Công khai nội dung kê khai tài sản

H.Vũ 29/09/2016 08:35

Ngày 28/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Tại Dự thảo Luật lần này, Chính phủ đề xuất bổ sung trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy- Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, mới đọc qua thì thấy bổ sung nhiều giải pháp như họp báo, trách nhiệm công khai minh bạch của người đứng đầu... Tuy nhiên qua nghiên cứu và đối chiếu với Luật hiện hành thì quy định mới đó chưa khắc phục được tình hình thực tế hiện nay.

Theo bà Thúy, Dự thảo có nhiều điểm chưa rõ ràng. Hiện nay, tham nhũng , lợi ích nhóm đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cử tri và toàn xã hội. Ví dụ, Điều 18 quy định trách nhiệm giải trình nhưng nếu chỉ giải trình khi có yêu cầu thì chưa ổn. Tức là người có yêu cầu nếu họ không yêu cầu thì không phải giải trình. Cần bổ sung việc tự giải trình nhằm tạo sự đồng thuận cao, tránh cái sảy nảy cái ung.

“Dự thảo bổ sung quy định xử lý vi phạm trong việc thực hiện công khai minh bạch nhưng rất chung chung, không đủ nghiêm minh để xử lý người vi phạm. Đề nghị bổ sung các chế tài cụ thể tương ứng với mỗi hành vi vi phạm về công khai minh bạch, bắt đầu từ việc đăng tải chức vụ, họ tên, nội dung vi phạm về công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi mới đến lượng hóa tính chất, mức độ vi phạm để chịu trách nhiệm pháp lý như khiển trách hay cảnh cáo”-bà Thúy nêu.

Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, Luật này phải gắn chặt chẽ với các luật khác, ví dụ Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Các quy định của luật nhấn mạnh, làm rõ hơn tính công khai, minh bạch trong các hoạt động, trong công tác quản lý. Làm sao để không thể tham nhũng được, tức là không có sơ hở, muốn vậy luật phải quy định chặt chẽ. Trong thủ tục quản lý hành chính của nhà nước thế nào? Cái đặc biệt phải khắc phục là cơ chế xin - cho, vì tham nhũng ẩn trong đó.

Nhấn mạnh tham nhũng diễn ra ngày càng diễn biến phức tạp, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa nhận định, theo quan điểm chỉ đạo định xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng toàn diện, giải quyết tất cả các vấn đề. Nhưng có những vấn đề chống tham nhũng hiện nay đòi hỏi sự vận hành của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nên có những vấn đề Luật này không giải quyết được, nếu tham vọng dùng luật này để giải quyết thì sẽ không hiệu quả. “Ví dụ tham nhũng là vấn đề con người, người chống tham nhũng cũng là con người, mà nói đến con người là đụng đến công tác tổ chức cán bộ mà công tác tổ chức cán bộ có một mảng rất lớn là nằm bên Đảng”- theo ông Nghĩa.

“Tôi cho rằng, kê khai thì cứ kê khai, không cần thu hẹp và cũng đừng quá đến mức bảo vệ là công chức cũng bắt phải kê khai mà là công chức giữ một chức danh nào đó thì phải kê khai. Quan trọng không phải kê khai mà sau khi kê khai thì phải công khai. Công khai xong thì phải xác minh. Dự thảo quy định khi có dấu hiệu thì xác minh, theo tôi làm như thế thì giảm tác dụng của kê khai. Theo tôi kê khai rộng nhưng xác minh hẹp, có trọng tâm, trọng điểm, không cần có dấu hiệu gì cả. Công tác xác minh là bình thường, anh kê khai dù không có dấu hiệu gì cả, không có tố cáo vẫn xác minh. Từ xác minh thì mới xử lý. Còn kê khai mà không xác minh, thậm chí có công khai nhưng không xác mình thì cũng là hình thức”- ông Nghĩa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công khai nội dung kê khai tài sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO