Ghi nhận ý kiến vào Dự thảo Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

QUỐC ĐỊNH 29/09/2015 18:23

Nhằm chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc "Phát huy vai trò của các tôn giáo Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11/2015, tại Huế, sáng ngày 29-9, tại TP.HCM, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam đã tổ chức trao đổi, ghi nhận ý kiến của lãnh đạo 10 Hội thánh Cao đài, lãnh đạo Pháp môn Cao đài Chiếu Minh Tam thanh vô vi và đại diện Cộng đồng Hồi giáo tại Tây Ninh đóng góp vào dự thảo Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯMTT

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại buổi họp

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Tôn giáo, UBTƯMTTQ Việt Nam đã trình bày khung dự thảo của Chương trình phối hợp, dự kiến gồm các phần chính là: Tình hình chung về ô nhiễm, suy thoái môi trường và BĐKH trên thế giới và ở Việt Nam; Chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT, ứng phó với BĐKH. Vai trò, nhiệm vụ của các tôn giáo trong tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; Cam kết chung của các tôn giáo Việt Nam tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; Chương trình phối hợp hành động BVMT và ứng phó với BĐKH giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường với các tổ chức tôn giáo; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường trong việc phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH; và Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan.

Trong không khí dân chủ, đoàn kết và xây dựng, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo dự họp đã bày tỏ sự đồng tình và đồng thuận cao với các nội dung của dự thảo Chương trình phối hợp, nhất là nội dung các Cam kết chung và Chương trình phối hợp. Giáo sư Thượng Thứ Thanh - Hội thánh Truyền giáo Cao đài giáo sở Trung ương nhất trí cao về dự thảo chương trình, đồng thời cho biết sẽ kêu gọi các cơ sở, các tín đồ của mình cùng chung tay phối hợp thực hiện việc ứng phó với BĐKH, BVMT.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp- Chánh Hội trưởng Hội đồng điều hành Pháp môn Cao đài Chiếu Minh Tam thanh vô vi Cần Thơ nhận định: “tôi thấy Hội nghị này rất có ý nghĩa, bởi hội thảo một lần nữa giúp tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo và đồng bào cả nước củng cố tinh thần đoàn kết, chung tay thực hiện các phong trào nhằm xây dựng đất nước, trong đó có việc ứng phó với BĐKH và BVMT, giúp cho môi trường sống của chúng ta thêm trong lành.”.

Ngọc Phối sư Lê Văn Tròn – Giáo hội Cao đài Việt Nam tại Tiền Giang nêu lên một thực tế, “hiện nay nhiều nơi ở các tỉnh ĐBSCL đã cho các cá nhân, doanh nghiệp khai phá xây dựng, đào ao hồ, phát triển công nghiệp, chăn nuôi một cách tràn làn, thiếu quy hoạch gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, phá hết cảnh quan tự nhiên. Tôi mong tiếng nói của tôi được các cấp có thẩm quyền để ý xem xét, giải quyết.”.

Một đại biểu phát biểu tại buổi họp

Phối sư Ngọc Lễ Thanh - Hội thánh Cao đài Chiếu Minh (Tòa thánh Long Châu, tỉnh Hậu Giang) cho biết, sẽ cố gắng triển khai việc BVMT ở ngay trong họ đạo. Theo Phối sư Ngọc Lễ Thanh, làm sao để chương trình chuyển biến được ý thức con người, khi đó mới giảm đi tác động xấu của của môi trường bền vững. Nếu giải quyết được điều này thì sức khỏe của người dân sẽ tăng lên.

Chánh Phối sư Huệ Tín Trần Văn Huynh – Trưởng ban Thường trực Hội thánh cao đài Bạch Y (tỉnh Kiên Giang) cho rằng, ngày nay nói đến môi trường là vấn đề toàn cầu chứ không chỉ riêng gì một quốc gia, hay một khu dân cư - “Do vậy chúng tôi sẽ phối hợp với các đoàn thể, chính quyền và các tôn giáo để thực hiện chặt chẽ hơn, bằng cách kết hợp để tuyên truyền thực hiện, tuyên truyền đến các tín đồ thực hiện bằng những việc làm cụ thể, bên cạnh đó sẽ có những hoạt động biểu dương những người thực hiện tốt.”. Chánh phối sư Ngọc Phường Thanh – Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên (Bến Tre) đề nghị, môi trường là một vấn đề lớn, nên cần phải liên kết với các nhà khoa học, các doanh nghiệp, cần giải quyết từ gốc thì mới hiệu quả được.

Tại hội nghị, ông Eivind Archur – Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ Bắc Âu đánh giá cao chương trình hội thảo, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới UBTƯMTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các tôn giáo đã cùng cả thế giới chung tay BVMT sống. Trong nhiều năm gần đây, thế giới đánh giá cao Việt Nam về sự phát triển kinh tế, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, trong những thành công đó có sự đóng góp rất lớn của MTTQ Việt Nam, bởi MTTQ Việt Nam có chức năng thu nhận, tập hợp tiếng nói chung của các tầng lớp nhân dân và của các tôn giáo. “Tôi hy vọng, hội nghị tới đây là sự phối hợp và sự cam kết của các tôn giáo tại Việt Nam về môi trường; đồng thời sẽ là khởi đầu cho sự cho một quá trình lớn nhằm BVMT của chúng ta.”, ông Eivind Archur bày tỏ.

Ông Eivind Archur – Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ Bắc Âu phát biểu tại buổi họp

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Lê Bá Trình khẳng định đây là hội nghị rất quan trọng, bởi ô nhiễm môi trường, BĐKH không còn là nhiệm vụ riêng một khu dân cư, một vùng miền, một quốc gia mà của cả cộng đồng thế giới. Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã có nhiều hoạt động, thông điệp vận động đến các tầng lớp nhân dân cùng thực hiện, trong đó các tôn giáo trong nước đóng vai trò tích cực về vận động chức sắc, nhà tu hành và bà con tín đồ ở các cộng đồng dân cư thực hiện nhiệm vụ này. Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cho biết, UBTƯMTTQ Việt Nam đã tổ chức một số buổi làm việc, xin ý kiến của các tổ chức tôn giáo vào dự thảo Chương trình phối hợp và buổi làm việc hôm nay rất có hiệu quả. Lãnh đạo UBTƯMTTQ Việt Nam cảm ơn các vị đại diện lãnh đạo của các tôn giáo đã có mặt để góp ý cho dự thảo Chương trình phối hợp, thời gian tổ chức hội nghị và các vị đã có sự nhất trí cao nội dung của dự thảo Chương trình.

Các đại biểu tại buổi họp

Theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, các tôn giáo ở nước ta luôn đoàn kết, chia sẻ và gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Đây là truyền thống tốt đẹp mà thế giới cũng đã ghi nhận. Hy vọng, Hội nghị tới sẽ là dịp để các tôn giáo tiếp tục phát huy tốt hơn đường hướng sống "Tốt đời đẹp đạo" thông qua việc đoàn kết, tích cực tham gia thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng BĐKH. Trên cơ sở nội dung của Chương trình phối hợp, mỗi tôn giáo, tùy theo cách riêng của mình sẽ có một kế hoạch hành động cụ thể, triển khai theo từng giai đoạn phù hợp với đặc điểm, giáo lý của mình và tình hình của mỗi địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ghi nhận ý kiến vào Dự thảo Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO