Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng

Trung Hiếu Ảnh: Thành Trung 29/12/2016 19:25

Về việc tiếp thu các ý kiến, phát giác của nhân dân về những vi phạm pháp luật, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Mặt trận sẽ thay người dân chuyển các ý kiến này đến các cơ quan chính quyền và cơ quan Đảng tùy vào nội dung các ý kiến.

Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị.

Chiều 29/12, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai nhiệm vụ năm 2017 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương.

Dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng.

Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng - 1

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Chủ động nắm tình hình nhân dân

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, năm 2016 là năm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều khởi sắc, diễn ra sôi nổi, rộng khắp với nhiều nội dung, phương thức đa dạng, phong phú, sát với thực tiễn, sát đối tượng.

Công tác tuyên truyền, vận động có sự đổi mới, được triển khai đồng bộ, hiệu quả, định hướng dư luận và kịp thời phản ánh thông tin hai chiều đến với các tầng lớp nhân dân, góp phần ổn định tình hình các địa phương trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã nỗ lực tiếp tục tìm kiếm giải pháp chăm lo cho đời sống của nhân dân, của đoàn viên, hội viên. Thông qua đó, việc nắm bắt tình hình nhân dân được hiệu quả hơn.

Công tác vận động, phát huy tinh thần sáng tạo, ý thức tự quản trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai thiết thực, hiệu quả ở nhiều địa phương, cơ sở.

Các hoạt động vì người nghèo và công tác vận động, hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, thủy hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung được triển khai kịp thời,góp phần giúp đỡ nhân dân từng bước ổn định cuộc sống.

Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng - 2

Quang cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, phản biện xã hội ở một số nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công phối hợp triển khai thực hiện.

Việc nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, nhất là những vấn đề bức xúc của nhân dân.

Có nơi, có thời điểm một số tổ chức chính trị - xã hội chưa mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, hội viên.

Trong năm 2017, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động nắm tình hình nhân dân, cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong nhân dân; đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các diễn đàn trao đổi, đối thoại, tiếp xúc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân, phản ánh đến các cơ quan Đảng, chính quyền; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc xử lý, giải quyết và trả lời các kiến nghị của nhân dân; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn.

Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng - 3

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Phát huy sức mạnh của nhân dân trong hoạt động giám sát

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai sâu rộng đạt hiệu quả, có sức lan toả, đúng mục đích, trọng tâm, trọng điểm, Ban Dân vận Trung ương cần tiếp tục quan tâm phối hợp trong việc tuyên truyền tạo ra nhận thức thống nhất về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội, nhất là trong các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

“Cần xây dựng các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định, kỹ năng thực hiện công tác giám sát, phản biện và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Bên cạnh đó định kỳ trao đổi, lựa chọn, đề xuất những vụ việc, nội dung cử tri, nhân dân, dư luận quan tâm bức xúc, kiến nghị hoặc thông qua hoạt động của mình phát hiện những vẫn đề cần tiến hành các hình thức giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp” - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Liên quan đến vấn đề phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Dân vận Trung ương có sáng kiến xây dựng, hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong hoạt động giám sát nói chung, giám sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong việc phối hợp triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Dân vận Trung ương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức tập huấn, tiến hành sơ kết, tổng kết, biểu dương nhằm nhân rộng các điển hình tiên tiến về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, để xây dựng cơ chế phát huy vai trò của Mặt trận, ngăn chặn tự chuyển hoá trong nội bộ thì Mặt trận cần phối hợp với các cơ quan Trung ương và tăng cường phối hợp ở cơ sở. Và để làm tốt điều này đòi hỏi Mặt trận phải thực hiện tốt việc tập hợp tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để thực hiện việc giám sát, phản biện.

Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng - 4

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, trong năm 2017, để triển khai việc giám sát, phản biện hiệu quả, hai bên cần phối hợp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và tham gia giải quyết bức xúc của nhân dân.

Đồng thời hai bên cần tạo ra định hướng tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và xây dựng cơ chế tiếp nhận thông tin từ nhân dân để làm cơ sở bổ sung nội dung, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân

Trong công tác dân tộc và tôn giáo, MTTQ sẽ tổ chức giao ban 6 tháng một lần về những hoạt động của tôn giáo và mời các cơ quan tham mưu cấp uỷ, Quốc hội, Chính phủ cùng nhau rà soát công tác tôn giáo trong 6 tháng.

Theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đây là một việc làm hiệu quả để cùng nhau nắm bắt được thông tin về tôn giáo và rút kinh nghiệm từng vụ việc xảy ra để từ đó tham mưu cho chính quyền nhằm đảm bảo các hoạt động của tôn giáo tuân theo đúng pháp luật và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, tín đồ tôn giáo.

MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận cần tiếp tục phối hợp với nhau để cụ thể hoá những hoạt động chung về tôn giáo.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng, cho rằng trong năm 2017, MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương cùng phối hợp giám sát những vấn đề liên quan đến chính sách đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo trong một số lĩnh vực như việc xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đặc biệt đối với phụ nữ là người dân tộc thiểu số; đối với tín ngưỡng, tôn giáo cần giám sát những khó khan, vướng mắc về tín ngưỡng sao cho phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay.

Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng - 5

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Hình thành quy trình giám sát

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Nghị quyết liên tịch giữa hai cơ quan đã có phác thảo ban đầu. Hai cơ quan sẽ đi một số địa phương xem xét việc triển khai phản biện, sự tham gia của chính quyền địa phương để tập hợp, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, sau đó tổ chức hội nghị giữa hai cơ quan để góp ý vào dự thảo Nghị quyết.

Trong đó, 2 bên cần đẩy mạnh phối hợp trong cuộc vận động Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh, gắn cuộc vận động này với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); phối hợp tốt hơn trong việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở; phối hợp về công tác dân tộc tôn giáo.

Đối với công tác giám sát, phản biện xã hội, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, vừa qua, MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc giám sát, phản biện xã hội, trong đó có sự tham gia của 10 đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và 8 bộ ngành. Thời gian tới, cần xây dựng, hình thành một quy trình, nội dung giám sát cũng như phương pháp đảm bảo thi hành kết quả giám sát.

“Giám sát của MTTQ có đặc thù là không có chế tài, vì vậy cần có một quy trình giám sát, phối hợp với chính quyền và các tổ chức Đảng thực hiện” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đối với nội dung thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây là vấn đề quan trọng nhưng có phân tuyến theo cách làm của chính quyền, MTTQ và cơ sở Đảng.

Hiện, Chính phủ đang tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, căn cứ vào đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương cần xem xét thực tiễn hoạt động dân chủ của cơ sở Đảng, sau đó Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị sơ kết, nhằm thực hiện tốt hơn hoạt động này trong thời gian tới.

Xung quanh nội dung về công tác dân tộc và tôn giáo, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Dân vận Trung ương chủ trì, xây dựng kế hoạch hàng năm để trình Ban Bí thư, có sự tham gia của các đơn vị liên quan của Chính phủ, Quốc hội, MTTQ.

Quốc hội đã thông qua Luật tín ngưỡng tôn giáo, đó cũng là cơ sở pháp lý để định ra những công việc cần thiết; đồng thời, hai bên cần xây dựng chương trình phối hợp trong công tác này, từ việc trao đổi thông tin cho đến công tác khen thưởng.

“Việc triển khai, phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo cần phải được thực hiện sớm cả đối với đồng bào tôn giáo và các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với quốc tế, hai bên cũng cần phối hợp với nhau tổ chức những cuộc gặp gỡ, tọa đàm với các đại sứ, các tổ chức nước ngoài về tôn giáo tại Việt Nam”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Riêng việc tiếp thu các ý kiến, phát giác của nhân dân về những vi phạm pháp luật, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Mặt trận sẽ thay người dân chuyển các ý kiến này đến các cơ quan chính quyền và cơ quan Đảng tùy vào nội dung các ý kiến. Những thông tin của báo chí, công luận cũng cần được quan tâm nếu đủ cơ sở.

Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng - 6

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận cuộc họp, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ mục đích mà hai cơ quan đều hướng đến đều là việc của dân và việc của Đảng.

Nội dung thống giữa 2 bên trong năm 2017-2018, trong đó có các nội dung của dự thảo nghị quyết liên tịch về giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam, công tác tôn giáo, dân tộc là đóng góp cụ thể cho việc triển khai Nghị quyết TW4.

Theo bà Trương Thị Mai, hai bên sẽ tổ chức các hội nghị giới thiệu các kinh nghiệm hay cho các địa phương, khu vực để tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Ban Dân vận Trung ương và UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng sẽ phối hợp tổng kết 10 năm Pháp lệnh 34 về Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo góc độ của Đảng để hoặc là sửa đổi, bổ sung pháp lệnh này, hoặc nâng lên thành luật.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, với quan hệ mật thiết trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng giao, Mặt trận và Ban Dân vận TƯ dù chức năng và nhiệm vụ khác nhau, nhưng không thể tách rời nhau. Bởi hai bên đều gắn bó với nhân dân, vận động nhân dân tuân thủ pháp luật, phát huy đại đoàn, đồng thuận xây dựng đất nước…

Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng - 7

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau hội nghị.

“Thực hiện công việc này sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, nhưng chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện tốt nhất công việc mà Đảng và nhân dân giao phó”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận sẽ thay người dân chuyển ý kiến đến chính quyền hoặc cơ quan Đảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO