Góc nhìn khác trong vụ ‘phạt dân vì chê sếp trên Facebook’

M.L. (thực hiện) 24/11/2015 11:18

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần nhìn nhận thêm những khía cạnh khác trong vụ xử phạt công dân vì “chê” sếp trên Facebook như cách xử sự khi bị người khác “nói xấu” trên mạng. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, ứng xử trên mạng cũng cần có văn hóa.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về những thông tin liên quan đến việc xử phạt 3 công dân vì “chê” sếp trên Facebook, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh: Quyết định xử phạt là một quyết định hành chính. Theo luật tố tụng hành chính người bị phạt có quyền khiếu nại để người xử phạt điều chỉnh hợp lý. Nếu không nhất trí với nhau được thì công dân có quyền khởi kiện ra tòa. Nếu cơ quan nhà nước phạt sai thì tòa hủy quyết định đó. Trong một số chế tài, có trường hợp nhà nước phải xin lỗi dân.

Ông Nghĩa dẫn ví dụ, ở nhiều quốc gia người ta có văn hóa khác, người ta có thể chế giễu Tổng thống, thậm chí làm phim giả định (Tổng thống hiếp dâm, giết người…), vẽ tranh biếm họa. Ví dụ như khi Tập Cận Bình sang Anh, Thời báo Luân Đôn vẽ tranh biếm họa nữ hoàng Anh, Thủ tướng Anh rạp mình xuống, đưa lưng mình ra để Tập Cận Bình bước lên máy bay để chế giễu sự hạ mình của lãnh đạo nước Anh.

Ông Nghĩa tiếp: Còn văn hóa của mình khác, không gian mạng cũng có văn hóa khác nhau. Mỗi một ứng xử, phải tính đến việc làm thế nào để phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Ở xóm, anh có việc gì anh không vừa ý, chả lẽ anh ra đường chửi hay ném đồ qua nhà người khác. Thay vì hành xử như vậy anh qua nhà người ta anh nói chuyện đàng hoàng.

Cái vấn đề của chúng ta hiện nay là ứng xử trên không gian mạng hơi bị rối, lúng túng, nhất là giới trẻ. Họ coi không gian mạng như một cái gì đó mông lung, không có luật pháp, không có tôn ti trật tự, không có quy tắc, thích gì nói nấy, thích châm chọc nhau.

- Nếu vụ việc này không phải ông chủ tịch tỉnh mà là giữa hai người dân bình thường với nhau thì có bị phạt không?

LS Trương Trọng Nghĩa: Nếu hai công dân bình thường cũng chưa chắc phản ứng nhẹ nhàng hơn đâu. Còn việc ông Chủ tịch ra phán quyết xử phạt hành chính thì công dân vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện.

Còn văn hóa Việt Nam như tôi vừa nói, trên mạng hiện nay các thành phần khác nhau sử dụng mạng với động cơ, nội dung rất xấu. Họ có thể dùng lời lẽ rất bẩn thỉu, không có văn hóa, không có căn cứ để nói xấu người khác. Mình phải coi việc đó không chấp nhận được.

Nếu anh muốn viết nhật ký cá nhân như thế nào đó là quyền của anh nhưng anh nói về tôi mà để cho toàn quốc đọc đó là đụng đến tôi. Anh hành xử như thế nào là quyền của anh nhưng đừng đụng đến quyền của người khác, khi đã đụng đến quyền của người khác thì luật pháp sẽ phân xử.

- Việc cơ quan nhà nước ra quyết định rồi rút xuống liệu có phù hợp?

LS Trương Trọng Nghĩa: Chuyện cơ quan chức năng thay đổi là chuyện tốt. Họ thấy cái này nặng, họ hạ xuống cho nhẹ hơn đấy là tốt. Cái tôi quan tâm không phải phạt mấy triệu mà là việc làm đấy đúng hay sai, hành vi đó có đáng cho anh xử phạt không?. Tại sao dư luận phản ứng là vì có thể đây tạo thành tiền lệ.

Theo tôi vụ này có ý nghĩa rộng hơn. Nếu theo luật hiện hành ra, theo tiêu chuẩn ứng xử Việt Nam, về phía người dân cũng phải xem xét việc đó có nên làm hay không, có đáng bị phạt không. Còn về phía cơ quan nhà nước và cá nhân người lãnh đạo cũng nên xem lại.

Trên thực tế có những vụ bị nói rất nặng mà theo tôi hoàn toàn có thể khởi kiện được về hành vi nhục mạ người khác nhưng nhiều người không khởi kiện mà nói nhẹ nhành, cũng có nhiều lãnh đạo từng ứng xử như thế. Tuy nhiên, trong một thời điểm nhất định, thì những người giữ cương vị lãnh đạo có những nhạy cảm hơn vì có vấn đề nội bộ, phe phái, phức tạp, người ta có thể lợi dụng để phá lẫn nhau.

Ông Trương Trọng Nghĩa cho biết: Nếu tôi là lãnh đạo bị “nói xấu” như vừa rồi tôi chọn cách đối thoại. Ông Chủ tịch có thể hỏi tại sao cô cho tôi là “người kênh kiệu” như thế để có giải thích qua lại… Nếu không trực tiếp được có thể thông qua cấp dưới.

“Không gian mạng cũng cần có những ứng xử văn hóa”, vị đại biểu Quốc hội kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góc nhìn khác trong vụ ‘phạt dân vì chê sếp trên Facebook’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO