Minh bạch nợ công

Việt Thắng 30/05/2017 22:04

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Theo ĐBQH Quách Thế Tản (Hòa Bình), nợ công làm ảnh hưởng tới nền tài chính quốc gia cho nên nợ công cần được giám sát chặt chẽ, trong đó bao gồm: nợ Chính phủ; nợ Chính phủ bảo lãnh; nợ của chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn vấn đề trước đây “bao cấp” tràn lan. Cho nên giờ cần siết lại để phù hợp với chủ trương của Đảng và ngân sách quốc gia.

Nợ công làm ảnh hưởng tới nền tài chính quốc gia. Ảnh minh họa.

Hạn chế mức vay của địa phương

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM), nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ cao, mỗi năm tăng bình quân 300 nghìn tỷ đồng, đang vào khoảng 63,7% GDP. Việc quản lý nợ công đặt tổng thể trong các Luật đã ban hành trước đây như Luật Đầu tư công, Luật Sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh. Nợ công cao nhưng cái gì đảm bảo nợ công thì trong Luật chưa đảm bảo.

“Ví dụ tài sản nhà nước, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đều là cái đảm bảo cho nợ công. Nếu các khoản đầu tư đảm bảo thì sẽ góp phần giải quyết nợ công. Cho nên cần tương thích với các luật mới ban hành, làm rõ phạm vi, công cụ việc vay lại của chính quyền địa phương”- ông Ngân nói, đồng thời cho rằng nợ công cần được công khai, minh bạch, cập nhật chính xác liên tục để các cơ quan nắm được, gắn chặt với đầu tư công để quản lý công hiệu quả nhất.

Cũng theo ông Ngân, đối tượng được vay lại gồm: tổ chức tài chính tín dụng, doanh nghiệp, địa phương. Điều kiện phải chặt chẽ hơn nhưng đây lại dễ hơn. Do đó không đảm bảo an toàn nợ công. Chính vì vậy điều kiện vay nợ phải chặt chẽ, khó hơn vay bình thường. Đồng thời cần bổ sung thêm khoản giám sát cho vay lại. Để kéo dãn bội chi ngân sách, nên hạn chế bảo lãnh tối đa của Chính phủ.

Bởi khi tính nợ công có tính nợ Chính phủ bảo lãnh, hiện nay khoảng 500 ngàn tỷ đồng, chiếm 17,8% nợ công. Chính phủ nên giới hạn tối đa đối tượng bảo lãnh để giảm nợ công.Phải hạn chế mức vay của chính quyền địa phương ở những đơn vị còn sử dụng vốn Trung ương cấp, bổ sung.

Theo ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) nợ công làm ảnh hưởng tới nền tài chính quốc gia cho nên nợ công cần được giám sát chặt chẽ, trong đó bao gồm: nợ Chính phủ; nợ Chính phủ bảo lãnh; nợ của chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn vấn đề trước đây Chính phủ “bao cấp” tràn lan.

Cho nên giờ cần siết lại để phù hợp với chủ trương của Đảng và ngân sách quốc gia. Sau khi nhấn mạnh “cần quản lý nợ công thật sự chặt chẽ, khoa học bởi nợ công liên quan đến việc đầu tư, chi tiêu, chính sách tài khóa ngắn hạn, trung hạn, dài hạn”- ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị, phải có được cơ chế pháp lý hỗ trợ cho cơ chế kinh tế để chúng ta đảm bảo quản lý tốt rủi do nợ.

“Chúng ta vay ai? Vay bao nhiêu? Chi vào cái gì? chi vào thời điểm nào? Tính toán hiệu quả ra sao? Thậm chí phải tính được hậu quả mà chúng ta vay và chi tiêu ra sao thì chỗ này là hệ thống pháp luật của chúng ta đang rất thiếu những quy định. Bao nhiêu doanh nghiệp nợ nần bao nhiêu nghìn tỷ đồng cuối cùng Chính phủ phải trả nợ. Mà Chính phủ là ai? Là dân ta. Vậy tiền Chính phủ trả nợ là tiền của dân. Bây giờ phải kiếm từng đồng đi trả nợ, thậm chí nhiều thế hệ mới trả được hết. Tôi cho rằng đây là vấn đề phải được xem xét một cách hết sức nghiêm túc để thiết kế quy định nợ công làm sao để đảm bảo hiệu quả đầu tư cao và phải an toàn tài chính”- ông Nhưỡng nói.

ĐBQH Phạm Phú Quốc phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc Anh.

“Đời cha” nghỉ, vậy ai chịu trách nhiệm?

Bày tỏ không yên tâm khi Dự thảo không đưa khoản tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đơn vị sự nghiệp công lập vào nợ công, ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phân tích: “DNNN vừa qua hoạt động rất kém hiệu quả, để lại nợ lớn. Nhất là nếu vay nước ngoài thì lại càng nguy hiểm, trước sau Nhà nước cũng phải thanh toán để bảo vệ uy tín quốc gia. Tương tự, khoản vốn Chính phủ vay về cho địa phương vay lại thì hầu hết các địa phương này cũng khó khăn, được điều tiết ngân sách từ Trung ương, thế thì suy cho cùng Trung ương vẫn trả”.

Theo ông Gia, điều quan trọng nhất chính là dự thảo Luật cần chú trọng quy định về trách nhiệm cá nhân sao cho khả thi, bởi vay ODA thường là đời cha vay đời con trả. “Đến lúc không trả được thì người đứng đầu ký vay ngày trước đã nghỉ rồi, quy trách nhiệm thế nào?”- ông Gia nêu vấn đề.

Còn ĐB Nguyễn Văn Giàu (An Giang) cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam thì cơ chế các cơ quan kiểm soát lẫn nhau thì tốt hơn, vấn đề là phân chia trách nhiệm rõ ràng. Nói như lời ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) thì: “Nợ công cao trong tình hình như hiện nay GDP không đạt thì có thể vượt trần bất kỳ lúc nào, nợ Chính phủ thì đã vượt trần rồi. Đề nghị chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của người ký bảo lãnh vay nhưng nội dung này trong Dự luật hãy còn sơ sài. Đáng lưu ý cơ chế 3 bộ ngành quản lý nợ công như hiện nay là bất hợp lý. Nên thu về một mối, 1 trong 3 bộ ngành hiện nay quản, hoặc thành lập một cơ quan mới chứ không nên để một người đàm phán, một người đem phân bổ và một người trả nợ như hiện nay”.

Với ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM), “Bội chi ngân sách kéo dài, cộng với không ai chịu trách nhiệm liên quan đến bội chi một thời gian dài dẫn đến tăng nợ Chính phủ, tăng nợ công. Bên cạnh đó, nợ chính quyền địa phương cũng chưa được thể hiện rõ do dồn vào nợ Chính phủ, do được Chính phủ cho vay lại. Điều này cho thấy tăng nợ công của chính quyền địa phương không được chú ý. Sử dụng nợ công thực hiện các dự án đầu tư công kém hiệu quả, đội vốn đầu tư DNNN, đẩy gánh nặng lên ngân sách, ngân sách chịu không nổi”.

Ông Quốc cho rằng, Luật Ngân sách không cho phép nợ công vượt quá con số đầu tư ngân sách. Nhưng năm 2016 vượt gần 1.000 tỷ đồng nhưng không ai chịu trách nhiệm dẫn đến nợ công tăng. Một số dự án đầu tư gây đội vốn gây áp lực nợ công do đó cần có điều khoản kiểm soát những dự án tiềm ẩn rủi ro. Phân công trách nhiệm liên quan tới 3 bộ, ngành.

“Một bên đàm phán với các định chế tài chính quốc tế, nhưng nhận và trả tiền lại là bên khác. Cho nên cần quy về một mối, ai vay người đó trả để đảm bảo uy tín quốc gia. Phải rõ từng tiêu chí để từng người hiểu được trách nhiệm của mình”- ông Quốc nói.

Băn khoăn khi cho rút đơn tố cáo

Cũng trong buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Từ thực tiễn, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ băn khoăn về quy định rút đơn tố cáo. Bà Hải nói: “Qua giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo thấy rằng, trong 1 tuần Ban Dân nguyện nhận được 264 đơn, trong đó đơn khiếu nại chiếm 30%, tố cáo là 70%. Từ trước đến nay chưa bao giờ có rút tố cáo nhưng hiện đưa vào Luật nội dung rút đơn tố cáo. Đi giám sát tại địa phương thấy rằng chỉ có xin rút đơn khiếu nại còn tố cáo không rút. Vì khi có tố cáo rồi thì đã trải qua khiếu nại và có căn cứ bằng chứng. Đa số ý kiến tán thành với việc cho rút đơn tố cáo khi người tố cáo thấy không có căn cứ nên xin rút nhưng trong quá trình xem xét giải quyết thấy có căn cứ thì vẫn kiểm tra xác minh. Nhưng tôi nghiêng về thiểu số đó là không cho rút. Vì thực tế có sự thỏa thuận giữa người tố cáo và người bị tố cáo, chưa kể người tố cáo bị đe dọa. Khi có đơn rút thì đình chỉ tố cáo lo sẽ bỏ lọt, là kẽ hở pháp luật để thỏa thuận hay đe dọa. Vì vậy khi có tố cáo cần giải quyết theo trình tự thủ tục đơn tố cáo. Chứ nếu bổ sung quy định rút đơn tố cáo là rất băn khoăn”.
Còn theo ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), quy định bảo vệ người tố cáo chưa được luật hóa. Có 11 điều quy định trách nhiệm của nhiều tổ chức khác nhau trong bảo vệ người tố cáo nhưng trách nhiệm không cụ thể cần áp dụng từ đâu? Cơ quan nào chịu trách nhiệm chính? Sau bao nhiêu ngày nhận được đơn thì áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. Cho nên cần được lượng hóa, quy trách nhiệm các cơ quan bảo vệ người tố cáo từ: Công an, UBND, rồi Công đoàn. Nên giao cho bên Công an có trách nhiệm chính. Theo đó sau khi tiếp nhận xử lý đơn tố cáo của công dân thì cơ quan tiếp nhận yêu cầu bên Công an áp dụng ngay biện pháp bảo vệ người tố cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO