Chính quyền tinh gọn, giải quyết tốt hơn yêu cầu của dân

Lục Bình 09/10/2018 01:00

Chính quyền đô thị là gì? Phải chăng là chính quyền tinh gọn hiệu lực hiệu quả, minh bạch, đủ thẩm quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm giải quyết tốt hơn yêu cầu của người dân, đảm bảo an toàn bình yên, đáp ứng yêu cầu phát triển, chính quyền xanh, thông minh…

Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các bộ ban ngành Trung ương vào Dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội diễn ra sáng qua 8/10.

Chính quyền tinh gọn, giải quyết tốt hơn yêu cầu của dân

Quang cảnh Hội thảo.

Thí điểm chậm sẽ bỏ lỡ những cơ hội vàng

Dự thảo Đề án đề xuất 2 phương án định hướng thiết kế thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn). Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).

Theo đó, tổ soạn thảo đề nghị, trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội theo phương án 1. Nếu được tổ chức thực hiện theo phương án này thì có 2 phương án về lộ trình thực hiện, bao gồm: Thứ nhất là thực hiện thí điểm đồng thời việc không tổ chức HĐND tại xã, phường, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026; thứ hai là thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại phường trước từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026-2031

Góp ý kiến vào Đề án, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, đất nước càng trong giai đoạn khó khăn thì càng cần sự đột phá về thể chế.

Ông Trung nhận định: Mô hình 2 cấp chính quyền là khả thi, tuy nhiên phải làm rõ, tư cách pháp lý của cấp hành chính xã phường là như thế nào? Phải làm rõ thẩm quyền của từng cấp chính quyền và phải đặt trong tổng thể chung giữa chức năng nhiệm vụ của Chính phủ và chức năng của thị trường. Tuy nhiên cá nhân ông Trung cho hay, trong đề án của Hà Nội hiện vấn đề này chưa rõ.

Mục đích của xây dựng Đề án là tạo cơ hội cho Thủ đô phát triển, cách đặt vấn đề như Đề án thì sợ là cơ hội vàng cho phát triển Hà Nội sẽ bị bỏ lỡ, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói. Lý giải về lý do những cơ hội vàng sẽ bị bỏ lỡ theo ông Kiên về lộ trình thực hiện Đề án là hơi chậm. vì Kết luận 22 cho phép áp dụng cơ chế thí điểm, thì phải chăng ta nên mạnh dạn lựa chọn một số phường làm điểm từ 2018 – 2020.

Phân cấp đi kèm giám sát để tránh lạm quyền

“Cần phân cấp phân quyền như thế nào để cho Hà Nội phát triển, giảm tải công việc của các cơ quan Trung ương chúng tôi hoàn toàn đồng tình” - ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đưa ra ý kiến. Tuy nhiên, theo ông Dũng, hầu hết các quy định về thẩm quyền đang nằm ở các luật, do đó cần rà soát, nằm ở đâu, phân cấp phân quyền như nào cho hiệu quả. Trong khi đó, việc phân cấp, phân quyền trong Đề án cỏn chưa rõ. Cần cụ thể rằng sau khi được Trung ương phân cấp thì Hà Nội sẽ phân cấp thế nào, cần tính toán định hình cụ thể để khi đươc thông qua là thực hiện được ngay.

Về tính dự báo của Đề án theo đại diện Bộ Tư pháp, Đề án này còn chưa đảm bảo theo quy định của luật và tính thuyết phục chưa cao. Đặc biệt, đánh giá về tổ chức bộ máy và con người cần kỹ hơn khi thí điểm thực hiện Đề án.

Ông Trần Việt Hùng - Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng góp ý rằng, Hà Nội không nên xây dựng 2 phương án mà chỉ nên chọn một phương án để thực hiện và phải kiến nghị rõ từng vấn đề. Quan trọng là chính quyền đô thị ấy làm thế nào cung cấp thông tin dịch vụ tốt hơn, đáp ứng kỳ vọng của người dân tốt hơn trước. Muốn thế bộ máy lãnh đạo trước hết phải thông minh để điều hành thành phố thông minh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho rằng, mục tiêu của Đề án là phải làm sao để đời sống người dân khá lên. Thành phố mạnh hơn, việc phát huy dân chủ tăng cường hơn, Theo đó, Đề án xây dựng thận trọng và theo hướng vừa đảm bảo tiến độ nhưng phải thận trọng. Về vấn đề phân cấp, bà Bùi Thị Thanh cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở nhưng cần đi kèm với giám sát để hạn chế lạm quyền.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, Chính quyền đô thị không phải điều gì mới, chúng ta đã loay hoay nhiều nhiệm kỳ rồi. Chúng ta đã thí điểm 10 năm bỏ HDND phường nhưng mong muốn chính quyền ấy hoạt động hiệu lực hiệu quả, minh bạch, làm thế nào đáp ứng nhu cầu người dân tốt hơn, đáp ứng tốt hơn năng lực cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới.

Nếu càng phân cấp mạnh thì nguồn thu tăng. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đầu khoá này Hà Nội ra Nghị quyết 41, đã kiểm điểm giữa nhiệm kỳ và tới đây sẽ ra nghị quyết mới về vấn đề phân cấp, phân quyền. Bởi chính sự phân cấp này sẽ đánh giá được cán bộ, ai làm được chưa được là rất rõ.

Về khái niệm chính quyền đô thị là gì Bí thư Thành ủy Hà Nội đặt câu hỏi: Phải chăng là chính quyền tinh gọn hiệu lực hiệu quả, minh bạch, đủ thẩm quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm giải quyết tốt hơn yêu cầu của người dân, đảm bảo an toàn bình yên, đáp ứng yêu cầu phát triển, chính quyền xanh, thông minh…? Hà Nội sẽ tiếp thu kết quả Hội thảo đưa vào Đề án làm rõ mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị thành phố Hà Nội - ông Hoàng Trung Hải nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính quyền tinh gọn, giải quyết tốt hơn yêu cầu của dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO