Mốc son trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà                (Viện Lịch sử Đảng) 04/08/2019 08:00

55 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng ngày 5/8/1964 đã đánh dấu thắng lợi đầu tiên của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ - một chiến thắng mà sau này giới nghiên cứu quân sự  và cả chính khách của Mỹ vẫn phải nhắc tới khi nói về chiến tranh Việt Nam.

Mốc son trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân trao thưởng cho tập thể cá nhân trong trận đầu thắng Mỹ ngày 2 và 5/8/1964. Ảnh: Tư liệu.

Tạo cớ để mở rộng chiến tranh

Trong Bị vong lục về hành động an ninh quốc gia số 288, được Tổng thống Mỹ Johnson lúc bấy giờ phê chuẩn ngày 17/3/1964 đã đề xuất 12 biện pháp lớn nhằm xoay chuyển tình hình cuộc chiến tranh có lợi cho Mỹ, có biện pháp thứ 8 về việc chuẩn bị các hoạt động trả đũa chống lại miền Bắc Việt Nam. Nhằm “gây sức ép quân sự công khai từng bước một” đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ vạch ra Kế hoạch tác chiến 34A, mở rộng phạm vi trinh sát, ném bom ở Lào, để khi cần, mở màn cho việc ném bom miền Bắc và Kế hoạch Desoto, dùng tàu hải quân tuần tra ở vịnh Bắc Bộ, phô trương lực lượng, gây sức ép tâm lý, thu thập thông tin tình báo hỗ trợ cho Kế hoạch 34A, khiêu khích hải quân miền Bắc Việt Nam.

Các chuyến bay trinh sát nhằm phát hiện và nhận biết hệ thống phòng không, ra đa, sân bay, kho tàng, cơ sở kinh tế ở miền Bắc được Bộ chỉ huy Mỹ thực hiện ngày một tăng. Đặc biệt, để thực hiện kế hoạch trên, từ tháng 6/1964, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành một loạt các hoạt động: Tung biệt kích, người nhái ra miền Bắc; đánh phá thăm dò Cầu Hang (Thanh Hóa); tập kích nhà máy nước Bàu Tró (Quảng Bình); cho biệt kích nhảy dù xuống Yên Bái, Nghệ An…

Cuối tháng 7/1964, hải quân Việt Nam Cộng hòa bắn phá đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) và Hòn Ngư (Nghệ An). Đồng thời, tàu khu trục Maddox tiến vào vịnh Bắc Bộ tiến hành khiêu khích tàu hải quân của ta và thu thập tin tức tình báo về các trạm ra đa, các trận địa phòng thủ bờ biển các tỉnh duyên hải miền Bắc.

Ngày 2/8/1964, tàu khu trục Maddox tiếp tục xâm phạm hải phận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để bảo vệ vùng biển, một phân đội tàu phóng lôi của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ, buộc tàu Maddox phải rút khỏi hải phận miền Bắc. Phía Mỹ đã lợi dụng sự kiện này để đẩy tới âm mưu vu cáo Việt Nam khiêu khích, tiến công tàu Mỹ ngoài hải phận quốc tế. Tàu khu trục Turner Joy được điều tới cùng tàu Maddox tiếp tục xâm phạm vùng biển của Việt Nam ngày 4/8/1964 và phát tín hiệu “bị tàu phóng lôi của Việt Nam tiến công”. Trên thực tế, vào thời điểm đó, không hề có cuộc đụng độ nào giữa hải quân hai bên, bởi các tàu phóng lôi của Việt Nam vẫn ở trong căn cứ.

Theo kịch bản đã dựng sẵn, tại Washington, Tổng thống Johnson triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, lệnh cho máy bay Mỹ mở cuộc ném bom trả đũa và yêu cầu Quốc hội Mỹ trao quyền cho Tổng thống toàn quyền sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ quân Mỹ ở nước ngoài trước sự đe dọa và tiến công “của các lực lượng thù địch”. Ngay sau đó, ngày 5/8/1964, không quân và hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc ném bom, bắn phá nhiều mục tiêu kinh tế, quân sự ở miền Bắc. Hai hôm sau, ngày 7/8, Quốc hội Mỹ đã ra Nghị quyết về sự kiện Vịnh Bắc Bộ, hợp pháp hóa hành động mở rộng chiến tranh của chính quyền Mỹ. Về sự kiện này, nhiều năm sau, chính các tài liệu của Mỹ đã phanh phui toàn bộ sự thật, bóc trần sự dối trá của chính quyền Johnson khi đó đã dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ ném bom, đánh phá miền Bắc, khiến Mỹ ngày càng sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Mốc son trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc - 1

Tàu khu trục Maddox của Mỹ được điều tới xâm phạm hải phận Việt Nam đầu tháng 8/1964. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

Sự chủ động đã mang lại chiến thắng

Do phân tích, nhận định đúng âm mưu của Mỹ, ngay từ tháng 1/1964, Chính phủ đã ủy nhiệm cho Bộ Tổng tham mưu tổ chức Hội nghị Phòng không nhân dân toàn miền Bắc nhằm từng bước triển khai các phương án bảo vệ miền Bắc.

Ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt nhằm tăng cường sự đoàn kết, nhất trí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trước âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ. Người khẳng định quyết tâm của cả dân tộc: “Nếu chúng liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng, vì các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ toàn thế giới sẽ hết sức ủng hộ ta; vì nhân dân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ cũng sẽ phản đối chúng”. Hội nghị chính trị đặc biệt này được xem như một Hội nghị Diên Hồng của dân tộc trong thời đại mới, biểu thị quyết tâm quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược, dù chúng có mạnh và hung bạo đến đâu.

Tiếp theo, ngày 26/4/1964, Bộ Tổng tham mưu ra lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu trong lực lượng phòng không và lệnh này được mở rộng, áp dụng trong toàn lực lượng vũ trang miền Bắc vào ngày 1/6/1964. Cũng trong tháng 6/1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị: Tăng cường sẵn sàng chiến đấu phá tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ với phương châm kết hợp mọi biện pháp, vừa tổ chức đánh địch, vừa phòng tránh, lấy bộ đội phòng không làm nòng cốt, phát động một phong trào rộng rãi bắn máy bay Mỹ bằng mọi thứ vũ khí, kể cả súng bộ binh.

Mọi công tác chuẩn bị đối phó với hành động mở rộng chiến tranh của Mỹ ra miền Bắc được thực hiện khẩn trương hơn vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1964 đế quốc Mỹ liên tiếp cho tàu chiến xâm phạm hải phận và khiêu khích các lực lượng bảo vệ bờ biển của ta. Bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chủ động đối phó, đánh trả các hành động gây chiến của hải quân Mỹ đối với miền Bắc và đã sẵn sàng phối hợp chiến đấu với các lực lượng khác khi đế quốc Mỹ mở cuộc tiến công quy mô lớn bằng không quân ngày 5/8/1964.

Lấy cớ bị cuộc tiến công thứ hai liên tiếp trong hai ngày 2 và 4/8 của tàu phóng lôi Hải quân Nhân dân Việt Nam vào khu trục hạm Maddox trên vùng biển quốc tế, ngay lập tức, Tổng thống Mỹ ra lệnh ném bom trả đũa vào nhiều mục tiêu đã định trên miền Bắc bằng chiến dịch Mũi tên xuyên.

Từ trưa ngày 5/8/1964, nhiều tốp máy bay Mỹ đã ném bom khu vực Cửa Hội (Nghệ An), Cảng Gianh (Quảng Bình), Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa)… Các lực lượng phòng không, các tàu hải quân, cùng dân quân tự vệ không bị bất ngờ, đã kiên cường đánh trả, bắn rơi 8 máy bay Mỹ các loại, bắn bị thương 2 chiếc khác, bắt sống giặc lái đầu tiên là trung uý Anvaret.

Cuộc chiến đấu đầu tiên chống lại không quân, hải quân Mỹ của quân dân miền Bắc đã giành được thắng lợi to lớn. Đế quốc Mỹ đã phải nếm trải thất bại to lớn đầu tiên khi tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Khẳng định vị trí của hậu phương lớn miền Bắc

Từ sự kiện ngày 5/8/1964, có thể thấy, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng quân và dân miền Bắc đã không bị bất ngờ trước cuộc ném bom đánh phá quy mô lớn của kẻ thù. Đảng đã lãnh đạo quân và dân các địa phương khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để đương đầu hiệu quả với hành động quân sự tàn bạo của đế quốc Mỹ. Quân và dân ta đã xác định quyết tâm, xây dựng phương án chiến đấu để bảo vệ miền Bắc trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, tiềm lực quốc phòng còn hạn chế, chưa nhận được nhiều sự trợ giúp của quốc tế, vẫn kiên quyết chiến đấu với niềm tin không lay chuyển vào thắng lợi cuối cùng. Đây chính là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng.

Trận chiến đấu ngày 5/8/1964 đã cho thấy sự cần thiết và cấp thiết phải chuyển trạng thái của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến để tổ chức thế trận phòng không một cách rộng khắp, hiệu quả. Đồng thời, cuộc đụng đầu này cũng giúp quân và dân miền Bắc nhận thức điểm mạnh yếu của mình, sở trường, sở đoản của kẻ thù để đề ra kế hoạch, phương án đối phó phù hợp.

Vị trí của hậu phương lớn miền Bắc được Đảng xác định là đóng vai trò quyết định nhất đối với thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vì thế, khi miền Bắc trở thành chiến trường trực tiếp đương đầu với không quân, hải quân, thậm chí cả bộ binh Mỹ, thì vấn đề đặt ra là phải bảo vệ miền Bắc như thế nào? Và miền Bắc đã làm tròn vai trò hậu phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mốc son trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO