Coi trọng lợi ích của nhân dân trong việc kinh doanh và đảm bảo môi trường

Dạ Yến - Hà Ngân (ghi) 01/07/2016 21:45

Ngày 1/7, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của đơn vị gây ra cá chết ở miền Trung đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân từ đó phát đi thông điệp: Các doanh nghiệp đầu tư trong nước và nước ngoài phải thực sự coi trọng lợi ích của nhân dân trong việc vừa kinh doanh vừa đảm bảo môi trường. Cũng tại cuộc họp

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường còn chậm

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị gây ra cá chết ở miền Trung đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đồng thời phát đi thông điệp từ đây trở đi các doanh nghiệp đầu tư trong nước và nước ngoài phải thực sự coi trọng lợi ích của nhân dân trong việc vừa kinh doanh vừa đảm bảo môi trường.

“Chúng tôi tin rằng sắp tới các địa phương, các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giúp chúng ta duy trì được trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Cũng theo người đứng đầu Mặt trận, trong tháng 6 vừa qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã có chương trình ký kết phối hợp để hỗ trợ nhân dân bị thiên tai đi kèm làgiám sát hỗ trợ ở các địa phương.

4 Đoàn giám sát của Trung ương đã tiến hành giám sát tại 4 tỉnh. Trong đó giám sát tại Hà Tĩnh do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì; giám sát tại Quảng Bình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì; giám sát tại Quảng Trị do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS HCM chủ trì; giám sát tại Thừa Thiên Huế do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì.

Qua tổng hợp báo cáo của 4 Đoàn giám sát tại 4 tỉnh cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại kịp thời, đúng đối tượng, ít sai sót.

Thứ nhất là hỗ trợ gạo, theo đó các địa phương đã hỗ trợ 4.309 tấn gạo đến 40.043 hộ dân.

Thứ hai là hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 9,825 tỷ đồng trong thời gian vừa qua đã được gửi tới các địa phương.

Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện hỗ trợ hơn 666 triệu đồng cho đối tượng nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại.

Quảng Trị đã thực hiện hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện hỗ trợ hơn 1,15 tỷ đồng cho người nuôi cá lồng bị thiệt hại với 1.240 lồng cá với diện tích hơn 13.000m3.

Đồng thời việc thực hiện hỗ trợ cho 8.111 chủ tàu thuyền do ngừng khai thácvới số tiền là 53.359 triệu đồng cũng đã được hoàn thành.

Ngoài ra một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng bổ sung chính sách hỗ trợ cho các địa phương. Ngoài ra nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đã chung tay ủng hộ qua hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và chuyển thẳng đến các địa phương 45 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhất là chính sách hỗ trợ gạo cho ngư dân, hỗ trợ thủy sản, tàu thuyền để khai thác qua giám sát 4 tỉnh thì 3 tỉnh tương đối đầy đủ. Riêng hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường còn chậm, trong 4 tỉnh chỉ có 1 tỉnh chưa khắc phục được hậu quả. Như tại thị xã Kỳ Anh của Hà Tĩnh trên cùng một địa bàn nhưng kết quả kiểm tra của cán bộ thị xã, tỉnh khác nhau nên ảnh hưởng đến việc hỗ trợ.

“Chúng ta quy định tàu 90 CV trở lên thì được hỗ trợ nhưng cũng có tàu 90 CV trở lên họ không được hỗ trợ. Bởi vậy, bà conđề nghị cần xem xét về vấn đề này”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, người đứng đầu Mặt trận đề nghị, với các chính sách bổ sung cần bổ sung việc hỗ trợ phát triển, bao gồm đóng tàu mới, huấn luyện các thuyền viên, thủy thủ... cũng như bổ sung chính sách hỗ trợ đối với thủy sản trong vấn đề nuôi, thả lồng bè…

“Vừa qua chúng ta hỗ trợ chủ yếu là ngư dân và người nuôi trồng thủy sản, còn nhà hàng, dịch vụ gắn với kinh tế biển chưa được quan tâm hỗ trợ nhiều. Do vậy các địa phương cần quan tâm đến vấn đề này hơn nữa. Đặc biệt ngành giáo dục thông báo để giảm đóng góp cho những gia đình bị ảnh hưởng, đảm bảo học sinh được đến trường đầy đủ trong năm học mới” - Người đứng đầu Mặt trận khẳng định.

Không thể xã nông thôn mới - HTX kiểu cũ

Ngày 22/7/2016 là tròn 1 năm Thủ tướng có Chỉ thị 19 về việc thực hiện Luật HTX 2012. Phát biểu tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trên cơ sở chương trình cam kết với Chính phủ, Mặt trận cùng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan, tổ chức đã sơ kết việc thực hiện Chỉ thị này trong tháng 6 vừa qua.

Hội nghị sơ kết đã chỉ rõ, trong 1 năm vừa qua, nhiều địa phương đặc biệt là các đoàn thể đã triển khai tích cực nội dung này.Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là một ví dụ khi đã vận động xây dựng được gần 92 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.

Trong đó tổ chức nhiều lớp tập huấn về Luật HTX 2012 và tổ chức các đoàn giám sát về tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, báo cáo sơ kết cũng chỉ rõ, ở Trung ương, các bộ, ngành đã có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX 2012, nhưng vẫn còn tồn đọng nhiều văn bản đang gấp rút hoàn thành. Việc triển khai thi hành Luật HTX 2012 ở trung ương còn chậm, chưa đồng bộ.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, cho đến ngày 1/7/2016, là ngày tất cả HTX phải chuyển đổi theo kiểu mới. Tuy nhiên, cấp ủy và chính quyền địa phương của 41% tỉnh, thành phố chưa thực sự vào cuộc, chưa có chỉ đạo cụ thể về triển khai thi hành Luật HTX 2012 và mô hình HTX kiểu mới, chuyển biến ở các địa phương còn hạn chế.

Có rất nhiều kiến nghị đặt ra sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 19, tuy nhiên, người đứng đầu Mặt trận đã nêu tập trung vào một số kiến nghị chính.

Thứ nhất, Liên minh HTX Việt Nam cần phối hợp với Ban Kinh tế trung ương đề nghị Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã.

“Hiện nay chúng ta không có cơ quan chỉ đạo về quy hoạch HTX. Cần phải có Ban chỉ đạo ở cấp trung ương để gắn trách nhiệm của từng ngành. Ví dụ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có Ban chỉ đạo nhưng công tác HTX 4 năm nay không có Ban chỉ đạo”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu kiến nghị.

Cũng theo đề nghị của người đứng đầu Mặt trận, trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần bổ sung tiêu chí xã đạt nông thôn mới thì HTX trong đó phải là HTX kiểu mới.

“Không thể xã nông thôn mới mà HTX lại kiểu cũ. Điều này không đảm bảo cho sự phát triển bền vững”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, các Nghị quyết khi ban hành phải có mục tiêu, cụ thể xây dựng HTX kiểu mới trong năm nay để cuối năm chúng ta sơ kết được HTX kiểu cũ có bao nhiêu, kiểu mới có bao nhiêu.

Người đứng đầu Mặt trận cho rằng, tình hình giao thông hiện nay đã có nhiều tiến bộ nhưng bình quân chung 1 giờ có một người chết, 1 giờ có 2 người bị thương, 1 ngày có 24 người chết và 48 người bị thương. Đó là những con số nhức nhối xảy ra trong một ngày trên cả nước. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong mỏi, Mặt trận tiếp tục đồng hành cùng với các cơ quan, địa phương tìm giải pháp để làm sao một ngày trôi qua giảm dần được những con số nhức nhối này.

18 tỉnh chưa công bố giải quyết hồ sơ cho công dân

Chính phủ đã chỉ đạo cải cách hành chính là nhiệm vụ rất quan trọng của năm nay, gắn với đó là phát triển dịch vụ điện tử.

Lấy ví dụ qua quá trình khảo sát ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có nhiều tỉnh và nhiều Bộ công bố tiến độ giải quyết hồ sơ gửi đến cơ quan mình, điều này được nhân dân rất quan tâm và đánh giá cao, từ đó góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và tạo được lòng tin của nhân dân.

Tuy nhiên cũng qua khảo sát, còn 6 bộ và 18 tỉnh chưa công bố giải quyết hồ sơ trên trang web của mình. “Đề nghị Thủ tướng kiểm tra việc làm sao các bộ và các tỉnh này chưa thực hiện việc mà đáng lẽ ra phải thực hiện rồi”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu kiến nghị.

Cũng tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nêu lên một số vấn đề tăng trưởng kinh tế trong điều kiện 6 tháng đầu năm còn chậm.

Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý việc xuất khẩu 6 tháng đầu năm về rau quả là 1,2 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 41% thậm chí nhiều hơn xuất khẩu dầu thô, điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu rất lớn từ rau quả.

Để phát huy thế mạnh này, người đứng đầu Mặt trận lấy ví dụ về việc xuất khẩu vải thiều ở Bắc Giang. Từ xây dựng thương hiệu, đảm bảo xuất xứ hàng hóa, lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo việc tiếp thị đưa cây vải thiều ra thế giới đã làm nên thành công cho việc quảng bá cây vải thiều.

Điều này cho thấy, một mình người nông dân không thể làm được, chỉ khi nào lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, đồng hành cùng người nông dân thì việc quảng bá thương hiệu, xây dựng hình ảnh sản phẩm hàng hóa mới hiệu quả.

Thách thức dài hạn của hội nhập quốc tế và thách thức ngắn hạn có thể lặp lại của biến đổi khí hậu làm cho sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện đường lối lớn của Đảng, Nhà nước tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Trong đó, hai con đường chủ yếu chính là hiện thực hóa liên kết của người sản xuất đơn lẻ thông qua liên kết mô hình hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp.

Nếu nông dân không đi theo 2 trục này sẽ không đủ sức đương đầu và những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước không thể đến với nhân dân.

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến, kiến nghị của người đứng đầu Mặt trận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong sự cố cá chết ở miền Trung, MTTQ Việt Nam luôn sát cánh cùng Chính phủ trước hết trong hoạt động hỗ trợ cho ngư dân các tỉnh miền Trung và đặc biệt có sự giám sát trực tiếp.

Về vấn đề HTX, Thủ tướng cũng bày tỏ sự thống nhất cao với Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân về việc thành lập Ban chỉ đạo HTX trung ương, trong đó có Mặt trận tham gia.

Đồng thời, liên quan đến việc Tổng kết Chỉ thị 19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương xem xét ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân về HTX và Nông thôn mới “2 trong 1” tức là nông thôn mới thì HTX phải kiểu mới.

Về việc 6 bộ và 18 tỉnh chưa công bố giải quyết thủ tục hành chính, Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh cần nắm số liệu này và phải giải quyết mạnh mẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Coi trọng lợi ích của nhân dân trong việc kinh doanh và đảm bảo môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO