Mô hình cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Xác định trong bối cảnh hiện tại

H.Vũ 24/01/2018 09:15

Mô hình chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) vẫn chưa có sự thống nhất trong Luật Đơn vị HCKTĐB. Dẫu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật, đã đưa ra phương án mới bên cạnh 2 phương án mà Chính phủ trình song đến nay vẫn chưa chọn được mô hình hợp lý.

Mô hình cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Xác định trong bối cảnh hiện tại

Phú Quốc trên con đường trở thành đặc khu.

Từ 2 phương án được Chính phủ trình là: thực hiện thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB; chính quyền đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND, UBND tương tự như ở các đơn vị hành chính hiện nay, thì Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề xuất phương án mới. Theo đó, chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đơn vị HCKTĐB (gọi tắt là Hội đồng đặc khu) và UBND đơn vị HCKTĐB (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở đơn vị HCKTĐB cho chủ tịch Ủy ban đặc khu.

Cụ thể, Hội đồng đặc khu và Ủy ban đặc khu được tổ chức tinh gọn theo hướng: Hội đồng đặc khu có từ 12 đến 15 đại biểu; tất cả hoặc đa số đại biểu hoạt động chuyên trách; không tổ chức Thường trực Hội đồng đặc khu và các ban của Hội đồng đặc khu. Hội đồng đặc khu có cơ cấu, thành phần đại biểu phù hợp với đặc điểm của đơn vị HCKTĐB (bao gồm đại diện cử tri ở các khu hành chính, các chuyên gia về pháp luật, kinh tế, tài chính, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn). Ủy ban đặc khu chỉ bao gồm chủ tịch và các phó chủ tịch. Chủ tịch Uỷ ban đặc khu do Hội đồng đặc khu bầu theo giới thiệu của chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn;

Trong khi đó, Hội đồng đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan tới nhân sự chủ chốt, định hướng phát triển, ngân sách đơn vị HCKTĐB, một số vấn đề liên quan trực tiếp tới cộng đồng dân cư địa phương, và tập trung thực hiện chức năng giám sát. Phân định rành mạch giữa nhiệm vụ, quyền hạn tập thể của Ủy ban đặc khu và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban đặc khu, theo đó Ủy ban đặc khu chủ yếu thảo luận, quyết định các vấn đề trình Hội đồng đặc khu và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng đặc khu. Hầu hết các thẩm quyền về điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội tại đơn vị HCKTĐB được tập trung cho Chủ tịch Uỷ ban đặc khu để tăng tính chủ động, linh hoạt

Bên cạnh đó, phương án này cũng bổ sung một số quy định về cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại địa phương để tăng cường kiểm soát hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB. Các cơ chế giám sát, kiểm soát gồm giám sát của Quốc hội, HĐND tỉnh, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; kiểm tra của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên vẫn được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Trên cơ sở kết quả thảo luận, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã biểu quyết về từng phương án tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB. Kết quả, có 3/12 thành viên tán thành Phương án 1; không có thành viên nào tán thành Phương án 2; 9/12 thành viên tán thành Phương án 3 (phương án mới).

Ông Bùi Văn Xuyền- Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1 là phương án Chính phủ trình. Bởi theo ông, Luật đơn vị HCKTĐB do Quốc hội thông qua, và Quốc hội có quyền quy định chính quyền địa phương ở đây cho phù hợp với đơn vị HCKTĐB. Nó không phải cấp chính quyền mà là đơn vị HCKTĐB. “Nếu là cấp chính quyền phải theo thứ tự cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã nhưng đơn vị HCKTĐB do Quốc hội thành lập thì lúc này có thể cho tương đương cấp huyện hoặc tương đương cấp tỉnh” - ông Xuyền bày tỏ.

Theo ông Xuyền, Trung ương đã xác định cần theo mô hình mang tính đột phá, và thử nghiệm mô hình mới. Đã là đột phá, thử nghiệm thì phải theo phương án 1, mạnh dạn có phương án đột phá tạo ra khác biệt để thử nghiệm trong thực tiễn để còn tổng kết và đánh giá. Nếu theo phương 2 hay 3 không có gì đột biến đặc biệt.

Cũng theo ông Xuyền, 3 địa phương là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang cũng đồng tình ủng hộ phương án 1 vì nó mang tính đột phá trong cải cách hành chính, đổi mới giao quyền cho trưởng đơn vị HCKTĐB. Thể chế có sự khác biệt nhưng vì là đặc biệt nên phải dành cho nó sự khác biệt theo tinh thần của Trung ương để có mô hình mới thử nghiệm mô hình mới trong tổ chức điều hành quản lý. Còn những vấn đề lo ngại cần có các thiết chế kèm theo.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Sinh- Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phương án nào cũng có mặt được, mặt chưa được. Tuy nhiên, với mô hình tổ chức, cơ chế vận hành là vấn đề quan trọng phải đặt trong bối cảnh hiện nay chứ không phải theo mô hình cách đây mấy chục năm của các nước mà giờ học theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Xác định trong bối cảnh hiện tại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO