Bộ sưu tập hàng ngàn bài báo viết về Bác Hồ

Phan Thu Hương 17/05/2020 07:30

Trong số 120 bộ sưu tập với hàng ngàn bài báo viết về nhiều đề tài của vợ chồng nhà báo, nhà sưu tập Trần Thanh Phương (nguyên Phó Tổng biên tập Báo Đại Đoàn kết) trưng bày tại Phòng Báo chí Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, có bộ sưu tập Báo chí viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

7 cuốn sách, mỗi cuốn là một gram giấy khổ 28x 40cm (A3) 500 trang, dán các bài báo cắt trên các tờ báo Việt Nam xuất bản từ trước năm 1975 đến nay.

Bộ sưu tập hàng ngàn bài báo viết về Bác Hồ

Bộ sưu tập Báo chí viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi bài báo dài, ngắn khác nhau, có khi là một tin vắn, đều ghi rõ xuất xứ (tên báo, ra ngày tháng năm nào). Tổng cộng có khoảng 3.500 bài (chưa đầy đủ), mỗi bài đều in kèm một hoặc hai tấm ảnh Bác Hồ phù hợp với nội dung bài. Trong số lượng trên, có 400 bài viết về Bác Hồ đăng trên báo Tết Nguyên đán (báo Xuân truyền thống). Tác giả của hàng ngàn bài báo trong bộ sưu tập đủ các giai tầng xã hội: cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các trí thức, học giả, văn nghệ sĩ, các nhà báo, người lao động bình thường ở Việt Nam và quốc tế. Bài viết về Hồ Chủ tịch nhiều nhất vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chiến thắng Điện Biên Phủ, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hàng ngàn bài báo đó được viết ra trước hết là lòng cảm phục, kính trọng, yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dành hết cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh với tâm niệm “Một ngày mà nước nhà chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được độc lập, thống nhất, nhân dân chưa được ấm no hạnh phúc là môt ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Để thực hiện được ước mơ thiêng liêng đó, thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành , 21 tuổi, dáng mảnh khảnh với hai bàn tay trắng, đã dấn thân tìm đường cứu nước suốt 30 năm trường.

Ngày 2/9/1945, trên lễ đài, trong bộ quần áo ka ki màu trắng, đôi má gầy hóp, chòm râu lưa thưa, Chủ tịnh Hồ Chí Minh (55 tuổi), bằng giọng Nghệ An quê nhà (dù ly hương từ năm bảy tuổi) đã dõng dạc đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đang đọc, Người đột ngột hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”?, do người xứ Nghệ nói nặng giọng, khó nghe. Vì thế có viết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu bản nhạc cũng không kể hết công lao của Bác và tình cảm của mọi người dành cho Bác. Không ai bảo ai, không biết thời gian nào, ở đâu, nhưng từ người nhiều tuổi hơn Chủ tịch, đến các em thiếu nhi đều gọi Chủ tịch là Bác, là Cha (đồng bào Nam Bộ hay gọi Cha già). Xin kể một vài chuyện cảm động:

Năm 1947, kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 tại chiến khu kháng chiến Đồng Tháp Mười, chiến sĩ, họa sĩ trẻ Diệp Minh Châu (1919-2002) trích máu vẽ bức tranh ba em thiếu nhi vây quanh Chủ tịch và viết thư gửi tặng Chủ tịch với cách xưng hô ruột thịt:

“Kính gởi Cha già Hồ Chí Minh.

Kính Cha. Từ hai năm nay, tin Cha, sống theo tiếng gọi của Cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ Quốc đoàn khu Tám. Cách mạng tháng Tám mà Cha già lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay, trong cảnh vĩ đại của ngày Độc lập chưa từng có ở Nam Bộ sau khi nghe Lời “Tuyên ngôn Độc lập”của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của Cha , và lời ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn thiếu sinh Nam Bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em nhỏ Trung- Nam- Bắc đang xúm đầu lại dưới chòm râu của Cha trên nền lụa mà quân đội ta đã đánh tan quân địch chiếm lấy ở trận Giồng Dưa hồi tháng 4/1947.

Thấy máu con chảy, mọi người hoảng hốt băng bó, lo ngại. Con trả lời: “Máu con là máu của Cha truyền cho, máu của con là máu của dân tộc, con có dám làm gì hao phí máu con đâu!. Tất cả thân con, đời con là của Cha rồi.

Con trân trọng gửi bức họa bằng máu của con đây lên Cha già để tỏ lòng biết ơn Cha đã giải phóng cho nghệ thuật của con, đã tạo cho thể xác và linh hồn con thành lợi khí đấu tranh của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.

Họa sĩ Diệp Minh Châu là một đại biểu trong Đoàn đại biểu Nam Bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp ở Việt Bắc tháng 2-1951. Sau Đại hội, ông được ở lại với Bác đến tháng 7/1951. Ông kể: “Đây là thời gian hạnh phúc nhất của tôi, tất cả các tác phẩm về Bác, tôi đều phác họa vào thời gian này”. Sau đó, Chính phủ cho ông sang Tiệp Khắc học mỹ thuật. Năm 1955, về nước, được đặc cách công tác tại Phủ Chủ tịch để vẽ và điêu khắc tượng Bác Hồ, trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc tượng Bác Hồ nhiều nhất, thành công nhất.

Hàng chục bài báo trong bộ sưu tập còn cho bạn đọc biết nhiều câu chuyện cảm động khác. Đó là việc đồng bào Nam Bộ làm nhà thờ Bác Hồ. Sống trong vùng tạm chiếm của Mỹ- ngụy, mọi tin tức về Bác đều bị bưng bít. Nhưng lòng dân vẫn hướng về Cha già Hồ Chí Minh mà giữ vững lòng tin “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.”. Ngày 3/9/1969, tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần trở thành tin nóng được truyền miệng nhanh nhất. Việc đầu tiên là cán bộ, du kích xóm, ấp-bí mật họp khẩn bàn chuyện dựng bàn thờ dã chiến để dân có nơi thắp nén nhang cúng Bác. Chúng ta sẽ không lạ, khi biết rằng ở Nam Bộ đã mọc lên nhiều Đền thờ Bác Hồ bằng cây lá rừng, ngay trong tuần lễ quốc tang, bất chấp sự phá hoại của giặc như Nhà thờ Bác Hồ ở Long Đức (Trà Vinh). Tỉnh nào cũng có vài Đền thờ Bác Hồ, nhiều nhất là ở Cà Mau. Sau giải phóng, thống kê Cà Mau có 21 Đền thờ Bác Hồ mọc lên trong rừng tràm, rừng đước hẻo lánh.

Xây đền thờ đã khó, việc tìm ảnh Bác để thờ còn khó hơn nhiều lần. Cái khó không bó được cái khôn. Có người còn cất giấu đồng tiền Cụ Hồ, đưa ra làm ảnh thờ. Họa sĩ Phong Ba ở Trà Vinh vẽ bằng trí nhớ mà ông được xem ảnh Bác khi học lớp mỹ thuật kháng chiến chống Pháp ở Bến Tre, đã vẽ ảnh Bác đặt trong đền thờ xã Long Đức

Đang học trường Mỹ thuật Gia Định, ngày 4/1/1960, họa sĩ Tam Bạch (Nguyễn Ngọc Thừa, quê Tây Ninh) bị bắt vì hoạt động bí mật. Qua sự mô tả của một số tù nhân lớn tuổi đã có dịp thấy ảnh Bác hồi chống Pháp, rồi nhờ ông Độ lớn tuổi cùng phòng giam có nét giống Bác, ngồi làm mẫu, họa sĩ Tam Bạch đã vẽ bức ảnh Bác Hồ để thờ ngay trong nhà tù Chí Hòa (Sài Gòn).

Chuyện Bác Hồ đi chúc Tết. Nhiều bài báo viết về chuyện này. Tết Bính Tuất 1946 là Tết đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Tối 30 Tết, nhằm thứ sáu, ngày 1/2/1946. Bác bảo đưa Bác đi thăm một số gia đình Tết nghèo, gia đình Tết vừa, gia đình Tết khá và gia đình Tết sang. Đi ít người để giữ bí mật, bất ngờ. Sau chuyến đi, Bác cải trang như một cụ già, chen chúc trong dòng người đông đúc vào Đền Ngọc Sơn đón Giao thừa. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Bác mới có dịp đi thăm , chúc Tết một số người nghèo, gia đình liệt sĩ, những lão thành cách mạng... Tết nào Bác cũng nhắc Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng quan tâm cho người nghèo có Tết.

Ngày 16/2/1951 (mồng 1 Tết Tân Mão) ở Bắc Kạn, Bác chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Đêm Giao thừa quây quần bên bếp lửa hồng, uống rượu chiến lợi phẩm, kể chuyện tết, chuyện tiếu lâm vui vẻ, không phân biệt tuổi tác. Một cán bộ trẻ bỗng ra câu hỏi:

- Thưa Bác, tại sao Bác không lập gia đình?

Mọi người ngưng bặt, nín thở. Ngọn lửa như cũng ngưng bập bùng. Giọng Bác lắng sâu: “Người ta ai cũng muốn có gia đình. Bác cũng là người như các chú. Nhưng các chú xem hoàn cảnh của đời Bác không cho phép. Bây giờ thì muộn rồi. Gia đình Bác là tất cả các cô các chú. Là tất cả bà con đồng bào.”.

Đêm tàn. Một ngày mới đến. Bác lại bận rộn cho công việc Đại hội Đảng lần thứ II khai mạc vào ngày mồng 6 Tết.

Nửa thế kỷ Bác về với thế giới người hiền, không có con thừa tự nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân ta vẫn kỷ niệm ngày Bác từ trần. Phần lớn gia dình Việt Nam vẫn thờ Bác. Đặc biệt có nhiều gia đình, nhóm cựu chiến binh, làm mâm cỗ giỗ Bác như giỗ ông bà, cha mẹ.

Bác Hồ là người ân nghĩa sâu nặng. Bác ghi lòng tạc dạ và đền đáp xứng đáng những người đã giúp đỡ Bác trong quá trình hoạt động cứu nước.

Chuyện rằng, Tống Văn Sơ (bí danh của Bác) đang hoạt động ở Hồng Kông thì ngày 6/6/1931 bị mật thám bắt giam. Luật sư Lô-dơ-bai (người Anh sống ở Hồng Kông ) can thiệp cho Bác ra khỏi nhà tù. Rồi lại bị chính quyền Singapore trả lại nhà tù. Luật sư lại dùng mối quan hệ quen biết Thống đốc Hồng Kông mà bảo lãnh ra, tìm chỗ ở an toàn và phu nhân luật sư là người được chồng giao hàng ngày nấu cơm mang đến cho người tù đặc biệt mà ông luật sư cảm thấy quý mến qua ánh mắt, qua cách nói chuyện thông minh. Năm 1960, người tù Tống Văn Sơ xưa - Chủ tịch Hồ Chí Minh - mới có dịp mời Luật sư Lô dơ bai, phu nhân và cô con gái, sang Thủ đô Hà Nội để tỏ lòng biết ơn sâu sắc người cứu mạng. Luật sư Lô-dơ-bai và vợ con rất xúc động, cảm kích trước tấm thịnh tình của Chủ tịch nước Việt Nam.

President- Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ, Cha già, “Người thợ dựng thành đồng” (Thu Bồn), là những biểu tượng cao quý cho độc lập tự do, là niềm vinh dự và tự hào muôn đời của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ sưu tập hàng ngàn bài báo viết về Bác Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO