‘Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế’

Hữu Thu 08/11/2018 10:52

Đó là chủ đề Hội thảo khao học do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức sáng ngày 8/11 tại Huế.

‘Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế’

Quang cảnh Hội thảo.

Sau đề dẫn của GS TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hội thảo đã tập trung làm rõ cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, những đóng góp to lớn của ông Nguyễn Chí Diểu với Đảng và Cách mạng Việt Nam; góp phần vào việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; thiết thực góp phần đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ tư ( Khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Chí Diểu (1908-1939), có tên gọi khác là Nguyễn Văn Trọng, quê làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông thuộc lớp đảng viên thời kỳ dựng Đảng, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có quá trình hoạt động liên tục, nhất quán từ khi tham gia cách mạng đến khi qua đời. Từ khi 17 tuổi, là học sinh trường Quốc học Huế, ông Nguyễn Chí Diểu đã bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước, sôi nổi và oanh liệt.

Tháng 4/1927, ông cùng học sinh Quốc học Huế tham gia tổ chức bài khóa đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang Phan Châu Trinh nên bị thực dân Pháp tìm cách đuổi học. Ông gia nhập Đảng Tân Việt – một tổ chức chính trị yêu nước ở miền Trung, đồng thời cũng tiếp thu tư tưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cuối năm 1929, ông và bộ phận cánh tả của Tân Việt ra Tuyên cáo thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, sau đó khi tổ chức này gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được Đảng phân công từ Huế vào Nam Kỳ hoạt động và làm Bí thư tỉnh ủy Gia Định.

Tháng 10/1930, ông Nguyễn Chí Diểu bị chính quyền Pháp ở Nam Kỳ bắt giam, tra tấn dã man và bị kết án tù khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Trong thời gian lao tù, ông vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản, tiếp tục hoạt động cách mạng, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tổ chức cho anh em học tập lý luận chính trị, lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh với cai ngục, đòi cải thiện chế độ nhà tù, đấu tranh trong mọi hoàn cảnh để giữ vững ý chí chiến đấu với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng, vào tiền đồ vẻ vang của Đảng.

Sau 6 năm trong tù, tháng 6/1936, trước sức đấu tranh của phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí Nguyễn Chí Diểu và đưa về Huế quản thúc. Dù bị giám sát, theo dõi gắt gao, ông vẫn tiếp tục hoạt động cho Đảng, xúc tiến việc khôi phục và củng cố các cơ sở, tổ chức của Đảng ở miền Trung, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương, rồi Ban Thường vụ Trung ương Đảng, là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Ông Nguyễn Chí Diểu qua đời tại Huế ngày 15/9/1939 trong sự tiếc thương của đồng bào, đồng chí.

Ông Nguyễn Chí Diễu là một đảng viên cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc. Nhân cách cao đẹp của ông có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng, chỉn đốn Đảng hiện nay; là tấm gương cho Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới xây dựng quê hương ngày cáng giàu đẹp, văn minh.

Nhân dịp này, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm đề nghị Trung ương xem xét đặt tên đường Đồng chí Nguyễn Chí Diễu tại TP Hồ Chí Minh vì ông đã từng là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, trực tiếp chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm-Hóc Môn, khu vực “ mười tám thôn vườn trầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO