Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X: Hướng đến hình thành các vùng kinh tế - đô thị

THÀNH LUÂN - ảnh: HỒNG PHÚC 20/10/2015 15:04

Xác định vị trí nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và có kết nối từ trước với TP.HCM, tỉnh Tiền Giang đặt ra khâu đột phá đến 2020 là phải tận dụng được lợi thế nêu trên, trong đó đề cập đến việc xây dựng các cực tăng trưởng và các tiểu vùng kinh tế ngoại vi xung quanh các đô thị lớn là TP.Mỹ Tho, Thị xã Gò Công và Thị xã Cai Lậy.

Các đại biểu dự khai mạc ĐH Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X.

Ngày 20/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã chính thức khai mạc tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, với 349 đại biểu được triệu tập đại diện cho 41.756 đảng viên thuộc gần 800 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc trên địa bàn tỉnh.

Đến dự có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; ông Mai Văn Chính - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Phó Chủ tịch nước, cùng đại diện lãnh đạo các Ban Bộ ngành trung ương và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Đại tướng Ngô Xuân Lịch có lẵng hoa chúc mừng ĐH.

5 năm và những dấu ấn

Phát biểu khai mạc ĐH, ông Trần Thế Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang nhấn mạnh, ĐH lần này có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tác động đến nhiều mặt đời sống nhân dân trong 5 năm tiếp theo. ĐH cũng ghi nhận có hàng ngàn ý kiến tâm huyết của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn đã đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình ĐH.

Ông Ngọc cho biết, trong 5 năm qua, do kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, tỉnh Tiền Giang cũng đã chịu tác động không nhỏ. Tuy nhiên, với nỗ lực cao và định hướng tận dụng lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có mối liên kết với TP.HCM nên kinh tế - xã hội tỉnh đã duy trì và đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng đã đề ra.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã trình bày tóm tắt báo cáo chính trị tại Đại hội (ĐH). Theo ông Khang, kết quả thực hiện nghị quyết ĐH lần thứ IX của tỉnh Tiền Giang đã đạt được những thành tựu đáng chú ý. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra, đồng thời cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Riêng năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, mà trọng tâm là khu vực nông – lâm – ngư nghiệp (36,1%); khu vực công nghiệp – xây dựng (32,9%); trong khi có sự chuyển dịch tăng dần thương mại – dịch vụ (31%). Trong năm nay, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn cũng được dự kiến đạt 2.145 USD/người/năm.

Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang – Trần Thế Ngọc nhận lẵng hoa chúc mừng ĐH của Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Trong 5 năm qua, khâu đột phá được tỉnh Tiền Giang tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cụ thể, nhiều công trình, dự án đầu tư về giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt được đưa vào khai thác, sử dụng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Đến 2015 đã có 99,98% hộ dân được sử dụng mạng lưới điện; 96% người dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt ở khu đô thị; nhiều công trình thủy lợi gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu được ưu tiên đầu tư;…

ĐH cũng đánh giá vai trò của hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được đổi mới nội dung, cũng như phương thức hoạt động. Trong đó, các hoạt động tập trung hướng về cơ sở; các loại hình tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân được đổi mới, đa dạng hóa hình thức thực hiện, đã thực hiện tốt chức năng cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Bên cạnh các thành tựu, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng nhìn nhận nhiều mặt hạn chế trong 5 năm qua. Theo ông Nguyễn Văn Khang, dù tốc độ phát triển kinh tế đạt được Nghị quyết đề ra (tại ĐH IX – PV), tuy nhiên quy mô kinh tế của tỉnh nhìn chung còn nhỏ, với hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Môi trường đầu tư tại Tiền Giang cũng được đánh giá còn chậm được cải thiện, với nhiều ngành dịch vụ có lợi thế nhưng chưa khai thác tương xứng được với tiềm năng; sản xuất, kinh doanh trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; ngành công nghiệp phát triển còn mang tính tự phát, chưa có chiến lược rõ ràng. Là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế, tuy nhiên hiệu quả kinh tế trong ngành nông nghiệp còn chưa cao; hiệu quả đào tạo nghề trong nông nghiệp, nông thôn còn thấp; cung và cầu trong đào tạo, việc làm chưa gắn kết, còn lãng phí; số hộ ngưỡng nghèo và khả năng tái nghèo vẫn còn cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thừa nhận tỉnh chưa tận dụng và phát huy được lợi thế của mình khi là thành viên của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời có kết nối truyền thống với TP.HCM – nơi có thị trường tiêu thụ 10 triệu dân.

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỉnh Tiền Giang đề ra 9 chỉ tiêu và 5 khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, trong 9 chỉ tiêu nổi bật thì tỉnh đặt mục tiêu sẽ nâng thu nhập bình quân đầu người đến 2020 sẽ đạt 60 – 70,1 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 8,5 – 9,5%/năm; giải quyết việc làm cho 200.000 lao động/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến 2020 còn dưới 3%; 50% xã nông thôn mới đạt chuẩn quốc gia vào cuối nhiệm kỳ.

Đối với 5 khâu đột phá, ĐH xác định nhiệm vụ xây dựng các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm kinh tế, trong đó khâu đột phá hàng đầu là phải tận dụng lợi thế của Tiền Giang nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và mở rộng liên kết đi vào thực chất với thị trường TP.HCM. Song song đó, Tiền Giang cũng đặt mục tiêu quy hoạch các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi xung quanh các TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy.

Đại biểu và khách mời nhận hoa chúc mừng từ các em thiếu nhi.

Hình thành vùng kinh tế - đô thị

ĐH Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X xác định mục tiêu phải đầu tư tương xứng cho các đô thị trung tâm là TP.Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên tại các đô thị này, bao gồm: chế biến nông – thủy sản, thương mại – dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử; ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp đô thị.

Xung quanh các đô thị trung tâm là các vùng kinh tế - đô thị sẽ được hình thành trong tương lai. Cụ thể, vùng kinh tế - đô thị phía Đông sẽ bao gồm thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, trong đó thị xã Gò Công là đô thị hạt nhân. Khu vực này sẽ được quy hoạch chú trọng vào công nghiệp cơ khí, dịch vụ cảng, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái biển và bảo tồn rừng ngập mặn. Tỉnh Tiền Giang kỳ vọng sau năm 2020 thì vùng này sẽ hình thành Khu kinh tế biển của tỉnh.

Vùng kinh tế - đô thị phía Tây của Tiền Giang sẽ gồm thị xã Cai Lậy và các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, trong đó thị xã Cai Lậy là đô thị hạt nhân. Vùng này sẽ được quy hoạch phát huy lợi thế về chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thương mại – dịch vụ chợ đầu mối nông sản,…Trong đó, về lâu dài thì đây sẽ là khu vực nông nghiệp – dịch vụ của vùng Đồng Tháp Mười.

Tiền Giang cũng xác định TP.HCM và TP Cần Thơ là hai đô thị lớn cần tập trung mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại. Trong đó, mục tiêu là kêu gọi được các nhà đầu tư vào công tác quy hoạch, nhất là các vùng kinh tế - đô thị ngoại vi của 3 đô thị hạt nhân, các tiểu vùng kinh tế động lực.

Đột phát nhưng phải bền vững

Được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phân công đến dự và chỉ đạo ĐH, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khó khăn chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang để đảm bảo đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết ĐH lần thứ IX của tỉnh đã đề ra.

Dù vậy, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị, ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ X cần tiếp tục thảo luận, bổ sung cho dự thảo báo cáo chính trị về các mục tiêu, khâu đột phát để trên cơ sở kế thừa, cũng như rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ trước, từ đó vừa đặt ra các mục tiêu đột phá, nhưng sự phát triển vẫn giữ được nhịp độ bền vững.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch thay mặt Bộ Chính trị phát biểu chỉ đạo tại ĐH.

Đi vào những vấn đề cụ thể, ông Ngô Xuân Lịch nhìn nhận, các tuyến đường giao thông quan trọng do Trung ương đầu tư thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Tiền Giang liên kết kinh tế trong vùng và với các tỉnh khác trên cả nước. Tuy nhiên, Tiền Giang lại chưa tận dụng và phát huy được lợi thế này, nhất là lợi thế về địa lý, nông nghiệp và nguồn lao động. Trong đó, chưa phát huy và tạo mối liên kết giữa Tiền Giang với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM trong đầu tư phát triển toàn diện. Ông Lịch cũng cho rằng, việc thực hiện chủ trương của trung ương về 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Tiền Giang còn chậm, chưa tạo chuyển biến rõ nét. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế cũng còn nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chuyển dịch cơ cấu còn chậm.

Bí thư Trung ương Đảng Ngô Xuân Lịch đề nghị ĐH Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X cần phải tiếp tục nhìn nhận, nghiên cứu để rút kinh nghiệm đối với những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng. Trong đó, có các mặt cần phải “nhìn thẳng vào sự thật” để khắc phục, cải thiện, sẵn sàng phát triển và hội nhập. Các lĩnh vực được ông Ngô Xuân Lịch nhắc đến, bao gồm: chất lượng, hiệu quả cạnh tranh còn thấp; khả năng thích ứng của các ngành kinh tế còn hạn chế; tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn; lực lượng lao động đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.

Bí thư Trung ương Đảng Ngô Xuân Lịch cho rằng, mục tiêu quan trọng hàng đầu là Tiền Giang cần sớm chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế trên cơ sở quy hoạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, Tiền Giang cần chú ý thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của mình. Song song đó, cần quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được xu thế phát triển mới. Ông Lịch cũng gợi ý về chính sách thu hút nhân tài cho Tiền Giang và cho rằng đây là nhân tố quan trọng bổ trợ cho khiếm khuyết trước mắt của tỉnh về nguồn nhân lực, vốn đầu tư và khoa học – công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang.

Sau phát biểu chỉ đạo của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, ông Trần Thế Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang thay mặt Đoàn chủ tịch ĐH bày tỏ cảm ơn Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí Thư có những chỉ đạo, gợi ý sát với tình hình thực tiễn của tỉnh Tiền Giang. Ông Ngọc cho biết, từ ý kiến chỉ đạo của Trung ương, ĐH sẽ thảo luận việc đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng, nhất là kết nối với TP.HCM và các tỉnh/thành khác trong khu vực. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng sẽ cụ thể hóa và thực hiện quyết liệt Nghị quyết ĐH đề ra và những ý kiến chỉ đạo để triển khai vào thực tiễn. Việc trước mắt, ngay sau Đại hội là toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục đồng lòng, tập trung mọi nguồn lực khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển theo hướng nhanh và bền vững.

Theo chương trình, ĐH Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ bế mạc vào chiều mai (21/10).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X: Hướng đến hình thành các vùng kinh tế - đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO