Chống lợi ích nhóm

Việt Thắng 20/09/2017 05:00

Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, định hướng phòng chống tham nhũng cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa đối với hình thức lợi ích nhóm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp chiều ngày 19/9. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN.

Phòng ngừa tham nhũng còn hình thức

Nhận định về Báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2017, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác này và đạt được kết quả trên nhiều mặt, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Thể chế về PCTN tiếp tục được hoàn thiện.

Tuy nhiên, Báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác PCTN năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng so với năm 2016; chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác PCTN đã tồn tại qua nhiều năm.

Theo Ủy ban Tư pháp, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chưa phát huy hiệu quả. Ở một số nơi, mặc dù đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhưng vẫn còn tình trạng thiếu trách nhiệm, vi phạm thời hạn trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Đánh giá PAPI 2016 cho thấy: Vẫn có tới 10% người đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chờ từ 100 ngày trở lên. Khoảng 23% cho biết họ đã phải đưa “lót tay” mới làm xong thủ tục, 10% phải đi qua môi giới và 20% phải đi lại hơn 5 lần mới xong việc.

Vẫn theo Ủy ban Tư pháp, cải cách bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu, tình trạng tăng đầu mối các cơ quan ở nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; số lượng biên chế được tuyển dụng vượt số được cấp có thẩm quyền giao còn diễn ra phổ biến; tình trạng bổ nhiệm số lượng lãnh đạo nhiều hơn quy định, thậm chí có nơi lãnh đạo nhiều hơn công chức vẫn còn diễn ra. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và đòi hỏi của xã hội.

Ông Đỗ Văn Đương- phó ban Dân nguyện cho rằng, trong công tác PCTN, lực lượng thanh tra năm nào cũng nói kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn ha đất nhưng thực tế thu được ít, chứng tỏ đối tượng bị kiến nghị thu hồi cố tình vi phạm. Đối với vụ việc lớn qua thanh tra phải công khai rộng rãi, công bố kết luận thanh tra cho đúng thời hạn quy định. “Như vụ giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường ở Yên Bái tại sao không công bố? Trong khi đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất đúng thời hạn, tạo ra sự quan tâm đặc biệt và đồng tình ủng hộ cho nhân dân”- ông Đương đặt vấn đề.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Báo cáo của Chính phủ chưa chỉ ra nguyên nhân của tội phạm tham nhũng là gì, từ công tác tư tưởng, chính trị, quản lý cán bộ, đảng viên hay ý thức của mỗi cá nhân có trọng trách bởi tham nhũng gắn với quyền lực. Phải tìm ra nguyên nhân của tội phạm tham nhũng từ đâu mới góp phần chấn chỉnh công tác quản lý, đề cao trách nhiệm, xử lý có tình, có lý, đáp ứng nhiệm vụ đề ra.

Xử lý người đứng đầu chưa tương xứng

Từ thực trạng công tác PCTN chưa đạt yêu cầu đề ra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, một trong những nguyên nhân là do việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Vẫn còn có nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu do có sai phạm và xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. “Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm. Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp.

Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ”- Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, định hướng PCTN cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa đối với tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”. Việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ, việc còn để kéo dài.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội. Quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không sử dụng tiền mặt. Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, thời gian qua Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rất cương quyết. Nhân dân cho rằng Chính phủ chưa chống tham nhũng mạnh bằng Đảng. Cụ thể là những vụ việc gần đây chủ yếu do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện xử lý, còn Thanh tra của Chính phủ thì chưa được nhiều.

Ông Thanh nói: “Qua tiếp xúc cử tri, cử tri phản ánh vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức cũng khá nhiều. Nhưng những vụ việc, tỷ lệ xử lý sai phạm chưa được nhiều, chưa củng cố được niềm tin của nhân dân. Do đó đề nghị lãnh đạo Quốc hội yêu cầu kiểm toán, thanh tra Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thanh tra kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2018”.

Kê khai nhiều, xác minh ít

Trong năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 77 người/1.113.422 người đã kê khai (chiếm 0,007%), kết quả xác minh phát hiện 3 trường hợp vi phạm, giảm nhiều so với các năm trước (năm 2016 xác minh đối với 414 người, năm 2015 xác minh đối với 1.225 người). Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống lợi ích nhóm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO