Không tăng biên chế khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường

Theo VGP 18/10/2018 10:17

Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương theo mô hình mới sẽ có 63 chi cục quản lý thị trường ở các tỉnh, nay chuyển thành Cục Quản lý thị trường. Số lượng biên chế không tăng lên vì chỉ là sự dịch chuyển biên chế từ địa phương lên Bộ Công Thương.

Liên quan đến việc khi Bộ Công Thương thực hiện nâng Cục Quản lý thị trường lên Tổng cục Quản lý thị trường có làm tăng biên chế, đi ngược tại chỉ đạo của Chính phủ hay không, ông Trần Hữu Linh, tân Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường theo mô hình mới sẽ có 63 chi cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, nay chuyển thành Cục Quản lý thị trường.

“Biên chế đương nhiên có tăng lên ở Bộ Công Thương, song ở địa phương lại giảm đi nên chắc chắn số lượng biên chế sẽ vẫn giữ nguyên, chỉ là chuyển từ địa phương về Bộ”, ông Linh nói.

Cũng theo Tổng Cục trưởng, trước mắt, Bộ Công Thương ra quyết định giảm 164 đội QLTT. Lộ trình đặt mục tiêu đến hết 2020 sẽ giảm tới 375 đội Quản lý thị trường. Do đó, mỗi đội phải phụ trách hơn 1 địa bàn cấp huyện và tiến tới năm 2019 xây dựng phương án cấp Cục Quản lý thị trường liên tỉnh.

Chia sẻ thêm về mục đích thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, ông Linh cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, gian lận thương mại ngày càng phức tạp. Trước đây, gian lận thương mại chỉ mang tính cục bộ huyện, xã, một địa phương... thì những năm gần đây, gian lận thương mại nói chung và buôn lậu nói riêng… diễn ra ở nhiều khu vực và địa bàn cũng rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. Điển hình như các vi phạm bán hàng đa cấp, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng. Do vậy, đòi hỏi phải tổ chức lại bộ máy quản lý làm sao phản ứng kịp thời hơn.

“Gian lận thương mại và buôn lậu diễn ra liên tỉnh, liên vùng, hành vi lan tỏa lan nhanh, vi phạm xuyên biên giới diễn ra phức tạp… trong khi mô hình quản lý thị trường của ta giữ nguyên hơn 60 năm nay theo lối “cắt khúc”. Do vậy, thực tiễn đòi hỏi lực lượng mới, thay đổi tư duy chống buôn lậu và gian lận thương mại”, ông Trần Hữu Linh nói.

Mặt khác, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường cũng xuất phát từ tính liên kết trong thực tế vì trong quá trình chống gian lận thương mại, lực lượng quản lý thị trường chủ công phối hợp với biên phòng, hải quan, công an địa phương… mà tất cả các lực lượng trên đều đã hoạt động theo ngành dọc, từ đó đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường cũng phải hoạt động theo ngành dọc cho phù hợp để phát huy tối ưu sự liên kết.

Cũng liên quan tới vấn đề thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, trước đây có 63 đầu mối quản lý thị trường ở địa phương và Cục Quản lý thị trường ở Bộ Công Thương là 64 đầu mối. Do đó, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường thực tế sẽ tinh gọn lại và có số đầu mối giảm đi, không có gì mâu thuẫn với tinh thần giảm đầu mối cũng như bộ máy của Bộ Công Thương. Trước mắt giữ tinh gọn quản lý thị trường, số đầu mối giảm đi. Đầu mối và nhân sự không tăng, thậm chí còn giảm.

Ngày 8/3/2016, UBTV Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường. Có hiệu lực thi hành từ 1/9/2016, Pháp lệnh quy định vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng Quản lý thị trường.

Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không tăng biên chế khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO