Bồi dưỡng, giám sát cán bộ được điều động, luân chuyển

H.Vũ (thực hiện) 15/07/2019 08:00

Điều động, luân chuyển cũng là tạo điều kiện cho cán bộ có thêm thời gian rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành hơn, tạo nguồn nhân lực chất lượng để bố trí vào các vị trí lãnh đạo của địa phương cũng như Trung ương. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, sau khi điều động, luân chuyển như vậy sẽ chọn được cán bộ có đức, có năng lực; còn cán bộ mất tín nhiệm sẽ bị đào thải.

Bồi dưỡng, giám sát cán bộ được điều động, luân chuyển

Ông Phạm Văn Hòa.

PV: Thưa ông, công tác cán bộ được Đảng tiến hành mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, trong đó nhiều cán bộ đã được Trung ương điều về làm lãnh đạo tại các địa phương. Còn tại địa phương cũng có sự luân chuyển, điều động cán bộ. Ông đánh giá như thế nào về việc điều động, luân chuyển diễn ra trên phạm vi rộng?

Ông Phạm Văn Hòa: Những cán bộ được Trung ương điều về địa phương đều nằm trong diện quy hoạch, và nằm trong độ tuổi luân chuyển. Các cán bộ này được điều động về địa phương để làm lãnh đạo như: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch. Tôi cho rằng những cán bộ này đã qua chắt lọc, được thử thách ở Trung ương sau đó mới được điều về địa phương. Tất nhiên không thể đánh giá chính xác 100% qua năng lực trình độ, học vị, quá trình công tác, nhân thân, gia đình của từng người nhưng khi Trung ương điều về làm lãnh đạo ở địa phương thì hy vọng những cán bộ được điều động sẽ được địa phương ủng hộ, và bản thân các cán bộ đó cũng phải có tâm, có tầm, biết và hiểu tình hình ở địa phương, xâm nhập với địa phương. Đa số cán bộ được chọn đi luân chuyển đã qua chắt lọc, thuộc diện quy hoạch của Trung ương rồi cho nên những cán bộ này sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được phân công làm việc ở địa phương sau đó về Trung ương làm nhiệm vụ mới.

Còn ở cấp tỉnh thì có sự điều chuyển cán bộ về huyện, huyện thì điều về xã. Đây là bước để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp. Sang năm cùng thời điểm này Đại hội cấp cơ sở đã phải xong rồi, có những nơi đã Đại hội cấp huyện xong vì theo chỉ đạo tháng 8 phải xong Đại hội cấp huyện, còn tháng 10 là phải Đại hội cấp tỉnh. Cho nên đây là thời điểm ở cả Trung ương và địa phương phải chuẩn bị nguồn nhân sự dồi dào trong quy hoạch để bố trí cán bộ phù hợp với thực tiễn. Lúc Đại hội sẽ bầu chọn được người có hiệu quả, đạt hiệu quả cao. Có như vậy mới chọn được cán bộ có tâm, có tầm, có năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Tất nhiên sau khi sàng lọc như vậy, cán bộ nào có đạo đức, năng nổ, có năng lực, có phong cách, được sự tín nhiệm thì cán bộ đó sẽ trưởng thành. Còn cán bộ nào mất tín nhiệm thì sẽ bị đào thải ngay.

Ở khía cạnh khác, theo ông, địa phương cần tạo điều kiện như thế nào để cán bộ thuộc diện được luân chuyển có thể phát huy hết khả năng của mình?

- Địa phương có trách nhiệm phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho cán bộ ở Trung ương được điều động luân chuyển có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng theo tôi cơ bản và căn cơ chính là cán bộ phải tự hiểu biết để làm sao vận động, nhập cuộc được ở địa phương. Không chỉ nắm được tình hình mà còn hiểu biết thực tiễn địa phương liên quan đến chính trị, đời sống, văn hóa của người dân nơi đó. Mỗi vùng miền đều có nếp sống, văn hóa riêng biệt với nhau cho nên khi về địa phương phải biết tập quán của địa phương đó và phải tìm hiểu tâm tư, tình cảm nguyện vọng của cán bộ, người dân nơi đó để mình tiếp thu và nhập cuộc. Bản thân anh phải hết sức cầu thị thì địa phương sẽ ủng hộ, chứ anh ỷ thế rằng có vai vế, thuộc diện Trung ương đi về làm lãnh đạo, “tối ngày trên mây” mà không nhìn thực tiễn dưới đất thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và địa phương sẽ tẩy chay ngay.

Vậy theo ông bản thân người được luân chuyển cũng phải có “chương trình hành động” riêng của mình để tạo được sự chuyển động cho địa phương thay vì chỉ là bước “tạo đà” để đi lên?

- Cán bộ ở Trung ương về địa phương là cán bộ đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn của địa phương như tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên tất cả các lĩnh vực, rồi tìm hiểu tâm tư, tình cảm của người dân, các hoạt động trong hệ thống chính trị tại địa phương. Do đó cán bộ được điều động phải tế nhị nắm bắt tình hình, khiêm tốn, thật thà, trung thực. Lúc đó địa phương sẽ ủng hộ và cán bộ sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Bởi không phải 100% cán bộ được luân chuyển điều động về địa phương thì sau đó sẽ quay trở lại Trung ương làm lãnh đạo. Tôi nghĩ những cán bộ nắm và hiểu biết được thực tiễn của địa phương sau này về Trung ương sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở Trung ương phân công. Vì cán bộ ở Trung ương mà không có thực tiễn tại địa phương thì sau này làm lãnh đạo rất khó do đó trong quy hoạch, luân chuyển đưa cán bộ ở Trung ương về địa phương là bước tạo điều kiện rất hợp lý để cán bộ trưởng thành.

Chúng ta cần có hình thức nào để bồi dưỡng, giám sát cán bộ luân chuyển để lựa chọn được cán bộ có trình độ, phát huy năng được lực, nhất là thời điểm Đại hội Đảng các cấp đang đến gần?

- Khi Trung ương đưa cán bộ về thì Trung ương đã có bộ phận giám sát. Các ban Đảng của Trung ương được phân công nhiệm vụ giám sát các cán bộ này, các địa phương theo từng địa bàn cũng sẽ giám sát cán bộ được luân chuyển. Bên cạnh đó, người dân ở địa phương và cán bộ nơi công tác cũng sẽ giám sát đối với cán bộ được luân chuyển về. Nghĩa là giám sát nhiều chiều, ở trên giám sát, ở dưới giám sát. Và chính bản thân cán bộ đó cũng phải thực hiện giám sát chính bản thân mình. Chúng ta hiện đã có cơ chế giám sát rất chặt chẽ, nhiều chiều, nhiều khía cạnh lĩnh vực. Cho nên cần tập trung trí tuệ để đánh giá cán bộ sau khi đưa về địa phương xem có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không? có năng lực trình độ, có tâm, có tầm hay không.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi dưỡng, giám sát cán bộ được điều động, luân chuyển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO