Đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở độc lập tự chủ

Việt Thắng (thực hiện) 08/01/2017 08:35

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ về dòng chảy của quan hệ đối ngoại năm 2017.

Phương châm của chúng ta là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; lấy mục tiêu lớn nhất là làm sao đa dạng, đa phương hóa quan hệ và quan hệ trên cơ sở cùng có lợi ích, vì phục vụ lợi ích của nhân dân. Chúng ta đã triển khai Nghị quyết 06 của Trung ương 4 đó là hội nhập quốc tế, đã có đà và tham gia chủ động hơn vào các cơ chế đa phương, đã có được các hiệp định thương mại ký kết trong 2016 thì đó là cơ sở để tin rằng hoạt động đối ngoại của đất nước sẽ vượt qua những thách thức, nếu có.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ về dòng chảy của quan hệ đối ngoại năm 2017. Phó Thủ tướng khẳng định, phương châm của chúng ta vẫn kiên trì một đường lối là bạn của tất cả các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở độc lập tự chủ, trên cơ sở nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Ông Phạm Bình Minh.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, đối ngoại Việt Nam 2016 có thể coi là một năm thắng lợi với những hoạt động đối ngoại sôi động. Phó Thủ tướng có thể cho biết khái quát những điểm nổi bật của công tác này trong năm qua? Những thành tựu trên đã đóng góp như thế nào cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Hoạt động đối ngoại 2016 là sự tiếp nối của các năm trước, cũng là năm triển khai đầu tiên sau Đại hội lần thứ XII của Đảng. Năm 2016 có thể tạm gọi là kết thúc một giai đoạn chúng ta xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước quan trọng trên thế giới và các đối tác toàn diện.

Năm 2016 chúng ta có thể vui mừng triển khai các khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đi vào cụ thể. Đó là các nước quan trọng trên thế giới đều có chuyến thăm lãnh đạo cấp cao đến Việt Nam cũng như lãnh đạo cấp cao Việt Nam đi thăm tất cả các nước đó.

Đơn cử như Tổng thống Nga, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh, Thủ tướng Nhật, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Ấn Độ. Tất cả các nước quan trọng trên thế giới đều đến Việt Nam điều đó thể hiện khuôn khổ quan hệ chiến lược và đối tác chiến lược của chúng ta đi vào hiệu quả, cụ thể.

Các chuyến thăm đó đã tăng cường thêm quan hệ của chúng ta với các nước, và triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường quan hệ. Trong khi đó quan hệ với các nước láng giềng cũng hết sức sôi động. Về đa phương có thể nói năm 2016 là năm chúng ta triển khai rất tích cực.

Tất cả các hội nghị quan trọng trên thế giới, lãnh đạo cấp cao của ta đều tham dự. Đó là hội nghị thượng đỉnh trong ASEAN, trong khu vực; hội nghị cấp cao Pháp ngữ; hội nghị không liên kết; kể cả tại các diễn đàn mà chúng ta không phải là thành viên nhưng chúng ta được mời tham gia vì vị thể của chúng ta như hội nghị G7. Các hội nghị tổ chức tại Việt Nam cũng hết sức đa dạng như các hội nghị AMEC, CLMV, diễn đàn kinh tế Mekong.

Điều đó cho thấy chúng ta không chỉ hoạt động ngoại giao song phương mà ngoại giao đa phương cũng hết sức tích cực. Nhưng điều quan trọng không chỉ tham gia mà chúng ta đã thực sự đóng vai trò quan trọng, thông qua các sáng kiến, đề xuất, cụ thể đối với các hội nghị.

Điều đó cho thấy sự trưởng thành một bước của ta trong hoạt động đối ngoại ngoại giao đa phương. Năm 2016 Trung ương cũng đã có Nghị quyết 06 của Trung ương 4 về hội nhập quốc tế, chúng ta đã triển khai ngay và quyết liệt.

Có thể nói rằng năm 2016 đã có những hoạt động hết sức tích cực trong các hoạt động đối ngoại kể cả song phương và đa phương.

Tình hình chính trị thế giới gần đây có những thay đổi đáng kể. Theo Phó Thủ tướng những thách thức lớn về đối ngoại mà Việt Nam sẽ gặp phải trong năm 2017 là gì?

- Trên thế giới tất cả các nước đều thế thôi, sau một vài năm sẽ có cuộc bầu cử, có sự thay đổi chính quyền theo các đảng, phái dành được tuyển cử. Việc thay đổi là đương nhiên và thường xuyên nhưng điều quan trọng là trong thời gian qua chúng ta xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đối tác toàn diện, hoặc là các khuôn khổ quan hệ. Đó là khuôn khổ quan hệ với một đất nước, dù một chính quyền có thể thay đổi hay không chúng ta vẫn trên khuôn khổ đó để thúc đẩy, chứ không có nghĩa thay đổi chính quyền sẽ thay đổi chính sách đối ngoại.

Chúng ta không có sự thay đổi chính sách đối với nước đó, đương nhiên sẽ có từng việc cụ thể trên cơ sở đó ta vẫn thực hiện phương châm của chúng ta là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, và lấy mục tiêu lớn nhất là làm sao đa dạng, đa phương hóa quan hệ và quan hệ trên cơ sở cùng có lợi ích, vì phục vụ lợi ích của nhân dân cũng như các nước đó. Với mục tiêu đó thấy rằng sự thay đổi sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ của ta với các nước.

Thưa ông, ngành Ngoại giao Việt Nam sẽ có những đối sách gì để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và đưa Việt Nam hội nhập tốt hơn, hiệu quả hơn?

- Có rất nhiều dự báo tình hình năm 2017, theo chiều hướng diễn biến hết sức khó lường. Năm 2017 có rất nhiều sự thay đổi của các nước do năm 2017 sẽ có nhiều cuộc bầu cử, tuyển cử, hoặc đại hội của các đảng ở các nước. Sẽ có những tình huống nữa mà ta chưa dự báo được hết, nhưng phương châm của chúng ta vẫn kiên trì một đường lối là bạn của tất cả các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở độc lập tự chủ, trên cơ sở nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Mục đích của ta là tạo lợi ích chung với các nước là làm sao duy trì được hòa bình ổn định. Với phương châm như vậy chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp, trong đó khẳng định làm sâu sắc hơn quan hệ mà ta đã xây dựng theo khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện. Đó là khuôn khổ hết sức quan trọng mà chúng ta có được, đã dày công xây dựng. Cho nên phải duy trì và phát huy dựa trên đà của những năm qua với các nước láng giềng, nước lớn có vai trò quan trọng.

Chúng ta đã triển khai Nghị quyết 06 của Trung ương 4 đó là hội nhập quốc tế, đã có đà và tham gia chủ động hơn vào các cơ chế đa phương, đã có được các hiệp định thương mại ký kết trong 2016 thì đó là cơ sở để chúng ta thực hiện. Thực hiện được những biện pháp đó tôi tin rằng hoạt động đối ngoại của chúng ta sẽ vượt qua được nếu có những thách thức.

Nhiều ý kiến cho rằng, ASEAN đang đứng trước những thách thức to lớn về sự đoàn kết, nhất là liên quan đến các vấn đề nhạy cảm của khu vực như tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải đòi hỏi yêu cầu xem xét là một số điều khoản trong Hiến chương ASEAN. Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về những nhận định này và Việt Nam đã có những đóng góp gì trong năm qua đối với sự phát triển chung của ASEAN để thực hiện tầm nhìn 2025?

- Nền tảng của ASEAN và tổ chức ASEAN từ khi thành lập cho đến nay tiếp tục có được vai trò quan trọng trong cơ chế của khu vực dựa trên hai vấn đề. Đó là vấn đề đoàn kết và vấn đề vai trò trung tâm của ASEAN. Nếu không có được vai trò đoàn kết và vai trò trung tâm thì ASEAN sẽ không phát huy được sức mạnh, vai trò của mình trong khu vực. Cho đến nay ASEAN khác với các tổ chức khác, đó là không chỉ trong ASEAN tức là các nước trong Đông Nam Á mà còn có cơ chế với các nước lớn, các nước quan trọng ở khu vực.

Điều đó cho thấy sự cần thiết của ASEAN đối với các nước lớn cũng như các nước lớn đối với ASEAN đều xuất phát trên cơ sở vai trò trung tâm và đoàn kết. Cũng có ý kiến cho rằng bây giờ cần xem xét lại, đó không phải là ý kiến chung đồng nhất trong ASEAN về Hiến chương ASEAN như thế nào, rồi nguyên tắc đồng thuận của ASEAN ra sao. ASEAN có Hiến chương và với bất cứ một tổ chức nào sau hàng chục năm bao giờ cũng có thể xem xét lại Hiến chương để phù hợp hơn với tình hình nhưng giai đoạn hiện nay thì chưa có một đề xuất nào xem lại Hiến chương. Như vậy có thể nói vai trò trung tâm và sự đồng thuận đoàn kết của ASEAN vẫn là then chốt trong cơ chế của ASEAN.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Xin Phó Thủ tướng cho biết về quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Tháng 1/2017 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Và chuyến thăm lần này là chuyến thăm của Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Đây là chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Trung Quốc và khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và tăng cường quan hệ với các nước, trong đó Trung Quốc là một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. Việc đầu năm 2017 Tổng Bí thư đi thăm Trung Quốc đã khẳng định rõ chúng ta hết sức mong muốn đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thực sự đi vào chiều sâu hiệu quả, ổn định, để đảm bảo không chỉ quan hệ lợi ích của hai nước mà đảm bảo được môi trường hòa bình ổn định ở trong khu vực.

Chuyến thăm cũng mở ra một năm có nhiều chuyến thăm của hai bên. Năm 2017 ta cũng là nước chủ nhà của APEC các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế APEC sẽ đến Việt Nam.

Trong các chuyến thăm làm việc trước đây của lãnh đạo ta với Trung Quốc, ta cũng khẳng định lời mời với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang dự APEC 2017 tại Việt Nam.

Còn đối với Mỹ, ngày 20/1 Tổng thống mới sẽ nhậm chức. Khi có kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, lãnh đạo ta đã gửi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử là ông Donal Trump. Ngày 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc điện đàm với ông Donal Trump.

Trong cuộc điện đàm Thủ tướng đã chuyển lời mời ông Donal Trump đến thăm Việt Nam, dự hội nghị APEC. Đó là lời mời của nước chủ nhà. Chúng tôi tin rằng hội nghị thượng đỉnh APEC là một hội nghị quan trọng của khu vực châu Á -Thái Bình Dương, các lãnh đạo của các nước sẽ tham dự hội nghị này trên cơ sở lợi ích của Châu Á-Thái Bình Dương cũng như lợi ích của các nước tham gia vì đây là hội nghị với mục tiêu phát triển kinh tế của các nền kinh tế. Chúng ta trông chờ mong đợi lãnh đạo các nước sẽ đến tham dự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở độc lập tự chủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO