Không thể 'trên nóng, dưới lạnh'

H. Vũ 30/12/2018 08:00

Năm 2018 là một năm “nóng” chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, tha hóa biến chất; với nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử, nhiều vị “quyền cao chức trọng” bị kỷ luật, vào vòng lao lý. Tuy nhiên, dư luận vẫn hy vọng rồi đây sẽ không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong cuộc chiến cam go này.

Không thể  'trên nóng, dưới lạnh'

Ông Lê Như Tiến.

Vai trò người lao động và người dân

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn tồn tại, khi mà trên thì quyết liệt, sốt ruột, rốt ráo nhưng ở dưới lại có phần rụt rè chậm chạp.

Theo ông Tiến, thậm chí có địa phương “ém” đi vì sợ khi có hiện tượng tham nhũng xảy ra ở địa phương mình thì xem xét trách nhiệm của người đứng đầu tại địa phương đó. Cho nên họ làm nhẹ đi, xoa dịu, thậm chí theo hình thức “giải quyết nội bộ”. Việc đó không phù hợp với quyết tâm của Trung ương và Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) quy định rõ “nếu thấy có tham nhũng phải kiên quyết xử lý, không trừ một ai và bất cứ cấp nào”.

Để “trên đã nóng thì dưới cũng phải nóng, ông Tiến cho rằng giải pháp quan trọng nhất vẫn chính là trách nhiệm của người đứng đầu. Để xảy ra tham nhũng hoặc có tham nhũng mà không phát hiện ra, hay phát hiện mà không xử lý kiên quyết đó chính là trách nhiệm của người đứng đầu. “Trong chỉ đạo của Trung ương, hay Luật PCTN cũng nhắc nhiều tới trách nhiệm của người đứng đầu. Rõ ràng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chứ không ai khác”- ông Tiến bình luận và thêm rằng, phát hiện tham nhũng không ở đâu, và không ai bằng chính “tai mắt nhân dân”.

Đó là những cán bộ nhân viên, viên chức người lao động ở nơi công tác. Còn nơi cư trú phát huy vai trò của người dân, vì người dân biết hết ai như thế nào? bao nhiêu biệt thự? bao nhiêu xe hơi? nhà lầu? Vì tài sản không phải là “cây kim sợi chỉ” có thể giấu được. Tham nhũng từ nguồn lợi của cơ quan như thế nào? Từ tài chính của cơ quan ra sao thì cán bộ công chức tại nơi công tác họ biết hết. Do thời gian qua chưa phát huy vai được vai trò của quần chúng nhân dân nơi công tác và nơi cư trú nên việc phát hiện tham nhũng còn hạn chế là như vậy.

Không thể  'trên nóng, dưới lạnh' - 1

Ông Phạm Văn Hòa.

Trách nhiệm người đứng đầu cơ sở với nạn “tham nhũng vặt”

Theo ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân đồng tình; nhưng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra phức tạp mà chưa được ngăn chặn kịp thời, ảnh hưởng đến công tác PCTN.

Chống tham nhũng vặt là mặt rất quan trọng trong công tác PCTN vì nó diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, thậm chí ở cấp tổ, thôn, xóm, ấp cũng xảy ra. Những hành vi này khó phát hiện vì không ai tố cáo, thậm chí còn có việc giữa “cán bộ với cán bộ” cũng tham nhũng, đưa hối lộ cho nhau. Hành vi đó có sự thỏa thuận giữa hai bên là người đưa và người nhận cho nên khó phát hiện.

Chính vì vậy để công tác PCTN tiến xa hơn một bước, theo ông Hòa, địa phương phải mạnh mẽ vào cuộc và đó chính là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Lãnh đạo địa phương phải trung thực và nêu gương, phải có tinh thần trách nhiệm thì công tác PCTN mới thực chất và đi vào nề nếp, chứ nếu có sự bao che thì rất khó, hay có một “lợi ích nhóm” nào đó thì cuộc chiến PCTN không đạt hiệu quả và kết quả cao.

“Khi ở trên đã chuyển, đã nêu gương thì ở dưới cũng phải nhìn vào đó mà hành động, cương quyết và quyết tâm. Bên cạnh đó cần phát huy tinh thần ý thức trách nhiệm của từng cán bộ đảng viên phát huy những cái tốt từ đạo đức, lối sống, lúc đó công tác phòng chống tham nhũng mới đem lại nhiều kết quả. Đặc biệt, công tác thanh tra kiểm toán phải vào cuộc quyết liệt và không bị một thế lực, áp lực ở trên, không bị áp lực ở dưới, và thực sự khách quan trung thực. Khi cơ quan thanh tra, kiểm toán đi vào các nơi, phát hiện thì phải cương quyết chỉ ra những sai sót, thiếu sót ở địa phương để khắc phục sửa chữa. Nếu vì “một vấn đề gì đó” mà nhẹ tay thì công tác PCTN ở địa phương hay các ngành khó mà có thể chuyển”- ông Hòa nói. Với tham nhũng vặt, cũng cần thái độ rõ ràng, quyết liệt của người đứng đầu. Vì không thể nói họ không biết cấp dưới của mình tư túi.

Không thể  'trên nóng, dưới lạnh' - 2

Ông Nguyễn Ngọc Phương.

Trách nhiệm nêu gương

Là Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, từ thực tiễn cơ sở, ông Nguyễn Ngọc Phương cho biết qua những lần tiếp xúc cử tri và nhân dân cũng đều có ý kiến về tệ tham nhũng. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp.

Vì thế, theo ông Phương, cần xử lý nghiêm minh, quyết liệt các tổ chức, cá nhân, kể cả cán bộ cao cấp và nghỉ hưu, không có vùng cấm, ngoại lệ hay đặc quyền cho dù người đó là ai. Thực tế, tham nhũng còn có ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống xã hội, từ người có địa vị thấp đến người có địa vị cao. Tham nhũng còn lây lan đến người chỉ có một chút chức trách. Vì thế, trong thời gian tới, để công tác PCTN chuyển động mạnh hơn cần phải thêm một lần nhận thức rằng tham nhũng vẫn đang trà trộn, ẩn nấp.

“Một cán bộ lão thành tuổi đã cao nhiều lần đến gặp tôi và kiến nghị là đề nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong công cuộc PCTN cần chọn nêu gương người đứng đầu gương mẫu, liêm khiết để kéo theo cả bộ máy liêm khiết. Người đứng đầu phải tỏ rõ quyết tâm cam kết không tham nhũng, không để vợ, con, bố mẹ, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình để trục lợi, làm ăn bất chính. Bản thân cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh PCTN, lãng phí, không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm dụng, vay mượn tài sản của các đối tượng để quản lý trái pháp luật. Phải thực hiện nghiêm việc kê khai đúng tài sản của mình. Cũng như phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để xử lý nghiêm các vụ án”- ông Phương nói.

Không thể  'trên nóng, dưới lạnh' - 3

Ông Võ Văn Thưởng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Khi đi làm việc với các địa phương về nội dung kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh: Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực, đơn vị, địa phương dễ xảy ra tham nhũng.

Để giải quyết được, phải đề cao tự kiểm tra chấn chỉnh sai phạm trong nội bộ, vừa phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan chuyên trách.

Đồng thời cần chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; giải quyết những vụ việc vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo tính nhân văn, thấu tình đạt lý.

Cần tăng cường thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa trong tất cả các lĩnh vực với các giải pháp như: hoàn chỉnh các quy định, đẩy mạnh cải cách hành chính. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều chuyển ở các vị trí nhạy cảm nên làm thường xuyên, đúng quy định; kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức làm thường xuyên, đúng thực chất.

Bên cạnh đó cần tiếp tục quán triệt kỹ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các kết luận của Ban chỉ đạo. “Khắc phục cho được tình trạng trên thì làm tích cực nhưng ở dưới còn chậm chạp. Rồi khắc phục cho được tình trạng tham nhũng vặt”- ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể 'trên nóng, dưới lạnh'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO