APEC tiếp tục thảo luận về định hướng hợp tác

Hải Lộng - Văn Nhất 19/02/2017 18:50

Ngày 19/2, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan (18/2 - 3/3/2017) tiếp tục diễn ra sôi nổi với các hoạt động của 10 nhóm công tác và tiểu ban APEC trên các lĩnh vực.

Quanh cảnh Hội thảo về khuôn khổ di chuyển lao động sáng ngày 19/2.

Tiếp tục thảo luận sôi nổi

Sau hai ngày làm việc, cuộc họp của các nhóm về ứng phó với tình trạng khẩn cấp, chuyên gia về sở hữu trí tuệ, Đối tác chính sách về khoa học, công nghệ và sáng tạo và Đối thoại hóa chất đã kết thúc tốt đẹp với nhiều kết quả thiết thực. Nổi bật là đã nhất trí về một số nội dung then chốt để chuẩn bị Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào tháng 8/2017; xây dựng chiến lược đáp ứng nhu cầu sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực chống chịu thiên tai, tăng cường hợp tác giữa nhà sản xuất và chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng an toàn hoá chất, tạo dựng môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết của khu vực.

Trong khi đó, tại các cuộc họp về phát triển nguồn nhân lực, chống tham nhũng và minh bạch hóa và cuộc học của nhóm chuyên gia về khai thác gỗ trái phép và thương mại liên quan, các đại biểu tiếp tục trao đổi nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác APEC trên các lĩnh vực di chuyển của người lao động, tăng cường sự tham gia của người dân vào chống tham nhũng, bảo đảm thương mại hợp pháp của các sản phẩm gỗ…, và đã thống nhất các ưu tiên hợp tác của các nhóm trong năm 2017. Riêng Nhóm di chuyển doanh nhân đã dành thời gian cho trao đổi song phương giữa các thành viên.

Cũng trong ngày hôm nay, các hoạt động của Tiểu ban Tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) đã được khởi động; Ủy ban chỉ đạo về hài hòa hóa quy định thủ tục của Diễn đàn khoa học đời sống và đổi mới (LSIF) cũng bắt đầu ngày làm việc đầu tiên.

Với vai trò chủ nhà, Đoàn Việt Nam tiếp tục tham gia và đóng góp chủ động và tích cực vào các nội dung thảo luận chung. Các bộ, cơ quan Việt Nam cũng trình bày các sáng kiến về chính sách đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan thực thi chính sách, đối thoại về chống tham nhũng và gian lận thương mại…

Với 10 cuộc họp diễn ra trong cùng một ngày, đây là một trong những ngày hoạt động sôi nổi nhất trong dịp Hội nghị SOM 1 và các cuộc họp liên quan của Năm APEC 2017 diễn ra tại thành phố biển Nha Trang.

Quang cảnh buổi Hội thảo về phòng, chống tham nhũng sáng ngày 19/2.

Đào tạo lao động không phải để xuất khẩu

Trong ngày làm việc thứ 2, Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) - Hội thảo về khuôn khổ di chuyển lao động đặc biệt được các đại biểu quan tâm.

Ông Nilim Baruah, Chuyên gia cấp cao về vấn đề lao động di cư của tổ chức lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Trong Hội thảo về khuôn khổ di chuyển lao động, APEC cũng đã trao đổi để xây dựng khuôn khổ dịch chuyển lao động trong APEC. Hiện tại, APEC cũng nhắm tới làm sao cho lượng dịch chuyển lao động kỹ năng trong APEC, cũng như bảo vệ những người lao động dịch chuyển trong APEC tốt hơn. Trong khung dịch chuyển của APEC cũng đề cập đến vấn đề làm sao nâng cao tay nghề, bảo vệ tốt người lao động đi làm việc trong các nước trong APEC.

Theo số liệu thống kê của Cục quản lý lao động nước ngoài của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Năm 2016 cả nước đưa đi được 126.296 lao động (trong đó, có 46.029 lao động nữ; chiếm 36,45%). Đây là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc số lượng lao động đưa đi đều tiếp tục tăng so với năm 2015, cụ thể là: Thị trường Đài Loan: 68.244 người, tăng 1.123 người; Thị trường Nhật Bản: 39.938 lao động tăng 12.928 người; Thị trường Hàn Quốc: 8.482 lao động tăng 2.463 người so với năm 2015.

Một số thị trường khác: Malaysia: 2.079 lao động, Ả-rập Xê-út: 4.033 lao động, Algeria: 1.179 lao động, Qatar 702 lao động,...

Ông Nilim Baruah, Chuyên gia cấp cao về vấn đề lao động di cư
của ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông Nilim Baruah, lao động dịch chuyển của Việt Nam chủ yếu di chuyển đến các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia. Với 3 cấp độ tay nghề là, lao động có tay nghề cao, tay nghề trung bình và tay nghề thấp thì lao động Việt Nam thì chủ yếu là tay nghề thấp nhưng các nước đều có nhu cầu với 3 loại lao động này. Trong khi đó, lao động Việt Nam dịch chuyển trong lĩnh vực Điều dưỡng cũng loại lao động có thu nhập.

Thực ra nhu cầu cho lao động có tay nghề cao của các nước tiếp nhận lao động rất lớn ví dụ như Nhật Bản, Singgapo… Muốn có lao động có kỹ năng các nước cũng phải đầu tư “đặt hàng” cho các nước đào tạo lao động. Thứ 2 là, Việt Nam không nên đào tạo lao động kỹ năng để xuất khẩu lao động mà cái chương trình giáo dục của mình làm thế nào để nâng cao tay nghề cho người lao động để đáp ứng với công việc trong nước kể cả đi làm ở nước ngoài, ông Nilim Baruah cho biết thêm.

Ông Nilim Baruah chia sẻ, "ở Ấn Độ chúng tôi có rất nhiều lao động trong ngành công nghệ thông tin đi làm ở nước ngoài nhưng mục tiêu giáo dục của Ấn Độ không nhằm mục đích là đào tạo ra nhân viên công nghệ thông tin có trình độ để đi làm việc ở nước ngoài. Chính phủ Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực đó để giúp cho người lao động có kỹ năng cao có thể phục vụ tìm kiếm công việc trong nước còn đi nước ngoài làm việc ở nước ngoài hay không là tùy họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    APEC tiếp tục thảo luận về định hướng hợp tác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO