Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 9: Chủ động giải pháp đối phó các thách thức của hội nhập

Lục Bình 01/09/2015 19:14

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong hai ngày (31-8 và 1-9), Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8. Chiều nay 1-9 Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã họp báo, thông báo đến các cơ quan thông tấn báo chí về phiên họp này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời các vấn đề báo chí quan tâm

Nhiều chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, nhìn tổng thể tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục ổn định, chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, xã hội. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt. Những kết quả đạt được tạo điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề để cho thấy khả năng, trước hết là những tháng cuối năm nếu không có gì biến động đột xuất thì chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và gắn với đó là có tiền đề, triển vọng, có căn cứ, có cơ sở để đưa ra kế hoạch 2016 cao hơn kế hoạch năm 2015.

Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế nổi lên đó là những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với nông sản; những biến động của tình hình kinh tế quốc tế khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cho rằng, “Những biến động, thách thức của thị trường quốc tế đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chúng ta trong việc nắm sát tình hình. Phải nâng cao năng lực phản ứng chính sách; nhanh nhạy, kịp thời nhưng phải đòi hỏi chính xác, phải hiệu quả. Sự vật, hiện tượng đều có hai mặt, đòi hỏi phải ứng phó, phát huy mặt tích cực, đồng thời hạn chế tối đa mặt tiêu cực; không những thế, khả năng ứng phó còn đòi hỏi biến thách thức thành cơ hội, thành thuận lợi”.

Chủ động đối phó sự phá giá đồng nhân dân tệ

Trả lời về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và những giải pháp để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế? Bộ trưởng Nên cho biết, việc Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh giá đồng Nhân dân tệ đã tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực và Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư... và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động đến từng lĩnh vực, nhất là các thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường phối hợp, có đối sách phù hợp, tận dụng tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và các Bộ, ngành để đánh giá những biến động giảm mạnh của giá dầu thế giới, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỉ giá của nhiều nước trên thế giới, để đưa ra các đối sách phù hợp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất; theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực; có phương án cho các kịch bản có thể xảy ra, kể cả trường hợp xấu nhất; chủ động thông tin tình hình, dự báo và các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, ứng phó phù hợp.

Trả lời về việc giá dầu thô thế giới giảm sâu có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách và giải pháp để bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách trong thời gian tới? Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin: Ngay từ đầu năm 2015, trước tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản điều hành bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách nhà nước và tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu để bù cho số giảm thu từ dầu thô.

Đến hết tháng 8 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 67,8% dự toán cả năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, thu nội địa đạt 71,9%, thu từ xuất nhập khẩu đạt 62,3%; riêng thu dầu thô mới chỉ đạt 50,7% dự toán. Các Bộ, ngành chức năng đã báo cáo Chính phủ các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản giá dầu tiếp tục giảm sâu. Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách nhà nước năm 2015 vẫn bảo đảm theo kế hoạch đề ra và quyết tâm thực hiện thu đạt và vượt dự toán.

Nhiều bất cập liên quan đến thi cử

Trả lời câu hỏi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là khâu xét tuyển đánh giá và quan điểm của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được thực hiện theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm làm giảm áp lực thi cử và lãng phí cho xã hội, phản ánh kết quả học tập của học sinh khách quan, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Tuy nhiên, trong khâu sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng đã bộc lộ một số bất cập do lỗi kỹ thuật liên quan đến quy trình đăng ký và thay đổi nguyện vọng, thời gian xét tuyển.

Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về những hạn chế, bất cập của tuyển sinh đại học đợt 1 và kịp thời điều chỉnh trong tuyển sinh đợt 2, cụ thể thí sinh sẽ không điều chỉnh nguyện vọng đăng ký và thời gian đăng ký cũng sẽ ngắn lại. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tổng kết, đánh giá toàn diện về việc tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng khảng định: Những vấn đề kỹ thuật chưa được khắc phục như đăng ký thời gian quá dài, đăng ký nhiều chỉ tiêu…Bộ đã nhận trách nhiệm. Vì vậy, trong đợt 2, các giải pháp đã được tăng cường để khắc phục như, chỉ đạo các Sở mở các kênh đăng ký tại trường phổ thông và Sở để giảm chi phí, phiền hà cho thí sinh và gia đình, khắc phục hạn chế cua việc đăng ký nhiều chỉ tiêu, thay đổi chỉ tiêu, không đổi nguyện vọng… Thí sinh có thể nộp phiếu đăng ký xét tuyển tại nơi thuận lợi nhất, tại trường Đại học, Sở GD&ĐT hay gửi qua bưu điện thay vì phải đến tận trường nộp hồ sơ xét tuyển như đợt 1.

Tại phiên họp báo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và đại diện các Bộ, ngành cũng đã trả lời một số vấn đề báo chí quan tâm như, kiến nghị nhập giảm thuế nhập khẩu xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất, tình trạng lạm thu trong nhân dân. Đối với phương án điểu chỉnh mức lương tối thiểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khảng định: Sắp tới Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên thứ 3, nếu không có kết quả thì Chủ tịch Hội đồng sẽ chọn phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 9: Chủ động giải pháp đối phó các thách thức của hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO