Cảnh báo thừa cấp phó khi sáp nhập bộ máy

N.Khánh 21/08/2018 06:33

Các vấn đề liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện xã, sẽ giải quyết vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy thế nào; có tồn tại tình trạng thừa cấp phó hay không; tiêu chí nào để bổ nhiệm người đứng đầu ở đơn vị sáp nhập; làm sao chống tình trạng chạy sáp nhập, chạy chức khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính… đã được các cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ thông tin tại buổi họp báo chiều 20/8.

Trả lời câu hỏi khi sáp nhập các huyện, xã có lo ngại chạy chức, quyền hay không và tiêu chí sáp nhập, tiêu chí lựa chọn người đứng đầu thế nào, ông Phan Văn Hùng- Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, Đề án về sắp xếp bộ máy chính quyền cấp xã đã tính đã đặt ra 10 nhiệm vụ giải pháp như, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo, người đứng đầu trong sắp xếp các đơn vị cấp xã, tăng cường thanh, kiểm tra giám sát việc thực hiện chủ trương sáp nhập này với việc triển khai cụ thể. Với những giải pháp như vậy hy vọng khi triển khai cụ thể sẽ đồng bộ, đạt kết quả tốt.

Với lo ngại tình trạng thừa cấp phó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng: Khi thực hiện chính sách ắt sẽ có độ trễ sau khi sáp nhập. Chặng hạn, nếu ta sáp nhập một cấp chính quyền nào đó vào năm 2018, có thể đến 2020 mới giải quyết ổn thỏa tình trạng thừa cấp phó. “Tới đây, việc sáp nhập các xã, huyện sẽ phải có chính sách kèm theo. Để cán bộ nếu có nghỉ do sáp nhập người ta cũng yên tâm. Quan điểm của Bộ Nội vụ là cố gắng sắp xếp theo quy định, tuy nhiên từng trường hợp cụ thể sẽ có lộ trình, xem xét kĩ lưỡng.

Về vấn đề bỏ 6 tổng cục của ngành Công an nhưng lại thành lập các cục thuộc bộ khiến số lượng cấp phó tăng cao, bà Đào Thị Hồng Minh- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế cho biết, có chuyện khi thành lập các cục thuộc bộ, cán bộ cấp phó có thể cao hơn so quy định nhưng đến 2021 số lượng cấp phó thực hiện đúng quy định.

Trả lời câu hỏi liệu có việc lợi dụng việc thu hút cán bộ trẻ để bổ nhiệm người nhà hay không? Ông Trương Hải Long- Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức cho biết, trước đây, quy định chưa cụ thể, cho nên các địa phương tự thí điểm chủ trương thu hút người tài. Do đó, có trường hợp vượt rào. Tuy nhiên, quá trình thanh, kiểm tra công vụ nếu việc thu hút người tài mà trái quy định chung của Trung ương, Bộ Nội vụ đều có kiến nghị sửa đổi.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho hay, vừa qua Chính phủ ra Nghị định 140 thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào nền công vụ. Bộ Nội vụ tính toán làm thế nào đãi ngộ tốt thì mới giữ chân được người tài.

Theo đó, tiêu chí thu hút khá rõ ràng, như đối tượng được thu hút phải xuất sắc, có bài báo đăng ở nước ngoài hoặc công trình cấp có thẩm quyền đánh giá, rồi học THPT phải đạt giải thưởng lớn, hằng năm cập nhật quá trình theo dõi, công khai, ai học tốt, giỏi người ta biết ngay…Sau khi nhận vào sẽ sàng lọc theo các tiêu chí cụ thể để người ta không cài cắm, lọt người không xứng đáng vào.

Về thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được Bộ Nội vụ thẩm tra từ năm 2015 đến ngày 6/8/2018 là 39.823 người. Trong đó, năm 2016 tinh giản được 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 7 tháng đầu năm 2018 cả nước tinh giản được 9.462 người.

Trong đó, tính theo chính sách được hưởng thì người hưởng chính sách về hưu trước tuổi là 34.515 người, hưởng chính sách thôi việc ngay là 5.234 người, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học là 29 người, hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước là 40 người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo thừa cấp phó khi sáp nhập bộ máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO