Bí thư Đinh La Thăng biểu dương Phong trào 'Dân vận khéo'

Lam Hồng - Quang Minh 16/10/2016 16:09

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2016) do Ban Dân vận Thành ủy TP HCM tổ chức ngày 16/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đánh giá cao sự chuyển biến về nhận thức trong công tác dân vận của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Bí Thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng
trao danh hiệu “Dân vận khéo” cho các tập thể và cá nhân.

Đây chính là nhân tố quan trọng hàng đầu làm cho chất lượng của công tác dân vận được nâng lên trong thời gian qua.

Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Có thể khẳng định, phong trào “Dân vận khéo” đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo chuyển biến rõ rệt về công tác vận động quần chúng nhân dân của Đảng. Quan trọng hơn, mô hình “Dân vận khéo” đã huy động được sức dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của thành phố và đất nước.

Vì thế, trong thời gian tới đây, công việc này cần phải được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng phối hợp chặt chẽ hơn nữa thông qua hạt nhân là Ban Dân vận Thành ủy. Điều đó có nghĩa, nhiệm vụ sắp tới của các đồng chí sẽ nặng nề và đòi hỏi nhiều sự cố gắng hơn”.

Bí thư Đinh La Thăng gợi ý đặc trưng của công tác dân vận là đòi hỏi người thực hiện phải có sự tinh tế trong giao tiếp, vận động, khéo trong cử chỉ, lời nói, hình thức thể hiện. Cán bộ dân vận phải biết cách tạo ra sự hấp dẫn, thuyết phục trong mỗi hành vi nhỏ nhất khi tiếp xúc với quần chúng nhân dân. Thật vậy, không có việc gì cần sự tinh tế hơn khi trong công việc tìm ra sự hòa điệu về ý tưởng, khát vọng, tập trung sức mạnh của nhiều người.

Theo ông Đinh La Thăng, kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống dân vận, tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo”, cũng là dịp để chúng ta cùng suy ngẫm lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối quan hệ giữa ta và dân chúng, giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng ta thắng lợi. Vì vậy cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

“Qua lời dạy đó, Hồ Chủ tịch muốn nhắc mỗi cán bộ, đảng viên về mối nguy hại khôn lường của thói quan liêu, cửa quyền, suy thoái đạo đức, lối sống, xa dân để chúng ta cảnh giác đề phòng hoặc tìm cách khắc phục. Vì thế, một lần nữa chúng ta phải ghi nhớ lời dạy của Người: “Những gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Những gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Tôi cho rằng, phương châm sống và hành động ấy cũng chính là nội dung cốt lõi của công tác dân vận của Đảng”- Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại truyền thống vẻ vang của công tác dân vận trong 86 năm qua. Năm 1930, cùng với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đã xác định công tác dân vận là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Ngày 15/10/1949, trong bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, Bác đã chỉ rõ: “Lực lượng của dân ta rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì của thành công”. Năm 1999, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

Dịp này, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác dân vận. Trong 86 năm qua, công tác dân vận của Đảng đã ghi dấu, có nhiều bước trưởng thành và gặt hái được nhiều thành công. Thời gian qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị TP HCM có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ năm 2007, TP HCM đã triển khai phong trào dân vận khéo đã thổi một luồng sinh khí để mạnh công tác dân vận của Đảng bộ. Sau 9 năm triển khai, phong trào đã lan tỏa sâu rộng, toàn diện gắn chặt chẽ với các phong trào thi đua cơ sở. Riêng năm 2016, TP HCM có 1.784 tập thể và 8.146 cá nhân đạt danh hiệu “Dân vận khéo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí thư Đinh La Thăng biểu dương Phong trào 'Dân vận khéo'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO