Bảo vệ bí mật nhà nước phải phù hợp với yêu cầu của tình hình mới

H.Vũ 25/10/2017 17:32

Đó là quan điểm được Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đưa ra khi thẩm tra dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, diễn ra chiều ngày 25/10.


Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Ảnh: Quang Vinh.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá Việt Nam nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam.

“Trước tình hình phức tạp nêu trên, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; đồng thời, để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước nên việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết”-Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Thẩm tra luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước như Tờ trình của Chính phủ đã nêu và nhấn mạnh: Qua hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi ngày càng cao; mặt khác, sự thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng thời, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian vừa qua.

Theo ông Việt, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật có nhiều nội dung kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành. Tuy nhiên, một số nội dung quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước đã có sự thay đổi căn bản trong điều kiện khoa học công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc. Do đó, các quy định về công tác quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo luật cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, nhất là việc xác định phạm vi danh mục bí mật nhà nước, các biện pháp, phương pháp, công cụ để bảo vệ bí mật nhà nước cần phải quy định cụ thể, chặt chẽ ngay trong luật để bảo đảm tính khả thi.

Cũng trong buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật An ninh mạng. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật không được khắc phục, nhận thức của cán bộ, nhân viên còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức được mức độ cần thiết của công tác an ninh mạng.

Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đang là đối tượng của hoạt động tấn công mạng, xâm nhập mạng, gián điệp mạng; tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên mạng internet vẫn còn tồn tại. Do vậy, việc ban hành luật này cũng góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quy định “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” và “mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.

Bày tỏ quan điểm nhất trí với tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an tòa xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở và hệ thống chính sách chưa đồng bộ, thì việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Thể được giới thiệu làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Chiều 25-10, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. Sau đó, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Với 94,7% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa. Trong khi đó, với 94,3% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa, và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua ngay sau đó với 88,19 % ĐBQH tán thành.

Cũng trong buổi chiều, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo đó, căn cứ điều 98 Hiến pháp; điều 28 Luật tổ chức Chính phủ; căn cứ Quyết định 41 của Bộ chính trị về giới thiệu nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước. Chính phủ giới thiệu Quốc hội, xem xét ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Sau đó các ĐB thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ bí mật nhà nước phải phù hợp với yêu cầu của tình hình mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO