Cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với thế giới

(Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chủ nhiệm UBNN về người Việt Nam ở nước ngoài) 17/09/2019 10:00

Ngay từ năm 1905, cụ Phan Bội Châu đã sang Trung Quốc rồi Nhật Bản để vận động giúp đỡ phong trào Duy Tân; đưa hàng trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập chính trị và quân sự để về phục vụ cách mạng. Hay như cụ Phan Châu Trinh năm 1911 sang Pháp gặp Hội Nhân quyền, viết sách báo tố cáo thực trạng chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam.

Cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với thế giới

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường trong một buổi làm việc với Hội người Việt Nam tại Anh.

Tại Pháp, Nhóm người An Nam yêu nước được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập năm 1919 đã gây tiếng vang khi bản yêu sách của nhân dân An Nam được Nhóm soạn thảo và đưa đến Hội nghị Véc-xây. Giờ đây, với tên gọi Hội người Việt Nam tại Pháp, hội vẫn hoạt động tích cực và xây dựng cộng đồng vững mạnh, hướng về đất nước. Anh hùng Nguyễn Thái Bình trong thời gian sinh sống và học tập ở Mỹ đã tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam, trực tiếp tổ chức hàng chục sự kiện phản chiến khác nhau tại Mỹ vào những năm 1970. Đây là những hoạt động tiêu biểu của ngoại giao nhân dân đã được các nhân sĩ, trí thức ta sử dụng từ nhiều năm trước. Ngày nay, công tác đối ngoại nhân dân (ĐNND) được Đảng lãnh đạo, quan tâm và trở thành một trong ba trụ cột đối ngoại của nước ta bên cạnh đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, nhằm mục đích tuyên truyền, vận động nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước thực hiện chủ trương, chính sách hòa bình và ủng hộ đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Nhằm phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong việc thúc đẩy ĐNND, Đảng đã thông qua nhiều văn bản, đề ra chủ trương tăng cường vai trò của kiều bào trong công tác ĐNND như Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN); Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện NQ 36-NQ/TW trong tình hình mới… Đáng chú ý, nhiều kiều bào tiêu biểu từ những địa bàn có đông người Việt như Úc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Séc, Ba Lan, Nga… đã trở thành Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ). Nhờ đó, kiều bào có điều kiện hơn nữa trong việc đóng góp cho công tác đoàn kết, hỗ trợ cộng đồng ở sở tại, là cầu nối tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Sự đóng góp này đã khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc huy động sức mạnh tổng hợp của kiều bào trong công tác ĐNND.

Thứ nhất, kiều bào là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Những cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng NVNONN đã đóng góp thiết thực trong công tác ĐNND như Giáo sư Trần Thanh Vân- Việt kiều Pháp và Hội Gặp gỡ Việt Nam khởi xướng xây dựng công trình Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục chuyên ngành ICISE tại Quy Nhơn, tổ chức nhiều hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Bà Phan Thị Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam (HNVN) tại Hungary đã vận động xây dựng Tượng đài Hữu nghị Hungary-Việt Nam tại thành phố Paks; kết nối và giới thiệu các công ty Hungary thực hiện một số dự án tại Việt Nam như dự án “Xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia”, dự án cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, dự án hỗ trợ quản lý chất lượng không khí và khí thải công nghiệp… Hay như ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch HNVN tại Liên bang Nga được chính quyền Mát-xcơ-va đánh giá cao về trách nhiệm xã hội thông qua việc nhận hàng trăm lao động khuyết tật người Nga vào làm việc; duy trì mối quan hệ truyền thống với các tổ chức sở tại như Hội Hữu nghị Nga – Việt, Quỹ Hòa bình, các trường đại học của Nga.

Thứ hai, các Ủy viên kiều bào là nòng cốt hỗ trợ người Việt ở sở tại hội nhập. Bên cạnh những địa bàn cộng đồng có cuộc sống tương đối ổn định, ở một số nơi như Lào, Campuchia, Ăng-gô-la, kiều bào còn gặp khó khăn trong việc hội nhập sở tại như về mặt thủ tục pháp lý, đời sống kinh tế còn thấp… Tại những địa bàn này, kiều bào với tư cách Ủy viên UBTƯ MTTQ thể hiện vai trò của mình trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ bà con về mặt pháp lý; giúp đỡ bà con trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất; khởi xướng và tham gia tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí, quyên góp ủng hộ bà con còn khó khăn; kết nối các đoàn từ thiện trong nước với cộng đồng… Nhờ vào các hoạt động thiết thực này, cộng đồng NVNONN nhanh chóng hòa nhập vào xã hội của sở tại và ngày càng nâng cao địa vị pháp lý của mình.

Thứ ba, kiều bào góp phần duy trì văn hóa Việt, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam. Cộng đồng NVNONN đã, đang quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Thông qua kiều bào mà người dân sở tại biết đến Việt Nam, quan tâm đến các vấn đề liên quan tới Việt Nam. Kiều bào ta còn có những đóng góp thiết thực vào công tác đấu tranh bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền biển đảo Việt Nam thông qua việc sưu tầm, hiến tặng cho Nhà nước những tài liệu, bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các kiều bào tiêu biểu là những người khởi xướng và tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa như Hội chợ Tết Việt Nam tại Foottscray (Úc), tổ chức triển lãm báo ảnh, đưa báo chí Việt Nam và các sách lịch sử, văn hóa Việt vào các thư viện ở Úc; Viện Giáo dục và Văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, giới thiệu các chương trình học bổng cho sinh viên Việt Nam; tích cực duy trì các lớp học tiếng Việt tại Lào, Thái Lan…

Với những đóng góp quan trọng trên, trong bối cảnh vai trò của các nhân tố phi nhà nước ngày càng tăng trong đời sống chính trị của các nước, vai trò của cộng đồng NVNONN trong công tác ĐNND cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới, góp phần vào tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Để làm được việc này, cần tiếp tục vận dụng bài học kinh nghiệm về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc tế với sức mạnh trong nước. Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm một số nội dung sau:

Một là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước với ĐNND, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của NVNONN, từ đó phản ánh, kiến nghị Đảng và Nhà nước nghiên cứu, xây dựng chính sách mới hoặc sửa đổi, hoàn thiện chính sách cho phù hợp, quan tâm giải quyết thực chất những tâm tư, nguyện vọng của bà con, nhất là việc nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam. Có như vậy, kiều bào mới thấy được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với bộ phận “không tách rời của dân tộc Việt Nam”, đã được khẳng định tại Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị.

Hai là, cần hỗ trợ tổ chức hội đoàn NVNONN kiện toàn, củng cố, mở rộng và triển khai các hoạt động hướng về quê hương, đất nước; khuyến khích các hội đoàn tham gia vào công tác vận động, đấu tranh bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Với ý nghĩa đó, chúng ta cần có cơ chế hỗ trợ cho hội đoàn ở một số địa bàn trọng điểm, nhằm giúp họ có các hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước và hoàn thành được vai trò “là nhân tố thúc đẩy quan hệ Việt Nam với sở tại”.

Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phục vụ kiều bào. Mặc dù các báo lớn, báo điện tử, VTV, VOV đều có trang tin hoặc chương trình dành riêng cho NVNONN, song chưa đáp ứng được đầy đủ mong muốn của bà con. Nhiều thông tin trong nước, nhất là những vấn đề nhạy cảm hoặc thông tin xuyên tạc chủ yếu đi qua các tờ báo, truyền hình tiếng Việt do các lực lượng người Việt cực đoan tại những địa bàn đó nắm giữ, chi phối hoặc qua các trang mạng xã hội. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần mạnh dạn tiếp cận và tận dụng các kênh báo chí, truyền thông của kiều bào để cung cấp cho bà con kiều bào cái nhìn đầy đủ và đúng đắn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, tiếp tục xem xét mở rộng sự tham gia của kiều bào vào UBTƯ MTTQ để các tổ chức hội đoàn và lực lượng nòng cốt trong cộng đồng tham gia sâu rộng vào các hoạt động ở trong nước. Chỉ thị 45-CT/TW giao nhiệm vụ nghiên cứu thí điểm công nhận các chi hội NVNONN là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam… Trên tinh thần đó, cần mạnh dạn, nghiên cứu, thí điểm sự tham gia của kiều bào trong các hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội khác.

Nguyễn Quốc Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO