Biên chế vẫn âm thầm tăng

Nguyên Khánh 03/12/2017 06:00

Con số tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khoá XII mới đây cho thấy, sau 2 năm quyết tâm tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị lẽ ra mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm phải giảm 140.000 - 150.000 người, nhưng thực tế không giảm mà còn tăng thêm 96.000 người.


Đẩy mạnh cải cách hành chính, tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả trong việc tinh giản biên chế. Trong ảnh: Cán bộ trung tâm hành chính công phối hợp với bộ phận “một cửa” xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ. Ảnh: Nguyễn Duy.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khoá XII diễn ra cuối tuần qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, có một nghịch lý đó là, sau 2 năm quyết tâm tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị lẽ ra mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm phải giảm 140.000 - 150.000 người… Nhưng thực tế ngược lại, biên chế không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người.

Nhìn vào các con số mà Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dẫn ra thì những gì liên quan đến bộ máy cứ âm thầm tăng, bất chấp quyết tâm tinh giản biên chế mà chúng ta đã thực hiện mấy thập kỷ qua. Cụ thể, hiện cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với 2011; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7%; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với 2011. Số liệu này chưa kể Quân đội và Công an.

Tỷ lệ cán bộ công chức phục vụ hiện nay rất lớn, như ở Trung ương tại các cơ quan đảng chiếm 27%; các tổ chức chính trị - xã hội 30%. “Có những cơ quan lái xe chiếm đến 17%, ngay ở Ban Tổ chức Trung ương là 13%. Có nhiều cơ quan đề nghị lái xe là công chức nhưng thế thì bao giờ thay đổi, tinh giản được”- ông Phạm Minh Chính nói.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ rõ một số cơ quan tham mưu của Đảng với chuyên môn nhà nước như Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo… còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với cơ quan Nội vụ, Thanh tra, Thông tin và Truyền thông của nhà nước. Một số bộ như Giao thông Vận tải với Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư với một số bộ khác cũng trong tình trạng tương tự, cứ chồng lấn chéo, lẫn việc vào nhau. Tuy nhiên, ngay khi thấy những điểm bất cập, có ý kiến đề xuất sáp nhập một số sở ngành có nhiệm vụ, chức năng tương tự nhau để bớt cồng kềnh, giảm biên chế thì vấp phải sự phản ứng dữ dội của “người trong cuộc”.

Sự cồng kềnh ở trên thế nào thì ở dưới cũng dập khuôn như thế, muôn kiểu để tăng thêm biên chế. Theo đó, năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng đến nay đã tăng thành 63. Sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện, 1.136 xã. 10 năm qua, chỉ giảm duy nhất được một tỉnh là sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, còn lại chỉ có xu hướng là phải tách ra chứ không có nhập vào. Mỗi lần tách như vậy, biên chế cứ thế âm thầm tăng lên đè nặng ngân sách.

Bộ máy tăng thêm, biên chế không có lý do để giảm. Hiện số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước có khoảng 4 triệu người, chưa tính Quân đội và Công an. Số người ăn lương và phụ cấp của ta tăng rất nhanh. Nền kinh tế phải gánh vác rất khó khăn. Khó khăn này tập trung vào các đơn vị sự nghiệp trên 2 triệu người và cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố. Đó là chưa kể đến các trường hợp thuộc diện “hợp đồng khác” có đến 239.000 người, chiếm 6% tổng số người ngân sách đang nuôi. Phải xử lý thế nào với những cá nhân cụ thể này cũng là bài toán không dễ giải!

Trước thực trạng biên chế tăng chóng mặt như vậy Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế. “Theo Nghị quyết 39 mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm phải giảm 140.000 - 150.000 người, nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một thực tế đáng buồn”- ông Phạm Minh Chính nói.

Biên chế âm thầm tăng bất chấp lệnh cắt giảm có rất nhiều lý do. Một trong các nguyên nhân của những hạn chế trong kết quả tinh giản biên chế chính là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, ở một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong việc kiện toàn tổ chức, kiện toàn nhân sự, chưa xem tinh giản biên chế là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ. Tinh giản biên chế chưa thực sự trở thành động lực từ bên trong mà chỉ là áp lực từ bên ngoài dẫn đến việc xem tinh giản như một việc bất đắc dĩ phải làm, áp lực chưa lớn thì chưa thực hiện hoặc thực hiện một cách hình thức.

Điều đáng nói là trong những năm qua chưa thấy ai được khen vì giảm biên chế, chưa thấy ai bị kỷ luật vì để biên chế tăng. Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, chê, kỷ luật thì rất khó. Thế nên, chẳng dại gì mà giảm biên chế. Vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên.

Để xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài sự quyết tâm lớn còn cả cả sự “hy sinh” về mặt quyền và lợi ích mà nhiều người, nhiều ngành không muốn buông ra; bởi lẽ tinh gọn bộ máy cũng có nghĩa là phải “cắt” bớt những bộ phận lâu nay hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là không cần thiết. Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng- giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì việc đổi mới hệ thống chính trị một cách tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng là công việc cần phải làm ngay, làm chắc chắn và lâu dài. “Đây cũng là bài toán lớn cần giải quyết sao cho có tình, có lý bởi nó đụng chạm đến thân phận và lợi ích của từng con người”. Bên cạnh đó, việc đổi mới trước hết phải bắt đầu từ cấp trên, từ Trung ương và bộ ngành thay vì bắt đầu từ cơ sở như cách làm lâu nay.

Khó cũng phải làm
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thì việc sắp xếp lại bộ máy khó mấy cũng phải làm. Không phải bây giờ việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy mới được đặt ra mà trong quá khứ Đảng ta đã nhiều lần đề cập đến. Dù vậy có thể nói, thời gian qua công tác này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt hiện nay, có hiện tượng càng tinh giản thì bộ máy càng phình to. Vì vậy, việc quyết tâm tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy lúc này là việc cần, cấp thiết phải làm ngay, thậm chí có thể nói đây là việc sống còn.

Trong đó, các cơ quan của Đảng phải là nơi đầu tiên thực hiện tinh giản bộ máy, vì ở nước ta Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo. Nếu bộ máy Đảng vẫn cồng kềnh thì hiệu quả lãnh đạo suy giảm. Tiếp đến, bộ máy chính trị - hành chính cũng đòi hỏi phải nhất thể hóa cao hơn, tức các cơ quan giữa bên Đảng và bên chính quyền nếu thấy có chức năng nhiệm vụ chồng chéo, trùng lặp nhau thì phải sáp nhập lại, tránh nhiều cơ quan cùng làm một việc.

“Tinh” ai, “giản” ai, sáp nhập thế nào là việc rất khó và nhạy cảm vì nó đụng chạm đến quyền lợi cá nhân của nhiều lãnh đạo nhưng không thể không làm. Theo đó, về cơ cấu tổ chức bộ máy và sắp xếp con người phải nắm vững nguyên tắc sau; Thứ nhất, không phải cơ quan Trung ương có vị trí nào thì địa phương phải có cơ quan đó. Trung ương có nhiều việc phải quản lý ở tầm vĩ mô, hay quan hệ đối ngoại. Thứ hai, tính hợp lý của các cơ quan tổ chức cũng cần được xem xét, cơ quan đó ra đời có rõ chức năng nhiệm vụ không. Nếu rõ là cần thiết, còn nếu không rõ thì không thể thành lập ra cơ quan đó được. Thứ ba, cần nghiên cứu một cơ quan làm nhiều việc, chứ bây giờ có hiện tượng nhiều cơ quan cùng làm một việc. Như vậy sẽ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng không ai làm.
“Tôi vừa đến một cơ quan thấy hiện tượng chuẩn bị 1 cái micro cho thầy lên lớp mà 3 bộ phận lo. Một bộ phận xuất micro ra có thủ tục giấy tờ, bộ phận đưa lên ráp máy móc trên bục giảng, bộ phận thứ 3 lo mua pin. Chỉ như vậy đã thấy bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả”- ông Phúc nói.

Thu hẹp đầu mối hay là “chưng cất” cán bộ
Còn với ông Lê Thanh Vân - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thì tinh giản biên chế cần bắt đầu từ trên xuống. Theo ông Vân, bộ máy Nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nói riêng của ta hiện nay còn quá nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả, chức năng nhiệm vụ của nhiều cơ quan chồng lấn.

Qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua cho thấy thực tế này đã đến mức báo động, nhất là tình trạng bộ máy sinh ra quá nhiều tầng nấc trung gian, quá nhiều đầu mối, từ đó dẫn đến nhiều nơi số lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Chỉ cần tinh giản được bộ máy theo hướng thu hẹp đầu mối, thống nhất một việc chỉ giao cho một đầu mối thực hiện thì đã có thể giảm được 50% biên chế hiện nay.

Việc thu hẹp đầu mối này cũng cần đi đôi với việc “chưng cất” về cán bộ, công chức, kiên quyết loại bỏ những cán bộ công chức thiếu năng lực, suy thoái ra khỏi bộ máy. Để cải cách bộ máy có hiệu quả, Đảng phải đi tiên phong. Cụ thể phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Đảng để tiên phong cắt giảm đầu mối, có thể theo hướng lồng ghép cơ quan Đảng vào cơ quan Nhà nước với những chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm đầu mối.

Tinh giản biên chế chưa thực sự trở thành động lực từ bên trong mà chỉ là áp lực từ bên ngoài dẫn đến việc xem tinh giản như một việc bất đắc dĩ phải làm, áp lực chưa lớn thì chưa thực hiện hoặc thực hiện một cách hình thức. Điều đáng nói là trong những năm qua chưa thấy ai được khen vì giảm biên chế, chưa thấy ai bị kỷ luật vì để biên chế tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biên chế vẫn âm thầm tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO