Hành trình Hồ Chí Minh, hành trình Dân tộc

05/06/2016 00:05

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước- đánh dấu mốc khởi đầu con đường mới giải phóng dân tộc. Người đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, làm cho chủ nghĩa yêu nước vươn lên tầm thời đại, trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh...

Ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống tàu ra đi, bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm đường cứu nước. Kể từ ngày đó, 105 năm trôi qua càng cho thấy tầm nhìn rộng lớn, tấm lòng yêu nước thương dân, ý chí sắt đá quyết giành cho được độc lập cho dân tộc, tự do cho giống nòi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tầm nhìn của Bác là tầm nhìn của bậc vĩ nhân, của một con người thiết tha vì dân tộc, vì đất nước, một chiến sĩ cộng sản, một nhà cách mạng vĩ đại.

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Báo Đại Đoàn Kết dành nhiều trang để một lần nữa chúng ta cùng nhìn nhận tầm vóc lớn lao của sự kiện, của thiên tài Hồ Chí Minh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Sự khởi đầu con đường mới của dân tộc Việt Nam

Vì sao Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước mới?

Trong bối cảnh nhân dân sống lầm than dưới ách thuộc địa của thực dân Pháp; các cuộc nổi dậy chống Pháp dưới ngọn cờ của một số nhà yêu nước tiêu biểu đều thất bại, Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh), người con sinh ra và lớn lên trong một gia đình khoa bảng có truyền thống yêu nước, thân dân, ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, được trang bị những kiến thức cơ bản về học vấn, tham gia và được chứng kiến sự thất bại của các cuộc đấu tranh đó, sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, đã thể hiện chí hướng tìm con đường cứu nước mới, nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào khỏi ách thực dân.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp, năm 1920.

Qua khảo nghiệm thực tiễn, được tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước, Nguyễn Tất Thành thấy rằng phải tìm con đường giải phóng dân tộc bằng con đường mới, bằng hướng khác. Con đường đó là gì, ở thời điểm trước năm 1911, Nguyễn Tất Thành chưa hình dung một cách rõ nét; nhưng theo Nguyễn Tất Thành, con đường đó phải khác với những con đường mà các bậc tiền bối yêu nước đã trải qua. Đây là nhận thức ban đầu, rất quan trọng đối với Nguyễn Tất Thành trong việc tìm đường cứu nước.

Kiên định không theo con đường các bậc tiền bối đi trước, mà hướng sang phương Tây để tìm con đường cứu nước. Đó là kết luận dứt khoát, là sự lựa chọn rất quan trọng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Và đây phải chăng là một sự khước từ: “Sự khước từ cái sai để đi tìm cái đúng. Sự từ bỏ cái lạc hậu, lỗi thời để đi tìm cái tiên tiến, phù hợp với thời đại mới. Đấy là sự vượt qua những lối mòn cũ kỹ để đi tìm cho được con đường mà dân tộc cần đi. Đấy là sự khẳng định một bản lĩnh, một khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo mà lịch sử đang đòi hỏi. Đấy chính là bước ngoặt rất quan trọng khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước”1.

Trước ngày 2/6/1911, Nguyễn Tất Thành có bàn với một người bạn thân về chuyến đi ra nước ngoài. Anh nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không? Khi người bạn hỏi lấy đâu ra tiền mà đi, anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay: Đây, tiền đây... chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”2.

Ngày 5/6/1911, đánh dấu một ngày lịch sử, một ngày trọng đại, ghi dấu sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là TP HCM) trên con tàu Amiral Latouche-Tréville rời Tổ quốc đi sang Pháp, với mục đích xem các nước trên thế giới làm như thế nào, rồi trở về giúp đồng bào.

Về mục đích sang Pháp của mình, năm 1923, Người đã trả lời một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”3. Một lần khác trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”4.

Ngày 5/6/1911, trở thành một mốc đặc biệt quan trọng không chỉ trong cuộc đời của một con người, mà còn đặc biệt quan trọng đối với lịch sử của cả một dân tộc. Thời điểm này, chính Nguyễn Tất Thành cũng chưa hiểu được là chính mình đang gánh vác một nhiệm vụ lịch sử trọng đại và lịch sử dân tộc, cũng chưa biết rằng từ ngày ấy lịch sử dân tộc đã bắt đầu giao phó một sứ mệnh hết sức thiêng liêng cho một người thanh niên trẻ tuổi- Nguyễn Tất Thành. “Anh ra đi không phải vì mình hay cho mình. Động cơ ra đi của Anh chỉ có một, đó là lòng yêu nước thương dân. Mục đích ra đi của Anh chỉ duy nhất là tìm cho được con đường cứu dân, cứu nước”.5

Từ khởi điểm ngày 5/6/1911 sang Pháp tìm con đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác trên thế giới, quan sát, tìm tòi, khảo nghiệm. Người đã đúc rút một chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.

Tìm thấy con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam

Sự kiện Nguyễn Tất Thành từ giã nước Anh trở lại nước Pháp được coi là bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Tất Thành. Đặc biệt sự kiện Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp đầu năm 1919. Giải thích lý do này, Người khẳng định: “Là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”6.

Tiếp đó, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gồm 8 điểm7 gửi tới Hội nghị Versaille. Dưới bản Yêu sách, Nguyễn Tất Thành ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là dấu hiệu mới của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc và từ đây Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc thực sự bắt đầu sứ mệnh của người chiến sĩ tiên phong của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp, mà chính viên mật thám Pháp Arnous đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”8.

Theo nhiều nguồn tư liệu, chính Nguyễn Tất Thành - vừa trở thành Nguyễn Ái Quốc - đã đi khắp các hành lang của Cung điện Versaille, trịnh trọng trình bày kiến nghị 8 điểm này với các đoàn đại biểu của các cường quốc dự Hội nghị. Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc còn xoay xở để công bố trên tờ L’Humanité; tranh thủ được sự giúp đỡ của Tổng công đoàn Lao động Pháp để in ra 6.000 bản và phân phát trên các đường phố Paris9.

Theo William Duiker, bản Yêu sách của nhân dân An Nam đã gây bàng hoàng trong chính giới Paris. Ngày 23/6/1919, Tổng thống Pháp viết thư cho Albert Sarraut, lúc đó vừa về đến Paris sau nhiệm kỳ Toàn quyền ở Đông Dương, lưu ý rằng Tổng thống đã nhận được bản Yêu sách 8 điểm và yêu cầu Sarraut điều tra nội vụ, đồng thời tìm hiểu thân thế của tác giả. Vào tháng 8/1919, Thống sứ Bắc Kỳ thông báo cho Paris rằng “Bản kiến nghị đang được lưu truyền trên đường phố Hà Nội và bàn luận trên báo chí sở tại”10.

Nhà cách mạng Bùi Lâm- nhân chứng có mặt tại Hội nghị Versaille, hồi tưởng: “Năm 1919 quả là có nhiều sự kiện không thể nào quên. Người Pháp gọi đó là một quả bom. Chúng tôi gọi đó là một tiếng sét. Đó quả là sét đánh giữa mùa Xuân, làm tan sương mù bao quanh chúng tôi, làm những hạt giống nằm sâu trong trái tim yêu nước của chúng tôi đâm chồi nảy lộc... Hồi đó, mỗi khi người Việt chúng tôi gặp nhau, chúng tôi lại có dịp nói về độc lập, về quyền tự quyết, và về Nguyễn Ái Quốc. Cái tên Nguyễn Ái Quốc lúc đó có sức cuốn hút diệu kỳ. Khi thốt lên “Nguyễn Ái Quốc”, chúng tôi cảm thấy mình như vừa lập một kỳ công, như vừa được khích lệ vô cùng”11.

Tháng 7/1920, Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin được đăng trên báo L’Humanite. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào.

Tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản. Người trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Bằng hành động lịch sử gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã mở đường cho cách mạng Việt Nam ra khỏi cuộc khủng hoảng về đường lối. Nguyễn Ái Quốc “đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”12.

Như vậy, từ dấu mốc lịch sử ngày 5/6/1911, sang Pháp để tìm con đường cứu nước, đến năm 1920, cũng tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản, Người đã đúc kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”13.

Từ dấu mốc lịch sử ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911, tìm thấy con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho thắng lợi cách mạng Việt Nam: truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam với “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt” do Người soạn thảo…

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước- đánh dấu mốc khởi đầu con đường mới giải phóng dân tộc. Người đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, làm cho chủ nghĩa yêu nước vươn lên tầm thời đại, trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, biểu tượng sáng chói, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng tháng Tám năm 1945, của hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, đã trở thành dấu mốc có ý nghĩa trọng đại và thiêng liêng đối với dân tộc. Nhiều người đã đặt câu hỏi khá thú vị: Nếu không có sự kiện ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, thì đất nước đi về đâu? Dân tộc đi về đâu? Ai sẽ là người lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc?... Câu trả lời đó đã được lịch sử minh chứng. Ngày 5/6/1911, dấu mốc khởi đầu con đường mới giải phóng dân tộc, cách đây đã tròn 105 năm, nhưng vẫn luôn in đậm trong tâm khảm như một dấu ấn đặc biệt quan trọng và thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam.

TS Đặng Kim Oanh(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

______________

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình Hồ Chí Minh, hành trình Dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO