Dự án Luật Quy hoạch: Có chế tài, thực hiện mới nghiêm

T.Dương 25/08/2015 07:45

Đó là vấn đề được ông Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình định cư con người của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đặt ra trong hội thảo quốc tế xây dựng Dự án Luật Quy hoạch - Kinh nghiệm quốc tế và sự lựa chọn cho Việt Nam do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 24/8.

Dự án Luật Quy hoạch: Có chế tài, thực hiện mới nghiêm

Nguồn:tinbao24h.com

Chưa thống nhất

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự án Luật Quy hoạch là dự án cải cách toàn diện công tác quy hoạch, tạo hành lang pháp lý thông thoáng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời là bước đột phá về thể chế, tạo đồng bộ trong hệ thống pháp luật về kinh tế. Hy vọng Luật sẽ là đòn bẩy thay đổi cách quy hoạch, hướng tới quy hoạch chiến lược.

Ông Nguyễn Quang cho rằng, đất nước đang trải qua quá trình hội nhập quốc tế nhiều cơ hội song cùng với nó là những thách thức. Sau đổi mới từ nước thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, nâng cao cuộc sống của người dân. Song hiện chúng ta cũng đang đối mặt với những thách thức như: ô nhiễm môi trường, quá trình đô thị hóa, tài nguyên bị khai thác quá mức, biến đổi khí hậu.

Nhưng thách thức chính trong vấn đề quy hoạch là vẫn tồn tại tư duy bao cấp. Nhiều năm nay nhiều chuyên gia đã có ý kiến về lập quy hoạch của Việt Nam nên việc xây dựng Luật Quy hoạch để đồng nhất hệ thống quy hoạch tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, hiện có 71 luật, pháp lệnh, 73 nghị định đều quy định các bộ ngành phải xây dựng kế hoạch quy hoạch trong phạm vi của ngành mình, chưa kể còn có quy hoạch cấp quốc gia, tỉnh, huyện, ngành. Như vậy là chưa thống nhất vì phân cấp quy hoạch có sự không đồng bộ.

Từ 71 luật, 73 nghị định thì đến nay có tới hơn 19 nghìn bản quy hoạch trong giai đoạn 2011-2020, bao gồm cả quy hoạch phát triển ngô toàn quốc, nuôi cá rô phi. Tồn tại đó là quy hoạch được lập nhiều nhưng thiếu tính khả thi, gây lãng phí, không phù hợp với xu hướng thời đại làm cản trở sự phát triển.

Cũng theo ông Các, nhiều quy hoạch ngành sản phẩm chưa phù hợp với xu hướng thị trường, thậm chí làm cản trở trong thu hút đầu tư. Quy hoạch không thống nhất về đối tượng nên nảy sinh mâu thuẫn, chưa chú trọng tổ chức không gian lãnh thổ. Quy hoạch vùng thiếu sự gắn kết, nhiều vùng không rõ đối tượng quản lý. Chưa kết nối giữa chiến lược và kế hoạch nên thiếu sự gắn kết trong sự phát triển. Tổ chức thực hiện lập thẩm định quy hoạch còn bị buông lỏng.

Theo ông Các, nguyên nhân là do còn mang tính bao cấp, cái gì cũng muốn Nhà nước quản lý cho nên làm quy hoạch để quản lý.

Quy hoạch gắn với quản lý, theo dõi, đánh giá

Vậy làm sao để quy hoạch mang tính chặt chẽ tránh tình trạng chồng chéo,dàn trải gây lãng phí cũng như phát huy nguồn lực? Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Thanh Tâm cho biết, để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch theo hướng tập trung thống nhất vào một đầu mối đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lập và tổ chức thực hiện quy hoạch thì luật sẽ cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quy hoạch. Trong đó, quy rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ đồng thời quy định rõ việc công bố công khai các quy hoạch, hình thức công bố công khai các quy hoạch, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Quy hoạch sau khi đã được phê duyệt thì quy định rõ trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trách nhiệm ban hành cơ chế chính sách để thu hút phát triển theo quy hoạch, chuẩn bị các nguồn lực để triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Ông Nguyễn Quang kiến nghị, nếu mỗi địa phương mà tự phát không có tính kết nối thì khó mà có thể thành công do đó cần cơ chế giám sát liên tục và “cần thay đổi từ nhận thức của từng địa phương chứ nếu không chỉ ở trên giấy tờ. Mục tiêu của quy hoạch là hướng tới phát triển bền vững, vấn đề là mức sống của người dân được nâng lên và an toàn, cho nên đánh giá quy hoạch phải dựa trên kết quả, quy hoạch gắn với quản lý và làm rõ nguồn lực và đảm bảo tính chế tài để pháp luật nhà nước mang tính nghiêm minh”-ông Quang nêu rõ.

Dân kêu, sao lại từ chối?

Cùng ngày tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các vị đại biểu đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Quy định toà không được từ chối giải quyết tranh chấp với lý do không có điều luật quy định mà phải áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng để xử lý là vấn đề nhận được nhiều ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Các đồng chí nói sống theo luật pháp, quy định đầy đủ mới xử, nhưng lập luận giỏi như nước Mỹ thỉnh thoảng vẫn ra điều luật. Hiến pháp giao rồi mà không nhận giải quyết thì từ chối luôn chức năng của mình đi. Nếu không thực hành quyền tư pháp, không xét xử thì bất thành toà án. Toà phải tìm cách xử theo công bằng, lẽ phải để xử cho đúng. Một khi toà xử rồi là phải theo. Như thế dân mới sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật được”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án Luật Quy hoạch: Có chế tài, thực hiện mới nghiêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO