Công chức nhà nước có được lãnh đạo Hội?

H.Vũ 23/09/2016 09:00

Đó là vấn đề đang còn nhiều ý kiến khác nhau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về Hội, diễn ra ngày 22/9.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 3
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức).

Dự thảo Luật quy định: “Đối với Hội có đăng ký, cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân không được sáng lập Hội, đăng ký thành lập Hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động Hội trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công”. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề: Công chức Nhà nước có được lãnh đạo Hội không vì đang công tác trong cơ quan nhà nước mà lãnh đạo Hội thì không khách quan.

Cho rằng Hội không đăng ký mà tự nguyện thành lập, tự hoạt động trang trải như các Hội: đồng hương, thích uống bia..., song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình bày tỏ lo ngại khi Hội tập hợp đông người để làm các việc khác. Ông Bình đặt vấn đề: Vậy đối với Hội không đăng ký mà tập hợp đông người thì sao? Hay như việc công chức chỉ tham gia lãnh đạo Hội có đăng ký, nhưng phải được cấp có thẩm quyền phân công. Vậy cơ quan cho phép là cấp trên của cơ quan người đó đang làm việc hay cơ quan nào?

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Hội không đăng ký là tự nguyện thành lập, tự hoạt động trang trải như các Hội: đồng hương, thích uống bia, thích uống rượu, thích yêu hoa, đồng ngũ. Họ gồm 3 đến 5 người có sở thích giống nhau cho nên họ tụ tập lại, đây là quyền thành lập Hội của công dân cho nên không hạn chế được. Còn Hội đăng ký là có tư cách pháp nhân cho nên về nguyên tắc cán bộ công chức bị hạn chế tham gia. Nhiều ý kiến đề nghị cấm tham gia, tuy nhiên trên thực tế có việc cán bộ cấp cao được cử tham gia các Hội, tham gia vào Đảng đoàn của Hội. Cho nên cán bộ công chức chỉ được tham gia Hội khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phân công.

Chưa đồng thuận, ông Nguyễn Hạnh Phúc tiếp tục cho rằng, công chức nhà nước đang công tác không được thành lập Hội trừ các Hội có Đảng đoàn. Nhưng nhiều vị Thứ trưởng tham gia lãnh đạo các Hội như Hội Bất động sản, Xây dựng... Vậy chính sách Nhà nước và chính sách của Hội khác nhau thế nào?

Giải trình thêm, ông Nguyễn Khắc Định nói: Hiến pháp quy định công dân có quyền tham gia Hội và thành lập Hội. Thành lập thì có đăng ký và không đăng ký. Ví dụ có người huy động tiền để nấu cháo phát cho các bệnh nhân ở bệnh viện, họ hoạt động không có gì vi phạm pháp luật cả. Còn đăng ký hay không là quyền của họ. Nếu đăng ký thì có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài sản riêng. Còn Hội không đăng ký thì hoạt động theo nhóm tự nguyện nhưng phải có người đứng đầu và thông báo với UBND xã. Cho nên chỉ cần quản lý người đứng đầu những Hội không đăng ký.

Chính vì chia ra làm 2 loại cho nên với Hội không đăng ký thì không thể cấm công chức tham gia được, vì chỉ cấm được họ tham gia lãnh đạo những Hội có đăng ký. Vậy trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền là ai? thì đó là cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu họ là công chức thì theo Luật Công chức, viên chức, còn họ là cán bộ sỹ quan thì theo Luật Sỹ quan.

Giải trình thêm về cán bộ công chức tham gia lãnh đạo Hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, có nhiều Hội hoạt động theo nhiệm vụ đặc thù được Nhà nước giao, ví dụ như Hội hữu nghị Việt Nam-Lào, Campuchia rất cần các đồng chí cán bộ Nhà nước tham gia Hội là như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công chức nhà nước có được lãnh đạo Hội?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO