Hợp tác xã kiểu mới - Khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp

Anh Vũ 10/08/2015 19:11

Ngày 10/8, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tới dự và trao đổi với Hội nghị về " Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới- Khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân".

Hợp tác xã kiểu mới - Khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
phát biểu tại hội nghị

Sáu mâu thuẫn trong nền nông nghiệp

Nêu bật những thành tựu rất quan trọng của nền nông nghiệp nước ta trong hơn 20 năm qua, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ rõ 4 bất cập vẫn tồn tại kéo dài: Một là, hiện tượng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra. Hai là, thiếu vốn là hiện tượng thường xuyên với hầu hết các hộ nông dân, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Ba là, thu nhập của nông dân thấp hơn đáng kể so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp chiếm khoảng 47% lao động, đóng góp 19% vào tổng sản phẩm nội địa tức là năng suất lao động hay thu nhập bình quân của một nông dân chưa bằng 1/3 của người lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Bốn là, xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng, bị động trong tiêu thụ.

Làm rõ nguyên nhân của 4 bất cập kéo dài nói trên, theo GS. TS Nguyễn Thiện Nhân có một lý do cơ bản nhất là sự không tương thích của quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất của nông nghiệp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó là 6 mâu thuẫn trong nền nông nghiệp nước ta. Đó là sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không biết nhu cầu thị trường; Hộ nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn; Năng suất tăng liên tục song thu nhập tăng rất chậm; nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, song các doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ; Thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha mỗi hộ; Nông dân cần ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học – công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho hàng triệu hộ riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha và nuôi trồng những loại cây, con khác nhau.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chừng nào nền sản xuất nông nghiệp nước ta còn chủ yếu vẫn là các hộ riêng lẻ, không liên kết với nhau, 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế và các yêu cầu rất hợp lý về sản xuất nông nghiệp, các chính sách về tín dụng, đào tạo, liên kết với các nhà khoa học sẽ rất khó thực thi, sáu mâu thuẫn nói trên tiếp tục tồn tại.

“Thực tế, các hộ nông dân Việt Nam chỉ có thể làm được chức năng là tổ chức sản xuất hiệu quả cao, song không thể làm được 2 chức năng: nghiên cứu thị trường, qui hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Giải pháp cơ bản cho các mâu thuẫn này chính là thành lập các HTX kiểu mới, theo Luật hợp tác xã năm 2012 và các hợp tác xã kiểu mới do nông dân sáng tạo đã ra đời trước năm 2012.”, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Tạo điều kiện để các HTX kiểu mới tăng tốc

Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cần đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của HTX, xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá. Thực tế thành lập và vận hành các hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã năm 2012 ở nhiều địa phương đã chứng minh các hợp tác xã này tuy chỉ có vài chục xã viên song đã thực sự giúp các hộ xã viên sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn hẳn, đặc biệt là qui hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Từ những chuyển biến về nhận thức và từ thực tiễn sinh động, sáng tạo trong thành lập và hoạt động của các mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Chính phủ, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật hợp tác xã, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong thời gian tới cần sớm tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể". Việc làm này sẽ là cơ sở để các địa phương đưa nội dung chuyển đổi, thành lập và phát huy các hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã năm 2012 vào nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ nhiệm kỳ tới. Cùng với đó các địa phương cần có kế hoạch và phân công trách nhiệm thực hiện của các cấp tỉnh, huyện và xã, tổ chức tập huấn Luật hợp tác xã 2012 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật hợp tác xã của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ; Các Bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam cần làm rõ cơ quan nào ở cấp quốc gia có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu thị trường để cung cấp các thông tin phù hợp cho các địa phương, các hợp tác xã và các doanh nghiệp nông nghiệp.

Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố, các ngân hàng thương mại cần triển khai quyết liệt việc cho các hợp tác xã kiểu mới vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ để tạo điều kiện cho các hợp tác xã kiểu mới tăng tốc phát triển trong 2-3 năm tới.

“Cần có chương trình hiệp thương và phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp trong xây dựng chỉ tiêu vận động thành lập các hợp tác xã ở mỗi xã, huyện để việc vận động đạt tiến độ nhanh và kết quả cao nhất. Với Luật hợp tác xã năm 2012 và các kết quả, tấm gương hợp tác xã kiểu mới ở nhiều địa phương, nếu đẩy mạnh việc hình thành và triển khai các HTX kiểu mới, đây là yếu tố nền tảng quan trọng nhất, là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân Việt Nam. "- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm đến nay, triển khai một số công việc trọng tâm từ nay đến cuối năm. Ban Chấp hành cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI; bàn về Kế hoạch tổ chức Đại hội Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và một số chủ trương lớn chuẩn bị báo cáo chính trị Đại hội Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2017-2022; Dự thảo kế hoạch đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã.

Hội nghị xác định, trong những tháng cuối năm, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “ Phụ nữ Việt Nam chủ động giúp nhau xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không, 3 sạch, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hội đẩy mạnh các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp và Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc, nhất là chỉ tiêu giúp ít nhất 400.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hội thoát nghèo…Các cấp hội chủ động chuẩn bị tổ chức Đại hội Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tiếp tục nắm bắt tình hình phụ nữ và góp ý xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Trung ương Hội chỉ đạo các cấp hội tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày Phụ nữ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hợp tác xã kiểu mới - Khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO