Cải cách thủ tục hành chính: Lắng nghe, phản hồi và hành động

Nguyên Khánh 01/01/2016 09:11

Năm 2015 có thể là coi là năm được mùa của cải cách hành chính (CCHC). Những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện thể chế kinh tế từ thực hiện Nghị quyết 19 đang thổi một luồng không khí mới vào nền kinh tế. Việc Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN ngày 31/12/2015 là một tín hiệu rõ rệt trong quá trình hội nhập của đất nước.

Cải cách thủ tục hành chính: Lắng nghe, phản hồi và hành động

Chạm mốc ASEAN 4

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng vào kinh tế khu vực và thế giới với một loạt hiệp định mới được ký kết; việc minh bạch hóa, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo cơ sở để các DN cạnh tranh bình đẳng, nâng cao năng lực DN quốc nội là điều kiện cần thiết. Để thực hiện những mục tiêu này, 2 nghị quyết mang tính đột phá là Nghị quyết 19 (Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ đã ra đời.

Hiệu quả từ việc thực hiện Nghị quyết là rất rõ. Chẳng hạn, thời gian nộp thuế đã giảm 370 giờ trong năm 2014 và 50 giờ trong năm 2015. Tổng thời gian giảm đến nay là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế). Những con số thống kê này không phải là “thành tích nội bộ” mà chính Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2016 (Doing Business 2016) mới công bố ngày 28/10/2015 đã khẳng định: Việt Nam đã vượt lên đứng thứ 90 trong tổng số 189 nền kinh tế được xếp hạng.

So với vị trí thứ 93 của năm 2015 Việt Nam đã tăng 3 bậc nhờ những cải cách mạnh mẽ từ 5 chỉ số có tác động lớn đến môi trường kinh doanh.

Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm cải cách mạnh mẽ nhất với nhiều chỉ số tăng hạng so với năm ngoái như: khởi sự kinh doanh (tăng 6 bậc, từ 125 của năm ngoái lên thứ hạng 119); tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc, từ 130 lên 108); tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc, từ 36 lên 28); nộp thuế (tăng 4 bậc, từ 172 lên 168).

Ghi nhận những nỗ lực trong đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư, bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã tạo ra những cải tiến thực sự cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo bà Victoria Kwakwa “môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện trong năm qua, đặc biệt là hai lĩnh vực hệ thống thông tin tín dụng quốc gia và giảm bớt chi phí thuế”.

Khẳng định Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong tương lai gần khi TPP có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sau những nỗ lực cải cách, năm 2015 lĩnh vực thuế và hải quan đã có thể vào nhóm ASEAN 6, thì cuối năm 2016 việc nắm chắc mục tiêu ASEAN 4 là điều có thể đạt được.

Phương châm hành động

Năm 2015 không phải là năm đầu tiên Đảng, Nhà nước lựa chọn CCHC là khâu đột phá. Tuy nhiên, nếu không quyết liệt đổi mới đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống thì sản phẩm Việt không những không cạnh tranh được mà thua ngay trên sân nhà - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Xuất phát từ thực tiễn như vậy, Chính phủ đã đồng lắng nghe, hành động và đồng hành cùng cộng đồng DN trong suốt năm qua bằng những hành động thiết thực.

Còn nhớ ngay trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương về việc thực hiện Nghị quyết 19 hồi giữa năm, ngay sau khi nắm bắt được thông tin từ Phó Chủ tịch UBND TP HCM Mai Hữu Tín rằng, “quy trình chọn nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo Nghị định 30 hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư phải mất 588 ngày. Đó là làm đúng quy định, còn thực tế có thể lâu hơn”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngay lập tức phải sửa đổi chính sách bởi chỉ “lựa chọn nhà đầu tư gì mà thủ tục mất 588 ngày thì làm sao công nghiệp hóa - hiện đại hóa; làm sao mà nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Thủ tướng nhấn mạnh, thủ tục, chính sách “chính chúng ta đặt ra và chúng ta phải sửa. Chúng ta phải quản lý nhưng cần phải cải cách cách thức quản lý, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi nhất cho người dân, DN”.

Lắng nghe, phản hồi, hành động đã trở thành phương châm hành động của Chính phủ năm 2015. Chúng ta không thể phủ nhận thực tế Chính phủ ngày càng chủ động và quyết liệt chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phối hợp với nhau, cả trong xây dựng, triển khai thực hiện và tiếp tục quá trình hoàn thiện chính sách cũng như tiếp thu kiến nghị và kịp thời chỉnh sửa, tháo gỡ những vướng mắc và bất cập chính sách, gây khó khăn cho DN.

Đây là những việc làm đúng đắn và là tín hiệu đáng mừng, cho thấy cách nghĩ, cách làm mới có trách nhiệm và hiệu quả hơn của các cơ quan công quyền, tăng khả năng phản ứng thị trường và cả phản ứng chính sách, sự điều hành tích cực, quyết liệt của Chính phủ, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hải quan, khởi sự kinh doanh… và những chính sách về hợp tác công tư được ban hành, sửa đổi trong thời gian ngắn đã thực sự làm thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh doanh, “tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn”. Có thể nói, việc mở rộng, tạo sự thông thoáng cho người dân, DN thỏa sức sáng tạo vì lợi ích của chính họ và đóng góp cho xã hội, không chỉ trên giấy tờ hay lời nói, mà còn đang được mở rộng bằng những hành động chính sách cụ thể của Chính phủ.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Dù đã đạt được những bước tiến về CCHC trong năm 2015, nhưng thời gian tới Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng.

PGS.TS Bùi Tất Thắng- Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các mục tiêu định lượng nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Tuy chỉ là những chỉ tiêu định lượng về cắt giảm số lượng các TTHC và chi phí thời gian, nhưng hết sức quan trọng vì đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm thực hiện đổi mới mở cửa, công tác CCHC có được những chỉ tiêu mang tính cam kết rõ ràng theo cách so sánh với các nước ASEAN để thực hiện và có sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao và rất quyết liệt của Chính phủ.

Cùng với việc thực hiện các mục tiêu định lượng nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP nêu trên, cần khắc phục cơ chế sinh ra những TTHC của giai đoạn vừa qua. Nếu không chú ý thỏa đáng đến khía cạnh này, công cuộc cải cách TTHC trở thành vô tận do cơ chế liên tục đẻ ra những thủ tục mới cần phải được cải cách. Về dài hạn, cần chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang việc nâng cao chất lượng chính sách. Việc cắt giảm các TTHC sẽ trở nên ít ý nghĩa nếu chất lượng nội dung các chính sách không được cải thiện (thậm chí rơi vào cách làm theo kiểu phong trào).

Đây là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và đòi hỏi phải có chương trình dài, kiên trì và thực chất là nội dung chính yếu của cải cách thể chế.

Theo đó, một mặt, chúng ta phải nắm vững tinh thần của cải cách: kinh tế thị trường đầy đủ và hội nhập; và mặt khác, nâng cao chất lượng (trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm/đạo đức công vụ) của đội ngũ công chức/viên chức, nhất là những người trực tiếp tham gia xây dựng chính sách.

Rất cần tránh các can thiệp vào giá mang đậm tính hành chính chủ quan, duy ý chí, tạo bình ổn giá hình thức, khiên cưỡng bằng cơ chế xin - cho hoặc kéo dài sự chênh lệch giá trong nước - nước ngoài, bán buôn - bán lẻ bởi độc quyền kinh doanh và sự hạn chế của hệ thống lưu thông phân phối và thông tin thị trường.

Cải cách thủ tục hành chính: Lắng nghe, phản hồi và hành động - 1

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã tạo ra những cải tiến thực sự cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện trong năm qua, đặc biệt là hai lĩnh vực hệ thống thông tin tín dụng quốc gia và giảm bớt chi phí thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách thủ tục hành chính: Lắng nghe, phản hồi và hành động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO