Khai thác hợp lý nguồn nước

Lê Quốc Khánh 28/04/2016 15:39

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các Bộ ngành Trung ương nghiên cứu đề xuất cơ chế để khai thác hợp lý nguồn nước, có chính sách hỗ trợ người dân ở những vùng đặc thù…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp giao ban về ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Ngày 28/4, tại Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp giao ban giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô 2016 xuất hiện sớm 2 tháng và cường độ cao nhất so với lịch sử gần 100 năm qua, đe dọa đến sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL trong đó 10/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đã công bố thiên tai.

Hạn, mặn đã gây thiệt hại các vụ lúa năm 2015 và lúa Đông Xuân (ĐX) 2015-2016 là 208.800 ha trong đó có 118.400 ha bị thiệt hại trên 70% năng suất. Hạn mặn cũng làm ảnh hưởng đến diện tích xuống giống vụ Hè Thu 2016; gây thiệt hại cho 9.400 ha cây ăn qủa và 258.000 cây giống.

Hiện có khoảng 225.800 hộ với khoảng 1 triệu người dân bị thiếu nước trong sinh họat. Mặn tăng cao cũng đã làm cho khoảng hơn 2.000 ha nuôi thủy sản của các tỉnh bị thiệt hại.

Trước tình hình hạn hán quyết liệt, mặn xâm nhập sâu và độ mặn tăng cao, Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL kịp thời có những giải pháp ứng phó như: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; theo dõi diễn biến thời tiết và dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn; theo dõi dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông; hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phòng chống hạn mặn và chăm lo an sinh cho nhân dân với tổng số tiền hơn 660,6 tỷ đồng.

Nhiều tỉnh, thành đã chủ động vận chuyển, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng, khoan thêm cây nước ngọt, vận hành hợp lý các công trình thủy lợi để khai thác nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh. Bộ TN-MT tăng cường công tác dự báo, khẩn trương triển khai các dự án về BĐKH, triển khai 10 dự án, mô hình thích ứng với BĐKH ở các tỉnh Bến Tre và 27 dự án tại các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Qua đợt hạn mặn, BĐKH tác động đến người dân: Cần đối phó với 6 nguy cơ: Sạt lở, đất, sạt lở dòng sông; nhấn chìm do khai thác nước ngầm quá mức; nguy cơ nhiễm mặn do nước biển dâng, nước mặn xâm nhập tầng ngầm; nguy cơ ngày càng nhiều hộ nghèo; nguy co di dân tự do dẫn đến mất cân đối dân số; nguy cơ bất ổn.

Theo ông Phát, cần phải nghiên cứu sử dụng giống mới; tích trữ nước ngọt bằng giải pháp công trình; Tăng cường quản lý hơn 1,5 triệu cây nước ngầm; Cơ cấu lại sản xuất, mùa vụ.

Về lâu dài: Các nhà khoa học nghiên cứu, chức năng, nhiệm vụ của ĐBSCL trong việc đảm bảo an ninh lương thực; qui hoạch vùng này để sản xuất bền vững; điều tiết nước ngọt hợp lý đảm bảo cho sản xuất, dân sinh; Tính toán phương án liên kết vùng; Hình thành các khu công nghiệp bằng cơ chế thu hút đầu tư.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các Bộ ngành trung ương phối hợp với các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ: Ưu tiên đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân, khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt, hỗ trợ cho nhân dân duy trì cuộc sống ổn định; Bộ TN-MT theo dõi tình hình xả nước từ thượng nguồn sông Mê Kông và diễn biến mặn để khai thác nguồn nước ngọt và ngăn chặn xâm nhập mặn, sớm bổ sung kịch bản về giữ nước; Tập trung qui hoạch và điều chỉnh lại việc sử dụng đất, qui hoạch vùng, qui hoạch ngành nhằm thích ứng với BĐKH và nước biển dâng; Bộ NN&PTNT vận hành các công trình, tăng cường liên kết trong việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; UBND các tỉnh, thành sớm giải ngân các nguồn hỗ trợ cho nhân dân, chỉ đạo sát sao lịch thời vụ, cơ cấu lại mùa vụ, triển khai có hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng.

Trước tình diễn biến của thời tiết hết sức cực đoan, tăng cường tiềm lực để làm tốt công tác quan trắc, dự báo; Chủ động các biện pháp ứng phó trong từng giai đoạn, chú ý trữ nước ngọt.

Trên cơ sở qui hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn những dự án ưu tiên đầu tư theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn.

Các Bộ ngành Trung ương nghiên cứu đề xuất cơ chế để khai thác hợp lý nguồn nước, có chính sách hỗ trợ người dân ở những vùng đặc thù; xây dựng cơ chế để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng; cần mở rộng hợp tác quốc tế để ứng phó với BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác hợp lý nguồn nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO