Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình

Dạ Yến (ghi) Ảnh: Hoàng Long 02/12/2015 11:02

Ngày 2/12, tại Hội nghị Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trình bày thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình

Đại diện của Phật giáo cho rằng, hủy hoại thiên nhiên
đồ
ng nghĩa với với hủy hoại môi trường sống của con người.

Nhân loại đang sống trong thời đại mà hàng ngày con người phải đối diện với khủng hoảng, thách thức nghiêm trọng về môi trường và biến đổi khí hậu. Hệ lụy của nó vô cùng nguy hiểm, phá hủy môi trường sống xung quanh chúng ta, làm đảo lộn cuộc sống muôn loài ở khắp nơi trên trái đất này, làm tiêu tan những thành quả mà con người đã dày công xây dựng trên các mặt vật chất và tinh thần.

Lũ lụt, sóng thần, hạn hán, động đất, dịch bệnh hiểm nghèo HIV-AIDS, SAR, MERD… đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp hành tinh vì hậu quả của hành động phá hủy môi trường và tốc độ gia tăng của biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học đều khẳng định rằng, những tiến bộ vĩ đại của khoa học kỹ thuật không thể ngăn chặn được sự gia tăng dồn dập của biến đổi khí hậu, nếu không có sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của mọi người trên hành tinh này.

Với ý nghĩa đó, các thông điệpvề bảo vệ môi trường được tìm thấy trong giáo lý của Phật giáo và các tôn giáo khác là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để thực hiện bảo vệ, gìn giữ, đem lại vẻ đẹp tự nhiên của mẹ Trái đất, bảo vệ hành tinh thân yêu của chúng ta.

Đức Phật là bậc Đạo sư đại giác ngộ đã đem đến cho nhân loại thông điệp về hòa bình, sự hòa hợp, an lạc tâm hồn giữa con người, vũ trụ xung quanh chúng ta, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Ngay từ khi ra đời cách đây hơn 26 thế kỷ, Đức Phật đã dạy các đệ tử về tầm quan trọng của môi trường và bảo vệ môi trường.

Trong kinh A Hàm, phẩm Kinh Lâm có dạy: “Tỷ kheo nương vào một khu rừng để. Vịy nghĩ rằng: ta nương vào khu rừng này để, chưa có chính niệm sẽ được chính niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niệt Bàn…Này các Tỷ kheo phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch”.

Như vậy Đức Phật đã dạy các đệ tử ý thức bảo vệ thiên nhiên, nếu ai tác động tiêu cực đến môi trường là đồng nghĩa với việc hủy hoại nơi tu tập, cũng là điều kiện để chúng sinh tồn tại, thì toàn bộ quá trình chứng đắc sẽ không diễn tiến như mong đợi.

Đức Phật cũng đã cống hiến cho nhân loại một học thuyết vô cùng giá trị, đó là Học thuyết Duyên khởi. Lý Duyên khởi của Phật giáo khẳng định mối tương quan giữa các hiện tượng tự nhiên, nhân sinh và vũ trụ: Cái này có thì cái kia có; cái này sinh thì cái kia sinh; cái này diệt thì cái kia diệt. Các Pháp tùy thuộc vào nhau mà sinh khởi, hủy hoại thiên nhiên đồng nghĩa với với hủy hoại môi trường sống của con người. Ý thức được điều này, con người sẽ cẩn trọng trong hành động của mình khi tác động đến thiên nhiên.

Với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân của những người con được mẹ Trái đất yêu thương che chở, chúng tôi kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn, và đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO