ về chính sách cán bộ, đào tạo cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ và nhiệm vụ đột xuất do Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp giao.

Xây dựng đề án tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí đa dạng.

Xây dựng quy định về rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi đảng và hướng dẫn khung nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    6 bài học kinh nghiệm, 8 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO