Kiên quyết sắp xếp lại gần 60.000 đơn vị sự nghiệp công lập

Nguyên Khánh 11/08/2017 08:05

Đề án về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Nội vụ cho biết, sẽ kiên quyết sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị. Việc đổi mới, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp không chỉ tiết kiệm được tiền ngân sách mà vận hành theo cơ chế thị trường, các đơn vị này phải tự cải tiến đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Đề án xoay quanh 5 vấn đề rất quan trọng, đó là đẩy mạnh phân cấp (phân cấp về quản lý và tài chính), đề xuất chuyển từ phí qua giá để các đơn vị sự nghiệp công lập đủ thu đầu vào và hạch toán được đầu ra, đảm bảo hoạt động tự chủ được vấn đề tài chính của mình. Cùng với đó, nghiên cứu từng bước xóa bao cấp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo được sự cạnh tranh giữa các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đối xử bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp tư để khuyến khích họ cạnh tranh với nhau.

Đề án cũng đưa ra vấn đề là phải có quy hoạch định hướng phát triển đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng quy hoạch về tiêu chuẩn, điều kiện để phát triển và theo hướng Nhà nước giảm dần chi cho đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Dù Đề án đổi mới sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công chưa được thông qua nhưng hiện nhiều Bộ, ngành địa phương đã chủ động sắp xếp lại nhân sự thuộc các đơn vị sự nghiệp.

Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, hiện TP Hà Nội đã cơ bản sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, đã rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã từ 630 đơn vị xuống còn 376 đơn vị (giảm 254 đơn vị).

Trong đó, sáp nhập 3 trung tâm (Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, Trung tâm Dạy nghề) thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Sáp nhập Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể thao và Đài Phát thanh thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao. Sáp nhập Chi nhánh Phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp vào Ban Quản lý dự án cấp huyện... Điều này đã giúp Hà Nội đạt kết quả tốt trong công cuộc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, cắt ai giảm ai, làm sao để đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính và không dựa vào tiền ngân sách quả không dễ dàng. Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính Phạm Văn Trường cho biết, một số đơn vị sự nghiệp công lập thực tế vẫn chưa sẵn sàng để tiến tới tự chủ và thậm chí, còn có tâm lý trông chờ vào ngân sách Nhà nước.

Theo ông Trường, dù cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức tại các đơn vị, bộ, ngành, địa phương về tinh giản biên chế, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp nhưng một số đơn vị chưa sẵn sàng và có tâm lý trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Thậm chí để đẩy nhanh tiến độ đổi mới đơn vị sự nghiệp, Bộ Tài chính đã giao các đơn vị cấp dưới thực hiện 7 nghị định về cơ chế tự chủ từng chuyên ngành để ban hành nhưng quá hạn cả năm vẫn chỉ có 2 nghị định được ban hành.

Để đẩy nhanh tiến độ đổi mới, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ- của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó đã xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Nghị định. Việc giao cụ thể đầu việc cho từng Bộ ngành, địa phương và quy trách nhiệm cho từng đơn vị chắc chắn sẽ khiến các đơn vị được giao nhiệm vụ không thể chần chừ để ỉ lại mãi vào bầu sữa ngân sách được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết sắp xếp lại gần 60.000 đơn vị sự nghiệp công lập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO