Cải cách thủ tục để tinh giản biên chế

H.Vũ (thực hiện) 28/07/2016 10:15

Hiện tốc độ tinh giản biên chế đang diễn ra quá chậm. Bình quân mỗi năm phải tinh giản 40.000 người thì hiện mới chỉ đạt hơn 15.000 người. Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, việc tinh giản biên chế đang quá chậm mà cái vướng chính là quy trình, thủ tục.

Cải cách thủ tục để tinh giản biên chế

Ông Trương Minh Hoàng. (Ảnh: Hoàng Long).

PV: Trong 2 năm 2015-2016 chúng ta mới chỉ tinh giản 15.779 người trong khi bình quân phải tinh giản 40.000 người/năm. Do đâu, thưa ông?

Ông Trương Minh Hoàng: Tôi đồng tình rất cao với chủ trương tinh giản biên chế. Tôi đi đến nhiều đơn vị cơ quan thực tế những cơ quan hành chính sự nghiệp, nhiều vị lãnh đạo cũng than phiền vì có một bộ phận anh em trong cơ quan không làm được việc. Việc tinh giản biên chế đang quá chậm mà cái vướng chính là quy trình thủ tục, thậm chí có người cán bộ công chức tình nguyện muốn đi ra ngoài, họ làm đơn tình nguyện muốn ra khỏi Nhà nước song đã là biên chế thì phải do Bộ Nội vụ quyết định. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ quy định người đó ít nhất phải có 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì mới được. Như vậy để 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì người đó phải làm chểnh mảng, và rồi tổ chức rất nhiều cuộc để kiểm điểm, kiểm thảo. Thủ tục rất vướng. Hay thủ tục một cơ quan đơn vị muốn cho một người nghỉ việc để nhận người khác vì biết người đó làm không tốt thì lại vướng thủ tục vì thường những người không hoàn thành nhiệm vụ làm ăn chểnh mảng lại rất muốn bám vào Nhà nước. Vì vậy tôi cho rằng, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền, kể cả bên tổ chức bên Đảng cũng cần có thủ tục cách thức đơn giản và gọn hơn thì tinh giản biên chế mới nhanh được.

Ông nghĩ sao về việc có 1.356 trường hợp tinh giản không đúng đối tượng?

- Nhầm ở đây không phải nhầm người mà là nhầm do quy định. Do quy định cán bộ đã vào biên chế phải 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì mới cho ra khỏi bộ máy. Nhưng nhiều trường hợp người ta muốn xin ra, tha thiết xin ra khỏi bộ máy nên nhiều địa phương cũng giải quyết cho họ nghỉ để nhận người mới vào. Người mới khi muốn vào Nhà nước để công hiến thì cũng phải thi tuyển, khi người mới trúng tuyển thì cho người xin ra khỏi bộ máy dù không phải 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Nhầm chính là áp theo quy định đó thì được coi là nhầm chứ không phải nhầm người.

Vậy chúng ra phải tháo gỡ ngay từ những quy trình, thủ tục?

- Bản thân tôi cũng nhận được một đơn đề nghị. Người đó bây giờ đã lớn tuổi, chỉ còn vài năm công tác nữa nên họ có nhu cầu xin ra khỏi Nhà nước để đi làm ăn kinh doanh, phục vụ gia đình. Nhưng thủ tục thì lại lòng vòng mất thời gian. Sau khi nhận được đơn tôi đã đến trao đổi với Sở Nội vụ thì họ nói biên chế phải tuân theo quy định của Bộ Nội vụ. Người ta có nguyện vọng thôi việc để hưởng chế trợ cấp 1 lần nhưng lại vướng. Do đó bây giờ cần thay đổi quy trình thủ tục, nhanh gọn. Muốn tinh giản được phải có chỉ đạo từ Bộ Nội vụ, còn bên Đảng thì phải có Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách thủ tục để tinh giản biên chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO