Cân nhắc bổ sung hình thức tố cáo tham nhũng

H.Vũ 17/02/2017 09:05

Hiện có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung hình thức tố cáo bằng các phương tiện khác như: điện thoại, thư điện tử, băng ghi âm vào Dự thảo Luật Tố cáo. Tuy nhiên cơ quan soạn thảo là Thanh tra Chính phủ không đưa vấn đề này trong Dự thảo Luật, khi cho rằng để đề cao trách nhiệm và ràng buộc nghĩa vụ của người tố cáo, nhất là trong trường hợp người tố cáo sai sự thật thì hình thức tố cáo phải được thể hiện bằng văn bản hoặc tố cáo trực tiếp, sau đó ghi lại bằng văn bản.

Điều đáng nói ngay cơ quan soạn thảo cũng nhận định, việc thực hiện quyền tố cáo của công dân trong thời gian qua tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều trường hợp, người tố cáo bị trả thù, trù dập nhưng không được các cơ quan nhà nước bảo vệ. Thực tiễn giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước cho thấy tố cáo nặc danh, mạo danh chiếm một tỷ lệ đáng kể. Nguyên nhân của tình trạng trên theo cơ quan soạn thảo là do chưa có một cơ chế bảo vệ người tố cáo hiệu quả để người dân tin tưởng và mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo của mình, đặc biệt là những tố cáo hành vi tham nhũng.

Do đó, Dự thảo Luật lần này đã quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Bình luận về việc không bổ sung hình thức tố cáo bằng các phương tiện khác như: điện thoại, thư điện tử, băng ghi âm vào Dự thảo Luật Tố cáo, Luật gia Đặng Quang Thắng, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: Hiện thư điện tử, hay băng ghi âm được coi là nặc danh nên không công nhận. Về nguyên tắc của pháp luật quy định như vậy là để tránh trường hợp lạm dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật.

Tuy nhiên hiện nay cũng cần phải có cơ chế để sàng lọc thông tin. Vì nhiều người biết chắc 100% đối tượng đó vi phạm pháp luật nhưng họ còn rụt rè hoặc vì lý do nào đó không dám tố cáo. Cho nên cơ quan chức năng phải coi đó là một kênh thông tin để lắng nghe, nắm thông tin. Nếu thông tin có cơ sở thì phải thụ lý. Theo ông Thắng, quan trọng là nguồn thông tin mà họ cung cấp có đáng tin cậy hay không? Hiện không phải ai cũng dũng cảm dám đấu tranh tố cáo tham nhũng vì lo sợ khâu bảo mật thông tin “có vấn đề”. Một khi để lộ ra lại ảnh hưởng đến họ cho nên nhiều người không dám chính danh tố cáo tham nhũng.

Trong khi đó, Ủy viên thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng, hiện nay vấn đề tố cáo của chúng ta cũng đang “có vấn đề” cho nên đòi hỏi phải “danh chính” trong tố cáo là vậy. Theo ông Xuyền, hiện tố cáo qua điện thoại có hình thức đường dây nóng thì khi họ gọi điện tố cáo cần xem xét cụ thể. “Tất nhiên mỗi cái đều có hai mặt, có mặt lợi mặt hại, nhưng nếu mở rộng ra được các hình thức mà phát huy được mặt tích cực của nó thì có thể sử dụng được. Hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa tốt nên người tố cáo cũng rất ngại”-ông Xuyền bày tỏ.

Theo PGS.TS Vũ Công Giao, Viện Chính sách công và Pháp luật, pháp luật Việt Nam, hiện vẫn chưa có một quy chế riêng về việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Các quy định của pháp luật hiện hành, đang có quá nhiều cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo trong khi thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế và chồng chéo, dẫn tới không có một cơ quan chuyên biệt để bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng. Để tố cáo thực sự là công cụ phát hiện tham nhũng hữu hiệu và khuyến khích người dân tham gia phòng chống tham nhũng, cần có một cơ quan chuyên trách bảo vệ người tố cáo tham nhũng được quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện đảm bảo hoạt động.

Theo Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), trong một kết quả khảo sát vào năm 2013 cho thấy, 51% người dân được hỏi cho rằng tố cáo tham nhũng không thay đổi được gì, còn 28% không dám tố cáo vì sợ phải gánh chịu hậu quả. Còn trong một khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, 62% người được hỏi nói lý do họ không tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân nhắc bổ sung hình thức tố cáo tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO