Kể chuyện phóng viên nghị trường

Hoàng Mai 20/06/2015 08:48

Một năm thường chỉ có 2 kỳ họp mà nhóm phóng viên theo dõi Quốc hội vẫn thường đùa là “Xuân Thu nhị kỳ” nhưng là hai “chuyến công tác” rất đặc biệt của các phóng viên nghị trường.

Các phóng viên phỏng vấn tại hành lang Quốc hội

Cần nhà báo có chính kiến nhưng không móc máy

Kỳ họp thứ 9- kỳ họp đầu tiên của năm nay đang diễn ra tại Nhà Quốc hội mới lại đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam. Như một lẽ thường tình, càng gần đến ngày 21-6, chúng tôi lại nhận được nhiều lời chia sẻ về nghề báo của những độc giả rất đặc biệt, phía sau cánh cổng Hội trường Ba Đình. Và với chúng tôi, đó thực sự là những lời nhận xét, động viên tinh thần rất có giá trị từ các ĐBQH. Là người rất nhiệt tình trả lời phỏng vấn báo chí, ĐBQH TP. Hà Nội Bùi Thị An bảo rằng báo chí là kênh quan trọng để các ĐBQH nắm được tình hình thực tế vì ĐBQH đâu thể đi hết được các vùng miền trong cả nước. Nói về phẩm chất của nhà báo, theo bà Bùi Thị An, đó là sự trung thực: “đây là một đức tính tôi cho rằng quan trọng nhất của nghề báo”. Còn ở hành lang QH, thì đại biểu Bùi Thị An đánh giá nhiều tờ báo phản ánh trung thực, có chính kiến mà không móc máy.

Thường xuyên chia sẻ ý kiến cùng anh em báo chí, bà Bùi Thị An có cách nhìn đầy động viên đối với các nhà báo nghị trường khi nói: “Những vấn đề dù nhạy cảm thì báo chí cứ phản ánh trung thực, còn quyền lựa chọn là của các nhà quản lý, ĐBQH, cử tri, vì dân trí giờ rất cao, không phải vì những bài “nóng” mà ĐBQH hiểu sai cơ quan quản lý đâu, mà là từ đó để gỡ những khó khăn. Còn viết báo mà cứ xuôi chiều, báo chí đi sau thì tôi cho rằng vô nghĩa. Riêng mảng phòng, chống tham nhũng, báo chí nên tập trung đi sâu hơn nữa thì rất tốt.”

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông:
“Luật pháp đã quy định rõ, trách nhiệm của báo chí là đưa những thông tin chính thức, mà các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước công bố, và mỗi cơ quan đều có người phát ngôn chính thức. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí, nếu nơi nào làm chưa tốt hoặc ai đó cản trở báo chí tác nghiệp thì chúng ta phải lên tiếng chấn chỉnh, thậm chí xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng điều quan trọng là làm sao báo chí tạo được niềm tin với người cung cấp tin. Tôi nhận thấy rằng, niềm tin là quan trọng, đừng làm mất lòng tin của các cơ quan nhà nước với báo chí và ngược lại.”

Đại biểu ngại nhất phóng viên “giật tít”

Vừa với tư cách một ĐBQH vừa là một “tư lệnh ngành”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng bộc bạch: “Riêng Bộ GTVT coi báo chí là kênh hết sức quan trọng giúp chúng tôi có được thông tin cần thiết nhằm xây dựng chính sách vĩ mô của mình một cách có hiệu quả, thiết thực, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Với góc độ cơ quan ban hành chính sách pháp luật, báo chí cũng giúp chúng tôi trong việc xây dựng văn bản Luật thuộc lĩnh vực của mình quản lý; lắng nghe ý kiến của người dân, tiếp thu những vấn đề được và chưa được để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sát với thực tế hơn.”.

Là người gần gũi và quí mến anh em báo chí, nhưng Bộ trưởng Thăng cũng như nhiều đại biểu khác “ngại” nhất là thông tin được phản ánh không chính xác. Ông bày tỏ: Với xu thế hiện đại và với sự cạnh tranh về thông tin hiện nay, tôi nghĩ rằng việc nhanh nhạy, đáp ứng thông tin kịp thời đối với bạn đọc là cần thiết, nhưng phải chính xác, trung thực vì với mỗi bài báo đưa ra, thông tin chính xác sẽ có tác động tích cực đối với xã hội; còn ngược lại, phản ánh không trung thực, thiếu khách quan, sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước và với cả báo chí. Bởi vậy, tôi mong rằng báo chí với vai trò và trọng trách của mình hãy là nơi để toàn xã hội đặt niềm tin vào công lý.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, đứng từ góc độ của một ĐBQH thì khẳng định: “Đối với, những người là ĐBQH như chúng tôi, báo chí là một kênh thông tin không thể thiếu, song chúng tôi cũng luôn mong muốn rằng những phần trả lời phỏng vấn, hay những ý kiến phát biểu của mình luôn được các nhà báo chuyển tải một cách trung thực, đúng ý đến với bạn đọc, với cử tri cả nước.”
Bởi, theo vị ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: “Nghề báo có nghiệp vụ của nghề báo, chúng tôi tôn trọng nhưng tránh chuyện giật tít có gì đó thành “đao to, búa lớn” hay “giật gân, câu khách”. Nhiều khi ý kiến ĐBQH rất bình thường, dung dị nhưng tác giả đưa lên một cách “đặc biệt” trong ngôn ngữ thể hiện dẫn đến từ một câu chuyện đơn giản bỗng trở nên phức tạp. Tôi mong các nhà báo với vai trò của báo chí là cầu nối giữa bạn đọc với cử tri, với người dân nên làm thế nào đó chuyển tải khách quan ý kiến của ĐBQH đến cử tri và ngược lại. Tránh chuyện võ đoán, suy luận bởi như thế sẽ không phát huy tác dụng mà làm suy giảm niềm tin đối với báo chí”.

Áp lực và vượt qua áp lực

Từ Hội trường Bộ Quốc phòng, hai kỳ họp gần đây, phóng viên nghị trường “theo chân” các ĐBQH vào tác nghiệp tại Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Đình mới. Đúng với tên gọi Hội trường mới và vì chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 10-2014 đến nay mới hơn 8 tháng nên cũng còn những sự ngỡ ngàng nhất định. Mặc dù từ nơi để xe rồi đi bộ đến Hội trường trong thời tiết tháng 6 nắng chang chang là một khoảng cách tương đối xa nhưng với những phóng viên nghị trường vốn đã quen rèn luyện trong áp lực thì đó cũng không phải là điều quá khó khăn. Cái khó lớn nhất của phóng viên theo dõi mảng QH là không nhận được sự chia sẻ, trao đổi hay kể cả nhận xét của nhiều ĐBQH.

Theo quan sát của các phóng viên, trong gần 500 ĐBQH có dễ tới một nửa hầu như ít khi phát biểu tại Hội trường hoặc các phiên thảo luận tổ. Còn các đại biểu thường nhiệt tình bày tỏ chính kiến, sẵn sàng trả lời phóng vấn bên hàng lang Quốc hội thì cũng chỉ khoảng dăm sáu chục người. Đương nhiên, điều này có nhiều lý do khác nhau, trong đó có tâm lý của chính anh em báo chí là hay phỏng vấn những “người quen” mà không biết rằng có thể có rất nhiều đại biểu khác cũng đang sẵn lòng trả lời… Nhưng, rõ ràng, QH là một diễn đàn rộng lớn, cần- rất cần sự trao đổi để đi đến thông hiểu vấn đề mà quan điểm của ĐBQH ngay trên diễn đàn hoặc bên lề kỳ họp là rất quan trọng. Bản thân mỗi phóng viên theo, đưa tin QH cũng rất muốn được sự ủng hộ của ĐBQH bằng cách nêu ra quan điểm cá nhân. Đại biểu càng sẵn sàng bày tỏ chính kiến với phóng viên, báo chí càng làm tốt vai trò cầu nối đại biểu với cử tri.

Mỗi kỳ họp QH diễn ra cả tháng. Vì thế mỗi khi phỏng vấn về vấn đề gì, trên báo chí thường xuất hiện quanh đi quẩn lại những gương mặt đại biểu Quốc hội “quen”. Họ với những phóng viên nghị trường qua vài kỳ họp Quốc hội thì trở lên thân thiết và với các phóng viên nghị trường thì phải nói rằng cực kỳ được an ủi vì có những đại biểu sẵn lòng thể hiện hết trách nhiệm của những đại biểu dân cử, để công việc của phóng viên theo dõi Quốc hội hoàn thành được nhiệm vụ cơ quan giao cho. Và trong thâm tâm những người làm báo chúng tôi mong muốn được nhiều hơn nữa ĐBQH quan tâm, chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm - đại diện cho nguyện vọng của cử tri – với báo chí để tiếng nói của họ đến rộng rãi hơn với cử tri cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kể chuyện phóng viên nghị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO