Đánh giá cán bộ: Cần nhiều thước đo, góc nhìn

Mai Loan (thực hiện) 08/05/2018 07:30

Cán bộ cấp chiến lược phải có tầm nhìn cấp chiến lược - đó là ý kiến của nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khi trao đổi xung quanh đề án về công tác cán bộ mà Hội nghị Trung ương 7 đang bàn thảo.

Đánh giá cán bộ: Cần nhiều thước đo, góc nhìn

Nhà báo Nhị Lê.

PV: Hội nghị Trung ương 7 sẽ bàn một đề án quan trọng về xây dựng cán bộ, nhấtlà cán bộ cấp chiến lược. Đã từng nói nhiều về vấn đề tổ chức bộ máy của Đảng, hẳn là ông dành quan tâm tới vấn đề này?

- Nhà báo Nhị Lê: Tôi thấy Trung ương lần này bàn về vấn đề này rất hợp lẽ. Sau 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21, thế giới có nhiều đổi thay. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam cũng bước từ giai đoạn đổi mới toàn diện sang giai đoạn đổi mới toàn diện và đồng bộ. Nghĩa là nhiệm vụ đặt ra cho quốc gia, dân tộc rất nhiều điều mới mẻ mà công cuộc đổi mới phải giải quyết.

Đề án đã đưa ra một hệ thống quan điểm bài bản, toàn diện nhất trong mấy chục năm qua về công tác cán bộ. Dưới góc độ một người nghiên cứu tôi thấy ở những bước ngoặt như vừa qua, các vấn đề về công tác cán bộ bộc lộ rõ nhiều chuyện, không chỉ là vấn đề chất lượng cán bộ mà còn là cơ cấu, không chỉ là số lượng mà còn là vấn đề con đường để đi tới những con số đó, con đường để trở thành cán bộ cấp chiến lược.

Vậy theo ông cán bộ cấp chiến lược phải là những người như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, đã là cán bộ cấp chiến lược, trước hết phải là người nằm trong đội ngũ rường cột của quốc gia, là tinh hoa của tinh hoa, nói một cách hình ảnh, đó là người gác đền - ngôi đền thiêng của Đảng, của đất nước. Vậy nên theo tôi cần bộ tiêu chí 5 điểm để nhận diện. Cán bộ cấp chiến lược phải có tầm nhìn chiến lược quốc gia, phải có quyết sách mang tầm chiến lược, có định chế tư tưởng mang tầm vĩ mô. Đó cũng đồng thời phải là người lĩnh ấn tiên phong để “ra trận” trong mọi lĩnh vực của kinh tế - xã hội. Là người đứng đầu các cơ quan hoạch định chiến lược quốc gia, họ phải có khả năng hoạch định chứ nếu ăn không nên đọi nói không nên lời, hành xử thiếu chính trị thì sao “chiến lược” được.

Căn cứ trên nhưng tiêu chuẩn ông kỳ vọng đặt ra để so sánh với bình diện cán bộ hiện nay, ông thấy có đạt?

- Có một phần đáng kể đạt được các tiêu chí đó nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ thì điều đó chỉ là mơ ước.

Tôi thấy ông cha ta từ xưa chọn người rất kỹ, người làm quan ngay cả tướng mạo, ăn vận cụ thể cũng có chuẩn chứ giờ nhiều ông “quan chẳng ra quan, hề chẳng ra hề”, thậm chí tệ hơn, cứ mở lời là người dân đã phản ứng. Vậy thì làm cán bộ cấp “chiến lược”sao được. Đó là còn chưa nói đến những sự sa đọa, thủ đoạn, biến chất. Vừa rồi chúng ta đã “xử” mấy ông quan như vậy đấy.

Tôi nghĩ, lâu nay Đảng bàn chiến lược cán bộ mà chỉ xoay quanh chuyện có bao nhiêu Thứ trưởng, Bộ trưởng… tức là có bao nhiêu đảng viên, chưa thấy bàn đến đội ngũ nhân sĩ trí thức, người ngoài đảng. Vậy nên tôi cho rằng, đến lúc ta nên trở lại những điều ông cha từng làm.

Nhìn lại 3 Chính phủ đầu tiên của chúng ta, trong bộ máy chắc chỉ 30-40% đảng viên, còn lại là người ngoài đảng, tức tinh hoa dân tộc đều được đứng trong bộ máy. Tôi nghĩ, bàn chiến lược cán bộ lần này, hãy trở lại với những nguyên lý Đảng đã làm 70 năm trước.

Làm sao có thể nhận diện được các chuẩn của cán bộ như ông đề cập trong khi công tác đánh giá, nhận xét cán bộ lâu nay vẫn được coi là khâu yếu kém nhất?

- “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt / Tri nhân, tri dật, bất tri tâm”, đây đúng là việc khó nhất. Đánhgiá con người, biết mặt chứ biết lòng đâu. Phải có nhiều thước đo, góc nhìn mới đánh giá được cán bộ.

Nói một cách hình ảnh, thủ trưởng đánh giá nhân viên thì chỉ bằng một con mắt; còn đánh giá thủ trưởng thì có 1.000 cặp mắt của cấp dưới soi xét, tinh tường hơn nhiều chứ. Tương tự, đánh giá của cấp ủy chỉ là mấy chục đôi mắt nhưng để cho mấy triệu dân đánh giá thì không một chân tơ kẽ tóc nào của cán bộ thoát khỏi đôi mắt nhân dân đâu.

Vậy nên, cùng với đánh giá ở những cấp có thẩm quyền thì đánh giá của cộng đồng dân cư nơi cán bộ làm việc, cư trú, nơi cán bộ tới công tác… tổng hợp lại thì việc đánh giá sẽ đúng. Xưa nay người ta thường coi nhẹ vế thứ 2 là sự đánh giá, giám sát của nhân dân.

Gợi ý thảo luận về Đề án trong phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư có yêu cầu trả lời câu hỏi, sao quy trình đúng mà bố trí con người cụ thể vẫn sai. Ông có thể lý giải sao về việc này?

- Chọn những người giữ trọng trách về công tác cán bộ trước hết phải sạch sẽ đã chứ nếu không quy trình cũng sẽ bị chi phối bằng những cái rất mỏng nhưng rất dày, những cái vô hình nhưng rất hữu hình như bè cánh, ê kíp… Tiền bạc mua hết nên dẫn đến những cáisai như thế.

Cũng là xin ý kiến nhân dân nhưng xin trong chính cơ quan đó thì những nơi không dân chủ,rồi nảy ra kiểu xin ý kiến từngngười, vậy có ai dám nói không? Vậy là quy trình đẻ ra những sản phẩm sai.

Chính từ cái sai này, cần đề ra quy trình hỏi ý kiến rộng rãi nhân dân xem. Người ta có thể mua được 10 người, 100 người nhưng nếu là 1.000 người, 1 triệu người thì có thể mua được không? Không thể mua được tất cả khu dân phố, cũng không mua được mấy nghìn người trong một cơ quan, bộ máy.

Vậy nên người giữ trọng trách chọn người phải liêm chính, trong sạch. Quy trình là cái khung phải làm nhưng khi lòng ta không trong sáng, thiếu sự giám sát trong sáng và minh bạch của nhân dân thì chuyện gì cũng có thể bẻ cong được. Tôi nghĩ cần có tổ chức giám sát độc lập nào đó để mà làm, không vì nể ai cả.

Cùng với đó, thể chế phải đầy đủ và có hiệu lực pháp lý trong Đảng, trong Nhà nước thì mới đảm bảo được.Việc kiểm tra, giám sát,thẩm định minh bạch sẽ chọn những người xác đáng nhất vào điều hành việc tổ chức chọn người này.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh giá cán bộ: Cần nhiều thước đo, góc nhìn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO