Bác Hồ viết Di chúc

Nguyễn Văn Công(Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) 19/08/2019 09:00

Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đã cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống no ấm hạnh phúc của nhân dân. Người để lại cho đất nước, cho Đảng ta, nhân dân ta một văn kiện lịch sử vô giá, đó là bản Di chúc thiêng liêng, mà đến nay và mãi về sau, chúng ta luôn ghi nhớ, học tập và làm theo.

Bác Hồ viết Di chúc

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi Thủ đô, tối 31/5/1969 tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra hết sức ác liệt và có những dấu mốc quan trọng; cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.

Theo đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại cho muôn đời sau vào lúc 9h sáng thứ hai, ngày 10/5/1965; đến 10h, Bác viết xong phần mở đầu. Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo, ngày 11, 12, 13/5/1965, cũng vào giờ đó (từ 9h đến 10h), Bác viết tiếp các phần còn lại. Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14h đến 16h. Đúng 16h, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đến 21h hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.

Và cứ đến dịp sinh nhật Bác hằng năm, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Bác; sau đó Bác bổ sung và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. Bác đọc kỹ bản Di chúc xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước. Đặc biệt là qua tình hình chiến sự miền Nam, Bác lại viết thêm những phần cần thiết vào bản Di chúc. Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối.

Những bút tích của Bác còn lại trong các bản Di chúc đã cho thấy, đây là văn bản được Bác tập trung thời gian, suy nghĩ, chỉnh sửa nhiều nhất so với các văn bản bút tích của Bác để lại. Điều đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Bác trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhưng đó còn là tấm lòng của vị lãnh tụ với tương lai đất nước. Bản Di chúc còn mang nét độc đáo rất riêng nữa là, dù bút tích Bác ghi rõ “Tuyệt đối bí mật”, nhưng đây lại là tài liệu được công bố rộng rãi nhất, được nhiều thế hệ học tập, noi theo. Toàn văn Di chúc của Bác Hồ đã được Bộ Chính trị cho công bố và xuất bản cùng ngày tổ chức lễ quốc tang 9/9/1969.

Có thể nói, toàn bộ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt; là sự kết tinh của tinh hoa văn hoá dân tộc với tinh hoa văn hoá nhân loại, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di chúc là những lời căn dặn tâm huyết; mọi tâm nguyện cuộc đời Bác đều gửi gắm trong Di chúc. Đây là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, là kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; của tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của Người, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân và nhân loại.

Di chúc là ánh sáng soi đường, là sức mạnh thôi thúc hành động cho cách mạng Việt Nam phát triển đi lên, cho đất nước ta phồn vinh, cho nhân dân được tự do, no ấm và hạnh phúc; không chỉ đối với nhân dân ta mà còn đối với các dân tộc đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hoà bình, công lý, vì hạnh phúc của con người trên toàn thế giới.

Suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước, trong Di chúc Bác không đề cập đến “cá nhân” hay “bản thân”, mà nói “về việc riêng”, bởi suốt đời Bác phấn đấu cho hạnh phúc chung của toàn dân. Cái riêng của Bác hòa trong cái chung của dân tộc. Suốt đời Bác vì dân, vì nước, vì Đảng, nên không lúc nào Bác nghĩ đến bản thân mình. “Không có điều gì phải hối hận” trước lúc đi xa vì Bác đã phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân hết sức, hết lòng. Người “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Từ ngày Bác Hồ đi xa đến nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức và quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, kinh tế là trung tâm với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Cách mạng nước ta phải trải qua muôn vàn thử thách, dù thế giới biến đổi khôn lường, toàn Đảng và toàn dân ta nguyện sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thực hiện đúng như lời thề mà đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng, tuyên đọc khi vĩnh biệt Bác Hồ, chúng ta quyết tâm thực hiện những điều Bác căn dặn trong Di chúc: “Mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta vui mừng báo cáo với Bác về những thắng lợi và thành tựu đạt được. Song chúng ta cũng xin nhận với Bác rằng chúng ta còn nhiều thiếu sót, yếu kém chưa làm được nhiều điều Bác căn dặn. Trong việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh những thành tựu và ưu điểm đáng kể, chúng ta còn vấp phải không ít sai lầm và khuyết điểm. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, sự vi phạm các nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt, sự lạm dụng quyền lực, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có những tác động tiêu cực đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ… Do đó, việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành trong nhiều năm qua, đặc biệt là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một biện pháp hữu hiệu để Đảng ta khắc phục khuyết điểm, khôi phục và phát huy những phẩm chất cao đẹp vốn có của mình.

Thực hiện Di chúc của Bác Hồ, cán bộ, đảng viên chúng ta càng luôn luôn nhớ lời Bác căn dặn, phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đồng thời, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định, mãi mãi đi theo con đường Bác đã chọn, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Thực hiện một cách tốt nhất lời Bác căn dặn lại trong Di chúc, đó là những chỉ dẫn hết sức quý báu đối với Đảng và nhân dân ta xứng đáng với những điều mong muốn cuối cùng của Bác, cũng là những dòng cuối cùng của Người viết trong Di chúc:“Điều mong muốn cuối cùng: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm nay (ngày 19/8), tại 19 Ngọc Hà (Hà Nội), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức trưng bày chuyên đề: “Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)”. Với hơn 250 tài liệu, hiện vật, hình ảnh và phim tài liệu, trưng bày giới thiệu đến công chúng những thành tựu nổi bật của đất nước đạt được trên chặng đường vẻ vang 50 năm qua, từng bước hiện thực hóa những mong muốn cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa. Đồng thời, trưng bày cũng góp phần động viên nhân dân tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, nỗ lực phấn đấu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. H.Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác Hồ viết Di chúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO